Phát triển vú sữa Thanh Hưng thành sản phẩm OCOP
- Thứ tư - 03/06/2020 15:48
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trên địa bàn huyện Ðiện Biên có nhiều xã trồng cây vú sữa, nhưng vú sữa Thanh Hưng được đánh giá thơm, mềm, ngọt, tỷ lệ sữa nhiều hơn cả, quả to đều, mẫu mã đẹp. Tuy chỉ cho thu hoạch 1 đợt/năm nhưng thời gian cho quả dài, từ tháng giêng đến tháng 4 âm lịch. Giá trị kinh tế của cây vú sữa cao với giá quả đầu vụ 40.000 - 50.000/kg, cuối vụ 25.000 - 30.000 đồng/kg; mỗi cây lâu năm cho thu hoạch 2 - 3 tạ quả. Thương lái vào tận nơi thu mua hoặc mang ra chợ bán. Vì vậy có những hộ như gia đình ông Phạm Văn Phú, đội 5 (18 cây lâu năm) thu nhập 70 - 80 triệu đồng một mùa vú sữa và không ít hộ thu nhập 20 - 30 triệu đồng/vụ. “Cây vú sữa đã bén rễ đất Thanh Hưng gần 40 năm, được trồng rải rác khắp các đội với khoảng 20ha. Nhận thấy vú sữa là cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn nhiều loại cây trồng trên địa bàn, sản phẩm được đánh giá tốt và dễ tiêu thụ nên từ năm 2018, xã Thanh Hưng đã đề xuất với UBND huyện Ðiện Biên chọn vú sữa phát triển thành sản phẩm đặc trưng của xã” - ông Vì Văn Biến, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng cho biết.
Theo đó, từ năm 2018 đến nay, huyện Ðiện Biên và xã Thanh Hưng đã có nhiều hoạt động để tăng diện tích và xây dựng thương hiệu sản phẩm vú sữa. Viện Cây trồng Trung ương lên lấy mẫu đất tại xã để kiểm định, xác định thổ nhưỡng nơi đây thích hợp để trồng và phát triển cây vú sữa. Với sự chắc chắn ấy, từ nguồn vốn chương trình nông thôn mới, cùng năm, toàn xã trồng mới 9ha vú sữa Lò Rèn do Viện Nghiên cứu rau, quả Trung ương cấp giống. Năm 2019 tiếp tục mở rộng 1,5ha, chủ yếu tại các đội: 1, 7, 13. Tổ Hợp tác sản xuất nông nghiệp Thanh Hòa (xã Thanh Hưng) cũng được thành lập với vai trò liên kết trồng, chăm sóc, tiêu thụ nông sản, cụ thể là quả vú sữa. Tham gia chương trình OCOP năm 2020, xã Thanh Hưng đã lựa chọn, giới thiệu sản phẩm quả vú sữa Thanh Hòa của Tổ hợp tác dự thi. Hiện đã làm hồ sơ trình huyện thẩm định sản phẩm.
Ðược biết, Tổ hợp tác hiện có 16 hộ dân đội 1 (thôn Thanh Hòa) và đội 13 tham gia, với diện tích ban đầu 3ha cây vú sữa. Sau khi thành lập, Tổ hợp tác đã đẩy mạnh các hoạt động tạo dựng thương hiệu, xây dựng website vusuathanhhoa.com để giới thiệu sản phẩm rộng rãi. 2 thành viên của Tổ hợp tác cũng có cơ hội tham gia cùng đoàn công tác của huyện đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại một số vùng phát triển tốt sản phẩm OCOP như Quảng Ninh, Hòa Bình… Tổ thành lập bộ phận hỗ trợ kỹ thuật là những người trồng vú sữa lâu năm có nhiều kinh nghiệm và người có kiến thức chuyên môn để hướng dẫn, giúp các hộ thành viên cách chăm sóc, cắt tỉa cây, phòng trừ bệnh cho cây, theo hướng cùng chung tay làm. Ðồng thời khuyến khích các hộ chăm sóc tốt cho cây và trồng thêm cây để tạo vùng sản phẩm rộng lớn, có thể đáp ứng nhu cầu thị trường. “Tuy nhiên, thực tế những cây lâu năm không trồng tập trung mà rải rác mỗi nhà vài cây, cây lại quá cao, không được chăm sóc nhiều nên đến nay tỷ lệ quả ít. Vì vậy Tổ hợp tác đang phát triển những diện tích cây mới. Mấy năm qua, các hộ thành viên đã mở rộng thêm 5ha cây vú sữa. Với các cây lâu năm, nhiều hộ thực hiện đốn tỉa cành, ghép mắt để cây có chất lượng, năng suất tốt hơn” - anh Phan Thanh Bình, Tổ trưởng Tổ hợp tác chia sẻ.
Gia đình anh Lò Văn Thanh, Trưởng đội 1, thành viên Tổ hợp tác Thanh Hòa có 3 cây vú sữa lâu năm, cho thu hoạch 10 - 20 triệu/năm. Từ năm 2018, nhà anh được hỗ trợ trồng thêm hơn 200 cây mới trong diện tích vườn 8.000m2. Anh Thanh cho biết: Cây mới đang trong giai đoạn sinh trưởng phát triển tốt, năm tới có thể cho quả bói. Mới đây, gia đình cũng chặt cành, ghép mắt cho 2 cây lâu năm, già cỗi. Hi vọng trong những năm tới sẽ có những lứa vú sữa ngon, năng suất ổn định cung cấp cho thị trường, giữ vững và khẳng định được chất lượng vú sữa Thanh Hòa. Tổ trưởng Phan Thanh Bình cũng thông tin thêm, hầu hết diện tích vú sữa trồng năm 2018 sẽ bắt đầu cho thu hoạch vào vụ tới (năm 2021). Nếu năm nay, quả vú sữa Thanh Hòa đạt tiêu chuẩn OCOP, được biết đến nhiều hơn thì sản phẩm của Tổ hợp tác sẽ được nâng tầm, “cất cánh”, được giới thiệu, tìm nơi tiêu thụ rộng lớn hơn.