Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Điện Biên

http://nongthonmoi.dienbien.gov.vn


Khó nhân rộng vùng sản xuất chuyên canh rau an toàn

Trước yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, sản xuất rau an toàn đang là một trong những hướng phát triển của ngành Nông nghiệp tỉnh. Tại huyện Ðiện Biên và TP. Ðiện Biên Phủ đã có thời điểm nhiều nông dân, doanh nghiệp tham gia sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao theo hướng VietGAP. Tuy nhiên, sản xuất an toàn áp dụng công nghệ cao đang gặp nhiều khó khăn từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, vì vậy khó nhân rộng vùng sản xuất chuyên canh rau an toàn.
Người dân xã Noong Luống (huyện Ðiện Biên) trồng cà chua theo cách thức truyền thống.

Theo kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh, các huyện: Ðiện Biên, Tuần Giáo và TP. Ðiện Biên Phủ là những “vựa” rau trọng điểm của tỉnh; trong đó huyện Ðiện Biên và TP. Ðiện Biên Phủ được quy hoạch tập trung xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao. Theo kế hoạch đề ra, hết năm 2020 toàn tỉnh có 5ha sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao (huyện Ðiện Biên 3,5ha; TP. Ðiện Biên Phủ 1,5ha) và 300ha sản xuất rau an toàn tại huyện Ðiện Biên (230ha), Tuần Giáo (60ha) và TP. Ðiện Biên Phủ (10ha).

Triển khai sản xuất rau an toàn đã mang lại hiệu quả về kinh tế, thay đổi thói quen sản xuất, hướng đến sản phẩm sạch. Ðiển hình là trong 2 năm (2016 - 2017), ngành Nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với huyện Ðiện Biên triển khai sản xuất rau an toàn với 3 mô hình tại các đội 18, 19 (xã Noong Luống) và đội 8 (xã Thanh Xương), tổng số 68 hộ tham gia sản xuất trên diện tích 9,5ha trồng các loại: Cà chua, dưa chuột, súp lơ, cải thảo, đỗ xanh... Kết quả cho thấy, trồng rau theo hướng VietGAP giảm chi phí sản xuất, lượng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón từ 20 - 30% so với sản xuất rau thông thường; nông dân thu lợi nhuận cao hơn sản xuất thông thường từ 15 - 20%. Ðồng thời người tiêu dùng được sử dụng các sản phẩm rau, củ được sản xuất theo hướng VietGAP cơ bản; trước khi xuất ra thị trường, các sản phẩm đều được kiểm định chất lượng, kiểm tra an toàn và truy xuất nguồn gốc.

Mặc dù hiệu quả kinh tế cao nhưng việc mở rộng diện tích trồng rau an toàn trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, chưa thu hút được nhiều người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia. Các mô hình sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh hiện chủ yếu vẫn dừng ở mức thử nghiệm hoặc quy mô nhỏ. Nhiều dự án, mô hình thử nghiệm sau khi kết thúc, hầu hết người tham gia quay trở về hình thức sản xuất cũ hoặc chỉ hoạt động ở mức cầm chừng. Theo thống kê, diện tích trồng rau an toàn ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP trong nhà lưới cơ bản mới có 3ha trên địa bàn huyện Ðiện Biên (đạt tiêu chuẩn VietGAP năm 2016).

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc khó mở rộng vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao, trong đó khó khăn nhất là thị trường tiêu thụ chưa ổn định, khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn thấp. Năm 2017, một số hộ dân xã Noong Luống tham gia mô hình rau an toàn theo hướng VietGAP nhưng sau khi dự án kết thúc, hầu hết lại trở về sản xuất truyền thống. Người tham gia mô hình đều đánh giá trồng rau theo hướng VietGap giúp tiết kiệm chi phí, sản phẩm đảm bảo chất lượng, bảo vệ sức khỏe người lao động, người tiêu dùng và bảo vệ môi trường nhưng đòi hỏi phải đảm bảo an toàn từ khâu làm đất, nguồn nước tưới, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Quan trọng nhất là sử dụng phân hữu cơ thay cho phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật sinh học thay thế thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Cùng với đó là thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn bởi sản phẩm rau an toàn theo hướng VietGAP so với rau trồng truyền thống nhìn bề ngoài đều giống nhau trong khi công tác truyền thông, quảng bá còn hạn chế nên người tiêu dùng khó phân biệt được đâu là sản phẩm VietGAP, đâu là rau sản xuất truyền thống dẫn đến khó tiêu thụ. Bởi bán giá cao thì không ai mua, ngược lại bán giá thấp thì không có hiệu quả kinh tế.

Một khó khăn nữa là do đặc thù canh tác rau màu của nông dân vẫn là nhỏ lẻ, manh mún; chưa đảm bảo khối lượng cung ứng ổn định cho doanh nghiệp. Mặc dù quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Ðiện Biên, Tuần Giáo và TP. Ðiện Biên Phủ nhưng hiện nay chủ yếu mới thực hiện trên địa bàn huyện Ðiện Biên. Cơ sở hạ tầng, đồng ruộng tuy đã từng bước được đầu tư cải tạo, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu khắt khe của công nghệ sản xuất rau an toàn. Chưa có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư công nghệ vào lĩnh vực sản xuất rau an toàn. Hơn nữa, hiện nay người tiêu dùng vẫn còn tư tưởng “rẻ thì mua” nên rau sạch, an toàn trở nên “yếu thế”, khó cạnh tranh với rau thường.

Có thể nói, chi phí sản xuất cao, yêu cầu nghiêm ngặt các điều kiện, quy trình sản xuất trong khi thị trường tiêu thụ hạn chế dẫn đến việc nhân rộng các mô hình, phát triển thành vùng chuyên canh rau an toàn ứng dụng công nghệ cao còn gặp nhiều khó khăn. Ðây là “bài toán” các cấp chính quyền, ngành chuyên môn cần sớm có lời giải để người nông dân, doanh nghiệp yên tâm tham gia sản xuất.


 

Nguồn tin: Bài, ảnh: Thu Phương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây