Phát huy vai trò kinh tế hợp tác xã ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi
- Thứ tư - 24/02/2021 14:57
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong Kết luận số 70-KL/TW ngày 09/3/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, HTX đã khẳng định:“Khu vực kinh tế tập thể, HTX, nhất là những năm gần đây có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng..., góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, xoá đói, giảm nghèo cho các thành viên, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng của khu vực kinh tế tập thể, HTX trong nền kinh tế quốc dân”.
HTX sản xuất nông nghiệp Đạ K’nàng, tỉnh Lâm Đồng có 07 ha trồng cây dược liệu (nấm linh chi, trà hoa vàng, thảo quả…), 40ha sản xuất rau củ quả, tạo việc làm cho 120 lao động thường xuyên, trong đó chủ yếu là người dân tộc thiểu số, thu nhập trung bình từ 6-11 triệu đồng/tháng. HTX nông nghiệp Evergrowth, tỉnh Sóc Trăng sản xuất, kinh doanh sữa tươi nguyên liệu, thu hút 2.949 thành viên; tạo việc làm thường xuyên cho hơn 3.000 lao động; thu nhập bình quân hộ thành viên đạt trên 8,3 triệu đồng/tháng. Đây là hai điển hình trong số 11.558 HTX vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN), chiếm 42,4% tổng số HTX cả nước.
Ngoài ra, theo thống kê của Liên minh HTX thì ở vùng DTTS và MN còn có 35 liên hiệp HTX, 61.471 tổ hợp tác; tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả đạt 53%. Khu vực kinh tế tập thể, HTX vùng DTTS và MN thu hút hơn 3,7 triệu thành viên, chiếm 37% tổng số thành viên HTX trên địa bàn cả nước, tạo việc làm cho hơn 1,1 triệu lao động, thu nhập bình quân của thành viên, người lao động khu vực HTX nông nghiệp đạt từ 0,7-1,5 triệu đồng/người/tháng, khu vực HTX phi nông nghiệp đạt từ 1,8-3 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động, theo đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, thời gian qua, các HTX vùng DTTS và MN đã tích tụ, tập trung được hơn 1 triệu hecta đất để sản xuất quy mô lớn, hiệu quả hơn. Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030 chủ trương: “... thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS và MN so với bình quân chung của cả nước; đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn”.
Để đạt được các mục tiêu này, theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, một trong những giải pháp có tính chiến lược và nhu cầu khách quan là phải đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, HTX vùng DTTS và MN. Tổ hợp tác, HTX kiểu mới được thành lập theo nguyên tắc tự nguyện, công bằng, dân chủ, minh bạch sẽ là cầu nối giúp hộ cá thể và người dân huy động các nguồn lực. Phát triển kinh tế tập thể, HTX còn là tiêu chí số 13 - một tiêu chí quan trọng trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) và có liên quan mật thiết đến các tiêu chí còn lại như: giảm nghèo, thu nhập, môi trường, khoa học, công nghệ...; là yếu tố và động lực cơ bản góp phần tạo nền tảng thúc đẩy quá trình xây dựng NTM, là nòng cốt trong việc thực hiện các mô hình sản xuất theo quy hoạch; thực hiện tiêu chí nâng cao thu nhập cho nông dân; triển khai các đề án, dự án trong xây dựng NTM; phát huy vai trò của các thành viên HTX trong thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM vùng DTTS và MN.
Cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025: thu hút ít nhất 70% số hộ nông dân tham gia HTX, 70% HTX hoạt động hiệu quả, thu nhập bình quân của thành viên HTX tăng 02 lần so với năm 2020, đóng góp của kinh tế tập thể, HTX vào GRDP vùng DTTS và MN từ 7-10%. Đến năm 2030: thu hút hầu hết hộ cá thể vùng DTTS và MN tham gia THT, HTX, liên hiệp HTX; 85% HTX hoạt động hiệu quả, thu nhập bình quân của thành viên HTX tăng 03 lần so với năm 2020, đóng góp của kinh tế tập thể, HTX vào GRDP vùng DTTS và MN từ 10-12%.
Để cụ thể hóa những mục tiêu này, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng cần tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân vùng DTTS và MN về bản chất của kinh tế tập thể, HTX, nhất là về HTX kiểu mới theo phương châm: “Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra, Dân thụ hưởng”.
Cùng với đó, cần nhân rộng các HTX hoạt động hiệu quả. Mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển vùng DTTS và MN. Đổi mới và hoàn thiện các chính sách, nội dung hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX phù hợp với từng giai đoạn và nhu cầu thực tế; có chính sách hỗ trợ, ưu đãi về đất đai, thuế, vốn, phí, lệ phí... để thu hút các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, làm đầu kéo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và MN. Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tập thể, HTX phát triển bền vững; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật và chính sách hỗ trợ đặc thù để tạo điều kiện thuận lợi cho HTX thành lập và hoạt động; sửa đổi một số quy định của Luật HTX 2012, Luật Đất đai... và các pháp luật liên quan./.