Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Điện Biên

http://nongthonmoi.dienbien.gov.vn


Xây dựng thương hiệu OCOP cho sản phẩm chè Tuyết Shan Tủa Chùa

Năm 2019, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên mới bắt tay triển khai Chương trình OCOP. Hai sản phẩm chủ lực thực hiện Chương trình OCOP là chè Tuyết Shan và Rượu Mông Pê. Đây là hai sản phẩm thế mạnh, giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Cây chè Tuyết Shan Tủa Chùa có khả năng thích nghi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đem lại hương vị đặc trưng riêng.

Tủa Chùa là huyện có tiềm năng đất đai lớn, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với việc phát triển chè Tuyết Shan đặc sản, có chất lượng cao. Cây chè Tuyết Shan sống tự nhiên trên các núi đá, nhiều gốc chè có độ tuổi vai trăm năm. Với trên 8.000 cây chè cổ thụ, chiếm khoảng 30ha. Tủa Chùa được Viện nghiên cứu chè đánh giá là nơi có mật độ cây chè cổ thụ tập trung lớn so với các tỉnh khác trong cả nước.

Khả năng thích ứng với sự khắc nghiệt của thời tiết, tích tụ được sương núi, cùng với việc thu hái không sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ hay chất hóa học nào nên chè Tuyết Shan Tủa Chùa có chất lượng sạch, an toàn với sức khỏe. Chè Tuyết Shan Tủa Chùa có hương thơm đặc trưng, màu nước vàng óng, khi uống còn lưu lại ở đầu lưỡi vị chát cùng với vị đắng, ngọt hòa quyện đậm đà tạo nên thương hiệu chè Tuyết Shan đặc sản. Chè có tác dụng thanh nhiệt, giảm béo, giúp tiêu hóa tốt, ngăn ngừa ung thư, chống lão hóa, ổn định đường huyết... là thức uống không thể thiếu của người dân Việt Nam.

Từ những công dụng và chất lượng mà chè Tuyết Shan Tủa Chùa đã được UBND tỉnh Điện Biên lựa chọn phê duyệt trong Ðề án Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020. Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa cho biết: Thực hiện kế hoạch Chương trình OCOP của tỉnh, huyện Tủa Chùa đã tổ chức kiện toàn Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia huyện, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, chính quyền cấp xã có sản phẩm OCOP; xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình OCOP huyện Tủa Chùa giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030.

Xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa có hơn 3.000 cây chè Shan tuyết cổ thụ được bà con trồng quanh nhà.

Để phát triển các sản phẩm này, không chỉ cần sự quan tâm của chính quyền địa phương, mà còn cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp có năng lực. 2 năm trở lại đây Tủa Chùa đang nỗ lực kêu gọi và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào sản xuất, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm này.

Tuy gặp nhiều khó khăn về cạnh tranh thị trường cũng như quảng bá sản phẩm, nhưng công ty TNHH Hương Linh vẫn đang nỗ lực hết mình kêu gọi bà con nông dân liên kết với doanh nghiệp, sản xuất các sản phẩm chè búp shan tuyết chất lượng cao. Đây là bước đầu tiên để phát triển sản phẩm OPOC của huyện.

Ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa cho biết thêm: Ðối với sản phẩm chè Tuyết Shan Tủa Chùa, huyện và ngành chuyên vẫn luôn khuyến khích, tạo điều kiện tối đa để các công ty, doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển, đa dạng hóa sản phẩm, các doanh nghiệp địa phương đang bị cạnh tranh giá thu mua bởi các thương nái người Trung Quốc và Lào vào địa bàn thu mua. Chúng tôi sẽ có chính sách hỗ trợ, nâng cao sức cạnh tranh đối với doanh nghiệp như: hỗ trợ xây dựng nhà xưởng, để họ tiếp tục đầu tư phát triển sản phẩm này.

Sản phẩm chè Tuyết Shan vinh dự được Trung ương Hội nông dân Việt Nam tôn vinh là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu trong hai năm 2013, 2014.

Nhận thức được tiềm năng phát triển, UBND huyện Tủa Chùa đã đẩy mạnh dự án quy hoạch phát triển vùng chè Tuyết Shan tại 4 xã phía Bắc là: Tả Phìn, Sính Phình, Tả Sìn Thàng, Sín Chải. Dự án đã tạo được chuyển biến trong nhận thức và hành động của nhân dân. Đẩy mạnh, khuyến khích nông dân tích cực tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao, tập trung cho phát triển dự án chè cây cao đi sâu vào chất lượng. Qua đó, tạo công ăn việc làm cho người lao động, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân.

Để đảm bảo đầu ra đối với sản phẩm Tuyết Shan, huyện Tủa Chùa xác định cần tập trung nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển và xây dựng thương hiệu chè Tuyết Shan sạch tạo thương hiệu và niềm tin đối với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Để làm được điều này, trong thời gian qua UBND huyện đã tích cực chỉ đạo các các cơ quan chuyên môn tập trung xây dựng quy trình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, đầu tư nâng cấp nhà xưởng, dây chuyền công nghệ cao để nâng cao chất lượng, đa dạng hóa đổi mẫu mã các sản phẩm chè để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng; đẩy mạnh công tác tiếp thị, quảng bá thương hiệu tại các chương trình xúc tiến thương mại để đưa thương hiệu chè Tuyết Shan Tủa Chùa sạch và an toàn, chất lượng đến với người tiêu dùng.

Nguồn tin: Hoàng Châu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây