Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Điện Biên

http://nongthonmoi.dienbien.gov.vn


Nông dân Nậm Pồ thi đua sản xuất

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Nậm Pồ lần thứ III (nhiệm kỳ 2020 - 2025) xác định mục tiêu lớn nhất là tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ gần 50% xuống còn 30% vào năm 2025. Do vậy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện xác định tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước là yếu tố quan trọng và xuyên suốt để tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Mô hình nuôi ong lấy mật của gia đình anh Vàng Văn Học, bản Nà Ín, xã Chà Nưa (ngoài cùng bên trái) mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng.

Trong những năm gần đây, sự lan tỏa của các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã góp phần to lớn trong việc khơi dậy tiềm năng, sáng tạo của nhiều tập thể, cá nhân và thu được những kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt là, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã giành được những kết quả quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Là địa bàn sản xuất nông, lâm nghiệp, người dân trong huyện đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua từng bước khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, mặt nước, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi. Để đồng hành cùng người dân trong phát triển các mô hình kinh tế, nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đã được ban hành và thực hiện đem lại những tác dụng tích cực. Nhiều mô hình xóa đói giảm nghèo đã và đang phát huy hiệu quả, được khuyến khích nhân rộng như: Mô hình trồng cây chít ở xã Nà Khoa và Nậm Nhừ; mô hình trồng cây mận ở xã Vàng Đán, cam sành ở xã Nậm Tin. Hay mô hình trồng cây sả dược liệu trên đất dốc ở các xã Vàng Đán, Nà Hỳ, Nậm Nhừ và Nà Khoa; trồng cây sa nhân dưới tán rừng và nuôi ong lấy mật ở các xã Chà Nưa, Chà Tở, Nậm Khăn, Pa Tần… Từ năm 2015 đến nay, huyện đã vận động người dân khai hoang, phục hóa được hơn 600ha đất sản xuất nông nghiệp. Năm 2020, tổng diện tích cây trồng chính trên địa bàn huyện đạt hơn 10.000ha, tăng hơn 800ha so với năm 2015.

Bằng sự nhạy bén, năng động, dám nghĩ, dám làm trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và triển khai những mô hình phù hợp; những năm gần đây, nhiều gia đình nông dân trong huyện đã biết phát huy thế mạnh, tiềm năng địa phương để xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Tiêu biểu như gia đình ông Ngải Củ Lỷ ở bản Đề Pua, xã Phìn Hồ tận dụng lợi thế đất đai rộng lớn, đồng cỏ tự nhiên đầu tư chăn nuôi gia súc. Với sự cần cù, chịu khó, vừa chăn nuôi vừa rút kinh nghiệm, gia đình ông đã phát triển đàn trâu, bò hiệu quả, có thời điểm lên tới 150 con. Với phương pháp chăn nuôi chỉ cho trâu, bò ăn cỏ tự nhiên nên khi xuất bán, trâu bò của gia đình ông luôn được các thương lái săn đón.

Cũng từ các phong trào thi đua, nhiều nông dân trong huyện đã năng động hơn trên chính mảnh đất của mình, biết thay đổi cách nghĩ, cách làm để nâng cao hiệu quả kinh tế. Điển hình như gia đình anh Giàng A Chư ở bản Huổi Dạo, xã Vàng Đán. Với hơn 5ha đất đồi, trước đây gia đình anh chỉ canh tác lúa nương một vụ, năng suất thấp và có những vụ thì gần như mất trắng. Năm 2017 gia đình anh đã thí điểm đưa cây sả dược liệu vào trồng thay thế để chưng cất lấy tinh dầu. Từ đó đến nay không những gia đình anh có thu nhập ổn định, đời sống ngày càng được nâng lên mà còn là mô hình hiệu quả đã được nhân rộng đến nhiều người dân trong xã. Trong điều kiện thuận lợi hơn, gia đình ông Thùng Văn Nạy ở bản Cấu, xã Chà Nưa mặc dù đang có thu nhập ổn định từ mô hình VAC nhưng đã quyết định đầu tư nuôi ong rừng lấy mật. Đến nay, bình quân mỗi năm gia đình ông Nạy xuất ra thị trường trên 150 lít mật ong chất lượng cao với giá từ 250 - 300 nghìn đồng/lít. Mô hình nuôi ong của gia đình ông Nạy cũng là một trong những mô hình góp phần đưa “Mật ong Chà Nưa” thành sản phẩm đại diện trong chương trình “mỗi xã một sản phẩm” của huyện Nậm Pồ...

Từ việc triển khai hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đến nay, huyện Nậm Pồ đã có trên 300 hộ gia đình có mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi. Trong đó nhiều mô hình tiêu biểu đã được các cấp, các ngành ghi nhận và đang được phát huy nhân rộng ra cộng đồng. Đây cũng chính là những nhân tố góp phần làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân trong sản xuất, kinh doanh và là động lực quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương vốn ít tiềm năng, lợi thế.

Nguồn tin: Văn Thành Chương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây