Phát triển sản phẩm OCOP ở Tuần Giáo
- Thứ năm - 09/07/2020 10:47
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bà Phạm Thị Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo cho biết: Huyện đã thành lập ban điều hành cấp huyện, ban hành quy chế hoạt động; bổ sung nhiệm vụ cho Ban Quản lý chương trình OCOP xây dựng nông thôn mới cấp xã; thành lập hội đồng và tổ giúp việc đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP từng xã trên địa bàn đồng thời tổ chức các hội nghị triển khai nội dung chương trình. Ðến nay huyện đã hoàn thành quy hoạch 7 sản phẩm OCOP giai đoạn 2018 - 2030, chia thành 2 nhóm tại 5 xã: Tênh Phông, Tỏa Tình, Ta Ma, Pú Nhung và Phình Sáng. Nhóm thực phẩm bao gồm: Cá nước lạnh Tênh Phông; dưa mèo, mật ong Tỏa Tình, dứa Pú Nhung. Nhóm thảo dược gồm: Táo mèo khô Tỏa Tình, Tênh Phông; sa nhân Ta Ma, Tỏa Tình, Phình Sáng. Ðây là các sản phẩm có giá trị kinh tế và có thể phát triển thành sản phẩm OCOP trong tương lai gần. Trong đó, huyện cũng lựa chọn từ 1 - 2 sản phẩm lợi thế nhất để tập trung chỉ đạo phát triển và hoàn thành sản phẩm. Tầm nhìn đến năm 2030, những sản phẩm đã được huyện lựa chọn sẽ được định hướng thực hiện quy hoạch, phát triển vùng sản phẩm chủ lực, áp dụng giống chất lượng, khoa học kỹ thuật để tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng, nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo kế hoạch triển khai trong năm 2020, huyện Tuần Giáo dự kiến sẽ phát triển 1 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm táo mèo khô; thiết kế logo, tem nhãn, bao bì, giới thiệu quảng bá, đăng ký nhãn hiệu và hỗ trợ sản xuất, kết nối tiêu thụ ổn định cho sản phẩm này. Ðồng thời, xét chọn sản phẩm mắc ca và du lịch sinh thái cộng đồng Pha Ðin Pass.
Tuy đã xác định sản phẩm chủ lực, xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển song việc xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn Tuần Giáo vẫn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù huyện có nhiều sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh song đến nay Tuần Giáo mới chỉ có 1 sản phẩm đề xuất đánh giá cấp tỉnh là cà phê bột Hồng Kỳ. Ðối với nhiều sản phẩm đặc trưng, có thể phát triển nâng cấp thành sản phẩm OCOP khác như: Dưa mèo, táo mèo khô, mắc ca… thì vẫn còn sản xuất thủ công, chưa có bao bì, nhãn mác; nhiều sản phẩm chưa xây dựng thương hiệu, công bố chất lượng, thị trường tiêu thụ còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, thực tế các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động trên địa bàn huyện còn yếu, chưa đóng vai trò quan trọng trong thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế. Ðến thời điểm hiện tại, Ban Chỉ đạo chương trình mỗi xã một sản phẩm cũng chưa nhận được ý tưởng sản phẩm nào của cộng đồng… Bởi vậy, để triển khai, xây dựng chương trình OCOP trên địa bàn huyện Tuần Giáo đạt kết quả, cần có sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn và sự tham gia tích cực của người dân. Khuyến khích và hướng dẫn người dân, các chủ thể kinh tế tham gia chương trình. Ðặc biệt là tăng cường vai trò của chính quyền cấp xã trong việc phát triển và đánh giá sản phẩm OCOP. Huyện nghiên cứu chính sách cụ thể hỗ trợ các sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn OCOP nhưng có tiềm năng để phát triển.