Hoa...“triệu đô” nở trên đất đỏ vàng
- Thứ hai - 05/10/2020 20:41
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Những dự án kém hiệu quả
Nhiều thập niên qua, Điện Biên đón vô số các dự án nông – lâm. Từ Dự án trồng trẩu, trồng quế, trồng cao su… cho đến các chương trình 327, dự án trồng mới 5 triệu héc - ta rừng bằng phương pháp gieo bay, bay gieo... của của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; với mục đích nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, ý nghĩa này không nằm ngoài mục tiêu giúp người dân được hưởng lợi từ rừng, sống được nhờ rừng. Kết quả của các chương trình, dự án mang tầm vĩ mô ấy, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Điện Biên chỉ tăng nhẹ, đạt 38,5% (theo số liệu kiểm kê rừng năm 2016) thấp nhất vùng Tây Bắc. Đời sống của người dân phần lớn vẫn chưa thể sống được từ rừng. Nghĩa là, các mô hình, dự án lâm nghiệp chưa thể mang lại no ấm cho người dân.
Tỉnh Điện Biên trồng gần 5.000ha cao su. |
Đến nay, toàn tỉnh Điện Biên có khoảng 5.000ha cây cao su, một số diện tích đã đến kì cho thu hoạch, nhưng hiện giá mủ cao su trên thế giới giờ đang giảm mạnh. Ngoài cây cao su, Điện Biên còn có gần 100ha chè Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa) và gần 3.000ha cà phê Mường Mường Ảng (huyện Mường Ảng) nhưng tất thảy vẫn long đong chìm nổi theo giá thị trường và buồn vui cùng những phận người. Bao nhiều dự án thất bại là bấy nhiêu lần người dân buồn vì nỗi lo cơm áo, lãnh đạo tỉnh Điện Biên cũng không nằm ngoài nỗi lo ấy, bởi một điều hiển nhiên; dân có giàu thì chính quyền mới mạnh... Và cũng không thể thống kê hết đã có bao nhiêu cuộc họp tỉnh Điện Biên, bàn kế sách tìm hướng đi thoát nghèo cho người dân từ những mô hình kinh tế nông, lâm.
Bao nhiêu cuộc họp là lãnh đạo tỉnh bấy nhiêu lần trăn trở... Nỗi trăn trở của “nhà nghèo đông con” làm gì cũng thấy khó. Ai cũng biết, muốn đổi thay thì phải có tiềm lực: từ con người cho đến điều kiện sản xuất, phải “mạnh về gạo, bạo về tiền”. Nhưng thật khó!
Thực tế, Điện Biên là một tỉnh nghèo nhất cả nước, ngân sách hàng năm phụ thuộc chủ yếu vào Trung ương... cạnh đó là một bộ phận không nhỏ người dân còn trông chờ ỷ nại vào các chế độ, chính sách của Nhà nước. Nên “cái khó” đã bó lấy “cái khôn.”
Không phải cán bộ không tâm huyết, không hao tâm tổn lực... không phải đồng bào không chịu thương, chịu khó… mà cái khó một phần do điều kiện tự nhiên không ưu đãi; khí hậu Điện Biên khô nóng, chịu ảnh hưởng trực tiếp của hiệu ứng gió phơn (hay còn gọi gió Lào). Cạnh đó, địa hình cao, chia cắt phức tạp, chủ yếu là đất đỏ vàng, số ít là phù sa bồi đắp lên cánh đồng Mường Thanh (rộng khoảng 140km2 chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với tổng diện tích tự nhiên 9.562,9km2.)
Được biết, diện tích đất quy hoạch phát triển lâm nghiệp toàn tỉnh Điện Biên hiện nay khoảng 697.000ha. Trong đó, gần 300.000ha lâm nghiệp chưa có rừng; chỉ là đất nương rãy luân canh là cây cỏ bụi.
Với diện tích đồi trọc khá lớn, buộc chính quyền tỉnh Điện Biên phải tìm một hướng đi vừa đảm bảo tính bền vững dài lâu, vừa phải đảm bảo tính cấp thiết về an ninh lương thực cho người dân; bởi hướng đi nào thì cũng phải “no cái bụng” trước tiên. Công bằng mà nói, tính đến thời điểm này một số tỉnh bạn như: Sơn La, Yên Bái, Lào Cai… rất thành công trong việc chuyển đổi cây trồng trên đất lâm nghiệp chưa có rừng.
Ông Trần Văn Thượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông, thừa nhận: Xét về mặt điều kiện tự nhiên Sơn La nằm trong tiểu vùng khí hậu ôn đới, có nhiều cao nguyên thoải. Đây là điều kiện tốt để phát triển mô hình trồng cây ăn quả và tăng đàn gia súc. Còn Yên Bái là tỉnh phát triển kinh tế lâm nghiệp tương đối tốt. Son nếu đem cây keo, bạch đàn ở Yên Bái, cây ăn quả ở Sơn La lên trồng ở Điện Biên thì sẽ “vỡ trận” vì cước vận chuyển rất cao và khó bảo quản.
Bắt đất sỏi ruồi… phải “nhả” triệu đô
Nhiều giống cây lâm nghiệp có mặt ở Điện Biên, nhưng chưa hiệu quả. Còn cây mắc ca bén duyên với Điện Biên bắt nguồn từ một nhà quản lý trong ngành nông nghiệp hàng đầu Việt Nam. – Nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, Nguyễn Công Tạn, khi ấy bác còn sống và lên Điện Biên công tác có đem theo một số hạt giống mắc ca.
Thế giới gọi cây mắc ca là cây “triệu đô”, hiện nay, tỉnh Điện Biên đã chọn giống cây này để trồng trên những diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng. Đây là giống cây lâm nghiệp cho ăn quả có giá trị kinh tế cao, đảm bảo các yếu tố về khí hậu, thổ nhưỡng của Điện Biên, đặc biệt quả mắc ca không lo bảo quản vì vỏ quả rất cứng.
“...Chúng tôi đã mất 7 năm để trồng thử nghiệm giống cây này, bắt đầu từ năm 2009, với diện tích là 771ha ở các huyện Tuần Giáo, Mường Ảng và TP. Điện Biên Phủ. Đến nay, một số diện tích này đã cho thu hoạch.” – Ông Thượng nói.
“…Cây mắc ca không phải là cây dễ chọn giống và được coi là cây “nhà giàu”, nên người dân sẽ không đủ tiềm năng kinh tế để làm nếu không có doanh nghiệp đầu tư. Hàng năm, chúng tôi phải mời chuyên gia mắc ca từ Australia sang để hướng dẫn kĩ thuật ghép cành, tỷ lệ cây sống sau ghép cành chỉ đạt từ 60 - 70%. Trong khi đó, chúng tôi phải tìm nguồn hạt có đủ tiêu chuẩn để ươm cây hạt thực sinh, đến khi cây non được gần 1 năm tuổi sẽ tiến hành ghép cây giống với cành trưởng thành đã ra quả. Phải ghép cành mới mong ra quả và năng suất. Khâu chọn giống rất quan trọng, vì mỗi loại sẽ có một đặc điểm riêng ví dụ như năng suất, chất lượng hạt, khả năng kháng hạn, kháng bệnh.. Nếu chọn giống không đúng thì năng suất sẽ rất thấp. - Ông Phạm Duy Thành, Phó Giám đốc C.ty CP Macadamia Điện Biên, (một trong những người đầu tiên trồng thử nghiệm cây mắc ca ở Điện Biên), chia sẻ.
Những tưởng Điện Biên tìm được cây “triệu đô” phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng thì người dân sẽ có cơ hội đổi đời. Nào ngờ cây mắc ca lại có những điều kiện gieo trồng khó đến thế.! Xưa nay, người vùng cao ngoài việc phát rẫy tra hạt chờ ngày lên bông... thì làm sao có đủ vốn kiến thức để bắt hoa thụ phấn, triết cành theo mùa cho năng suất. Đứng trước thời cơ và thách thức ấy, buộc chính quyền tỉnh Điện Biên phải cân nhắc cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vừa phải đảm bảo lợi ích phía người dân.
Vậy là các cuộc họp xin chủ trương, thống nhất cách làm… các buổi gặp mặt nhà đầu tư cùng các thành viên ủy ban diễn ra từ thường nhật cho đến bất thường; bắt đầu từ năm 2012, đến nay mới tạm thời “ngã ngũ”… Trong các nội dung có liên đến dự án như: tạo quỹ đất, chính sách đầu tư thì nội dung mất nhiều thời gian, tốn nhiều giấy mực nhất đều liên quan đến lợi ích của người dân.
Đến nay, UBND tỉnh Điện Biên đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 5 dự án cho 5 nhà đầu tư, trồng cây mắc ca gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm... tổng diện tích 17.214ha, tổng mức đầu tư 4.729,95 tỷ đồng.
Đồng chí Lê Thành Đô, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Điện Biên (thứ 2 bên trái) cùng lãnh đạo huyện Mường Ảng đi kiểm tra vùng quy hoạch trồng cây ăn quả. |
Tương lai Điện Biên sẽ là thủ phủ mắc ca
Hiện nay, toàn tỉnh Điện Biên đã trồng được 3.229ha cây mắc ca, tập trung chủ yếu tại địa bàn huyện Tuần Giáo, Mường Ảng, Mường Nhé và TP. Điện Biên Phủ. Trong đó, có 8ha cây mắc ca trồng thử nghiệm giai đoạn đầu đã cho thu hoạch, tổng sản lượng thu hoạch đạt 33,7 tấn quả tươi; ở TP. Điện Biên Phủ, huyện Mường Ảng và huyện Tuần Giáo.
Ông Thành cho biết thêm: Hiện nay quả mắc ca chúng tôi bán với giá 120.000 - 150.000 đ/kg quả tươi; 300.000đ/kg quả khô và không có để bán. Cứ 1ha mắc ca trồng khoảng 280 cây, sau 3 năm cây cho quả bói và cho thu hoạch ổn định từ năm thứ 5 trở đi, vòng đời của cây khoảng 60 năm.
Có thể nói, bước đầu Điện Biên đã trồng thử nghiệm thành công cây được mệnh danh là “nữ hoàng” của các loài hạt.
-Vậy người dân sẽ được gì trong những dự án kể trên? – trả lời câu hỏi ấy, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Điện Biên, Lê Thành Đô, cho biết: Để tạo điều kiện cho nhà đầu tư và lợi ích của người dân, chúng tôi thực hiện chính sách nhà đầu tư thuê đất của dân, giá thuê đất được tính từ năm thứ nhất 4 triệu đồng/1ha/năm. Từ năm thứ 2 trở đi giá thuê đất giữ nguyên và được cộng thêm phần điểu chỉnh tăng hàng năm theo chỉ số tiêu dùng (CPI) do Tổng cục Thống kê công bố. Trường hợp giá đất của Điện Biên vượt số tiền doanh nghiệp chi trả cho người dân (đã bao gồm lũy tiến) thì tính theo giá đất của tỉnh cộng với hệ số trượt giá hàng năm.
Về chia sẻ lợi nhuận, từ năm thứ 6 trở đi người dân ngoài tiền cho thuê đất 4 triệu/ha/năm còn được thêm 4 triệu đồng/ha/năm. Và từ năm thứ 7 trở đi, giá trị chia sẻ lợi nhuận cộng thêm phần điều chỉnh tăng hằng năm theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) do Tổng cục Thống kê công bố.
Nghĩa là lợi ích của người dân cho thuê đất luôn được đảm bảo 4 triệu đồng/ha/năm và điều chỉnh hàng năm theo chỉ số tiêu dùng (CPI), và tiền chia sẻ lợi nhuận từ việc thu hoạch mắc ca 4 triệu đồng/ha/năm; cơ sở tính dựa vào sản lượng thu hoạch lúa nương của người dân/ha/năm. Trường hợp sản lượng hoặc giá mắc ca tăng từ 15% trở lên so với năm liền kề năm thứ 7 thì cơ quan quản lí Nhà nước, nhà đầu tư và người dân sẽ thống nhất lại mức chia sẻ lợi ích cho các bên; giám sát sản lượng thu hoạch mắc ca được giao cho phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn các huyện, thị, thành phố.
Khi vùng nguyên liệu mắc ca đủ nhà đầu tư sẽ xây dựng nhà máy chế biến máy tách vỏ, tách nhân, máy sấy... đi kèm dự án và tự phân phối thị trường. Ngoài các chính sách kể trên thì các hộ dân cho thuê đất còn được ưu tiên làm nhân công tại chỗ theo giá lao động phổ thông từ 5 – 6 triệu đồng/tháng.
Năm 2007, là một trong những hộ đầu tiên cho C.ty Macadamia Điện Biên thuê 2ha đất dốc bạc màu để trồng mắc ca. Anh Lò Văn Phòng, bản Cang, xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo, cho biết: Ngoài tiền cho thuê đất trồng mắc ca 4 triệu đồng/ha/năm, vợ chồng tôi còn làm công nhân cho C.ty, công việc chính là trông coi vườn cây và làm cỏ, mức lương là 4 triệu đồng/người/tháng, gia đình tôi có thu nhập ổn định.
Tương lai không xa, rất nhiều hộ gia đình ở Điện Biên sẽ có thu nhập ổn định như hộ anh Phòng ở Tuần Giáo, đời sống sẽ được nâng lên. Theo lộ trình của tỉnh Điện Biên thì hết năm 2020 giống cây “triệu đô” sẽ được trồng trên toàn bộ hơn 20.000ha đất lâm nghiệp chưa có rừng của tỉnh. Sẽ không bao lâu Điện Biên sẽ trở thành tỉnh đầu tiên cung cấp quả mắc ca; theo như nhận định của Hiệp hội mắc ca Việt Nam.