Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Điện Biên

http://nongthonmoi.dienbien.gov.vn


Tủa Chùa phát triển sản phẩm OCOP

Khi bắt đầu triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), huyện Tủa Chùa dự kiến xây dựng 7 sản phẩm đặc trưng, có lợi thế giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030, bao gồm: chè Tuyết Shan, rượu mông pê, gà đen, dê núi, khoai sọ tím, du lịch hang động Pê Răng Ky, du lịch tham quan và hái chè cây cao Sín Chải. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn nhiều khó khăn, bất cập.
Hiện nay Tủa Chùa mới có chè Tuyết Shan là sản phẩm OCOP. Trong ảnh: Người dân xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa thu hoạch chè.

Bà Vũ Thị Ngọc Ánh, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Là huyện vùng cao, Tủa Chùa có nhiều nông sản đặc trưng, sản phẩm có thế mạnh để phát triển, nâng cấp thành sản phẩm OCOP đồng thời gắn với phát triển về du lịch. Triển khai thực hiện chương trình OCOP, huyện đã xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển; vận động hướng dẫn người dân tổ chức lại sản xuất, thực hiện hỗ trợ xúc tiến thương mại để người dân thấy được hiệu quả trong việc tham gia chương trình OCOP. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp khó khăn do hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm nông sản của huyện rất hạn chế, chủ yếu sơ chế, chế biến đơn giản ở dạng thô, chưa có chế biến theo chiều sâu; nguồn nguyên liệu chưa ổn định, mang tính thời vụ, cung cấp chủ yếu tại địa phương. Bên cạnh đó, bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm tương đối cao, các chủ thể còn vướng ở khâu làm hồ sơ công nhận; một số chủ thể thiếu vốn để sản xuất.

Hiện nay số lượng hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn huyện tham gia trong lĩnh vực nông nghiệp rất ít, chính vì vậy nhiều sản phẩm chưa có chủ thể để xây dựng phát triển sản phẩm. Ðơn cử như sản phẩm rượu Mông Pê chưa có chủ thể xây dựng, phát triển sản phẩm nên sản xuất quy mô nhỏ lẻ; dê núi chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có chủ thể phát triển sản phẩm… Ðối với các sản phẩm gắn với du lịch như: 3 hang động đã được công nhận là Di sản văn hóa cấp quốc gia; văn hóa chợ phiên, thêu thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Mông... thì hạ tầng giao thông còn hạn chế, đi lại khó khăn nên khó phát triển.

Ðể tháo gỡ những khó khăn, xây dựng thành công các sản phẩm OCOP, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan liên quan, chính quyền các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về mục đích, ý nghĩa của chương trình; tạo điều kiện, hỗ trợ cho người dân mạnh dạn đầu tư phát triển sản phẩm lợi thế. Khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia sản xuất nông nghiệp để thực hiện xây dựng, phát triển sản phẩm; vận dụng các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để phát triển vùng nguyên liệu tập trung... Trong 2 năm 2019 - 2020 huyện đã triển khai và thực hiện dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sử dụng nguồn vốn tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo Quyết định số 45/2018/QÐ-UBND tại xã Trung Thu. Qua đó, năm 2019 thực hiện dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm su su trên diện tích 2ha với 15 hộ tham gia, tổng vốn đầu tư 70 triệu đồng; năm 2020 thực hiện 3 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chanh leo, bí đỏ, khoai sọ trên tổng diện tích 18,7ha với 71 hộ tham gia, tổng vốn gần 1 tỷ đồng.

Với những khó khăn đặc thù nên từ khi triển khai Chương trình OCOP đến nay huyện Tủa Chùa mới có sản phẩm chè Tuyết Shan được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Ðối với sản phẩm khoai sọ tím tại xã Trung Thu hiện nay đang trong quá trình xây dựng để phấn đấu đạt 3 sao. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã trình dự toán phát triển sản phẩm khoai sọ tím để các cơ quan có thẩm quyền thẩm định; đơn vị tư vấn cũng đang giúp chủ thể là Hợp tác xã H’Mông hoàn thành hồ sơ phát triển sản phẩm khoai sọ tím trở thành sản phẩm OCOP.

Nguồn tin: Lan Phương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây