Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Điện Biên

http://nongthonmoi.dienbien.gov.vn


Phát triển sản phẩm OCOP ở huyện Mường Chà

Những năm qua, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được huyện Mường Chà quan tâm phát triển. Qua đó, từng bước hình thành các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Góp phần phát triển kinh tế, xã hội nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Sản phẩm OCOP dứa tươi Na Sang (huyện Mường Chà) được tiểu thương từ tỉnh Sơn La và TP. Hà Nội lên thu mua. Trong ảnh: Nông dân xã Na Sang xuất bán dứa cho khách hàng.

Huyện Mường Chà đã tập trung chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững; đồng thời, có các cơ chế, chính sách hỗ trợ để phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của từng xã, thị trấn. Cụ thể, huyện tổ chức tập huấn về xây dựng phương án kinh doanh; lựa chọn phương án phát triển kinh doanh cho hội viên; tổ chức hội nghị đánh giá xét duyệt ý tưởng sản phẩm; đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện. Huyện cũng đẩy mạnh tập trung tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP; tích cực hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong việc xây dựng, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục hành chính liên quan đến sản phẩm OCOP.

Mặc dù mới được triển khai trong những năm gần đây, nhưng Chương trình OCOP của huyện đã đạt những kết quả tích cực. Trong năm 2021, huyện đã có thêm 1 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP là bưởi da xanh Kiên Trung của Hợp tác xã Kiên Trung (xã Pa Ham). Nâng tổng số sản phẩm được công nhận OCOP trên địa bàn huyện lên 3 sản phẩm (dứa tươi Na Sang, miến dong Hoàng Tấm, bưởi da xanh Kiên Trung).

Để tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm OCOP, huyện Mường Chà đặc biệt quan tâm tổ chức các sự kiện, hội chợ, trưng bày sản phẩm, xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng. Quảng bá sản phẩm OCOP thông qua các chương trình lễ hội và hoạt động du lịch. Bằng cách làm hiệu quả sản phẩm OCOP của Mường Chà đã từng bước được người tiêu dùng nhận diện, đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hiệu quả từ Chương trình OCOP đã thu hút đông đảo người dân tham gia, góp phần thay đổi tư duy sản xuất, từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo ra nhiều nông sản khẳng định thương hiệu trên thị trường. Chương trình cũng góp phần giúp huyện Mường Chà hình thành các vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu tập trung, như: Vùng trồng dong riềng, trồng dứa, trồng bưởi da xanh. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có trên 300ha dứa tập trung tại xã Na Sang,  250ha dong riềng tại xã Pa Ham... Thực hiện chương trình đã giúp người dân tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Đào Trọng Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Chà cho biết: Bên cạnh kết quả đạt được, để phát huy thế mạnh, các sản phẩm OCOP; huyện Mường Chà cần nhiều hỗ trợ về vùng nguyên liệu, nguồn lực ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh; đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm OCOP.

Thời gian tới huyện sẽ đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ để từng bước phát triển sản phẩm OCOP theo chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Góp phần thực hiện thành công chương xây dựng nông thôn mới. Quan tâm tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình OCOP. Hỗ trợ tích cực cho các chủ thể về hồ sơ, thủ tục và các vấn đề liên quan để giúp các chủ thể tự tin hơn khi tham gia Chương trình. Tạo điều kiện cho các chủ thể về các hoạt đông quảng bá, tiếp thị sản phẩm, ưu tiên mở rộng quy mô đất đai cho sản xuất, xây dựng quầy hàng bán sản phẩm OCOP ở các vị trí thuận lợi... Phấn đấu trong năm 2022 huyện Mường Chà có thêm 1 sản phẩm OCOP (khẩu xén) được UBND tỉnh công nhận.



 

Nguồn tin: Bài, ảnh: Anh Nguyễn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây