Bất cập các công trình nước sinh hoạt nông thôn
- Thứ ba - 22/12/2020 07:02
- In ra
- Đóng cửa sổ này
965 công trình kém hiệu quả
Những năm qua, đã có hàng nghìn công trình nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được đầu tư mới, sửa chữa, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, ăn uống của người dân. Thế nhưng, nhiều công trình không phát huy hiệu quả hoặc chỉ phát huy được một mùa (mùa mưa), thậm chí ngay cả những công trình mới được đầu tư. Thực tế này đang diễn ra ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh, gây lãng phí nguồn lực đầu tư và bức xúc cho người dân.
Ðiện Biên Ðông là huyện vùng cao, tình trạng thiếu nước sinh hoạt thường xuyên xảy ra, nhất là vào mùa khô trên địa bàn các xã: Pú Nhi, Xa Dung, Phì Nhừ, Phình Giàng… và ngay cả thị trấn huyện Ðiện Biên Ðông. Trước thực trạng trên, những năm qua huyện được đầu tư hàng loạt công trình nước sinh hoạt; đến nay toàn huyện có 214 công trình nước sinh hoạt tập trung. Tuy nhiên, trong đó có đến 135 công trình hoạt động ở mức trung bình; 53 công trình hoạt động kém hiệu quả và 20 công trình không hoạt động.
Tương tự, tại huyện Tuần Giáo, tính đến hết tháng 5/2020, toàn huyện có 140 công trình nước sinh hoạt nông thôn tập trung. Tuy nhiên, chỉ có 12 công trình hoạt động thường xuyên trong năm và cung cấp đầy đủ nước sinh hoạt cho người dân; 29 công trình hoạt động trung bình (mùa khô chỉ cấp đủ nước cho 60 - 80% số hộ theo thiết thế). Trong khi đó, có 32 công trình hoạt động kém hiệu quả và 67 công trình không hoạt động. Ðiển hình, công trình nước sinh hoạt bản Gia Bọp, xã Mường Mùn được đầu tư năm 2016 - 2017, tuy nhiên đến nay đã hỏng bể đầu mối, ảnh hưởng đến việc cung cấp nguồn nước sinh hoạt. Hay công trình nước sinh hoạt bản Nặm Cá, xã Nà Sáy đã hư hỏng và dừng hoạt động.
Không chỉ ở 2 huyện Ðiện Biên Ðông và Tuần Giáo, thực trạng này đang diễn ra ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Thống kê của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh có 1.020 công trình cấp nước tập trung nông thôn. Tuy nhiên, có 965 công trình do cộng đồng quản lý kém hiệu quả. Nguyên nhân do hầu hết các công trình sau khi xây dựng xong bàn giao cho chính quyền xã rồi xã bàn giao cho các thôn, bản tự quản lý, vì vậy công tác duy tu, sửa chữa khi hư hỏng không được quan tâm. Bên cạnh đó, chất lượng các công trình chưa đảm bảo, mô hình không phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương dẫn đến công trình nhanh xuống cấp, hư hỏng và không sử dụng được.
Thực trạng trên ngành Nông nghiệp thừa nhận trách nhiệm và với chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực cấp nước nông thôn, thời gian qua Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản như: Kế hoạch thực hiện chương trình hành động về quản lý vận hành các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn giai đoạn 2016 - 2020; kế hoạch thực hiện chương trình đảm bảo cấp nước an toàn khu vực nông thôn tỉnh giai đoạn đến năm 2025. Tuy nhiên đến nay hầu như không đơn vị, địa phương nào thực hiện.
Khó thu tiền nước sinh hoạt nông thôn
Việc thu tiền và quản lý, sử dụng tiền nước sinh hoạt từ công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn là nguồn quan trọng để duy tu, bảo trì các công trình hoạt động đảm bảo lâu dài. Tuy nhiên, thời gian qua trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện được, dẫn đến nhiều công trình hư hỏng không được duy tu, sửa chữa. Lý giải vấn đề trên, ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trong tổng số 1.020 công trình nước sinh hoạt thì có 27 công trình cấp nước tự chảy cho khu vực nông thôn đến từng hộ do tổ đội quản lý vận hành và 13 công trình cấp nước sạch nông thôn đáp ứng quy chuẩn QCVN 02: 2009/BYT ngày 17/6/2009 của Bộ Y tế về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chất lượng nước sinh hoạt là có thu phí. Còn 965 công trình cấp nước theo bể trữ do cộng đồng quản lý và số công trình còn lại do các mô hình khác quản lý vận hành (cá nhân, nhóm người tự đứng ra quản lý...) là công trình cấp nước sinh hoạt không phải là nước sạch theo quy chuẩn, vì vậy không thể thu phí theo quy định. Bên cạnh đó, hiện nay chưa có hướng dẫn ban hành khung giá nước sinh hoạt nông thôn cho các công trình bể chứa nước, công trình cấp nước đến từng hộ gia đình không có khu xử lý chất lượng nước. Vì vậy, hiện nay 965 công trình này được các thôn, bản tự ra hương ước quy định (mức thu bằng tiền hoặc thóc theo mùa vụ).
Hiện nay một số công trình nước sinh hoạt được đầu tư bằng nguồn vốn chương trình WB còn xảy ra tình trạng thu mức phí chênh lệch giữa các xã với nhau. Cụ thể, năm 2018, bằng nguồn vốn vay Ngân hàng thế giới (WB), tỉnh đã đầu tư 21 công trình (1 công trình không đáp ứng được yêu cầu văn kiện của WB; 7 công trình đấu nối từ hệ thống cấp nước của TP. Ðiện Biên Phủ sau khi hoàn thành sẽ được quản lý và thu tiền nước; còn lại 13 công trình đã đưa vào vận hành từ năm 2018, tuy nhiên đến nay chưa thu tiền nước). Sau khi bàn giao đưa vào sử dụng, UBND các xã tự quy định giao mức thu, chi và quản lý nguồn thu trên. Qua công tác giám sát, HÐND tỉnh đã phát hiện có xã thu 3.000 đồng/m3, xã thu 4.000 đồng/m3 và có xã thu 5.000 đồng/m3; một số công trình đã được đưa vào sử dụng nhưng chưa thu được tiền nước. Tuy nhiên, theo quy định, các công trình cấp nước sạch nông thôn được đầu tư bằng nguồn vốn WB sau khi đưa vào sử dụng bắt buộc phải thu tiền nước, có tổ đội quản lý vận hành.
Ðược biết, Ban Quản lý dự án các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn trước khi bàn giao công trình đã hướng dẫn UBND các xã căn cứ vào tình hình thực tế, quy mô công trình và căn cứ vào khung giá nước sạch nông thôn tại Thông tư 88/2012/TT-BTC ngày 28/5/2012 của Bộ Tài chính thống nhất với người dân ra quyết định mức thu giá tạm thời trong khi chờ cấp có thẩm quyền ban hành phương án mức giá nước sạch nông thôn. Do đó, thời gian qua có có 27 công trình được UBND các xã lấy ý kiến người dân và thông qua HÐND xã, UBND xã ra quyết định mức thu, chi trên cơ sở quy định với mức giá từ 2.000 - 11.000 đồng/m3. Dẫn đến thời gian qua có bất cập quanh việc một số xã thu mức giá nước khác nhau.
Ðược biết, thời gian tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cấp thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn phương án giá nước chung trên địa bàn tỉnh theo quy chuẩn của Bộ Y tế về cấp nước sinh hoạt và ăn uống; hướng dẫn chủ quản lý công trình cấp nước về quy trình thẩm định, phê duyệt giá nước sạch nông thôn. Ðối với các công trình nước sinh hoạt, cấp nước theo bể trữ sẽ nghiên cứu đề xuất phương án phù hợp với quy định và thực tiễn địa phương.