Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Điện Biên

http://nongthonmoi.dienbien.gov.vn


Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch

Xây dựng sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) đã khó, nhưng việc đa dạng hóa, mở rộng thị trường càng khó hơn. Trong khi ngành du lịch tỉnh đang thiếu những sản phẩm đặc trưng, hấp dẫn của từng vùng miền để thu hút khách du lịch. Xác định được mối liên hệ mật thiết, những năm qua các cấp, ngành tỉnh đã triển khai phát triển sản phẩm OCOP đặc trưng kết hợp phát triển du lịch nói chung, du lịch nông nghiệp nói riêng nhằm thúc đẩy sự phát triển du lịch cũng như mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP.
Phát triển đa dạng các sản phẩm đặc trưng vùng miền gắn với du lịch, qua đó mở rộng thị trường tiêu thụ và kích cầu phát triển du lịch. Trong ảnh: Người dân TX. Mường Lay làm khẩu xén - sản phẩm OCOP.

Tỉnh ta được đánh giá có nhiều lợi thế, tiềm năng về du lịch có thể đáp ứng các tiêu chuẩn theo bộ tiêu chí của chương trình OCOP. Vì vậy, song song với phát triển du lịch, tỉnh ta đẩy mạnh thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 35 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP; trong đó có 2 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 24 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Ðể thúc đẩy quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP, ngoài tích cực xúc tiến thương mại, hàng năm ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các ngành: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công Thương tổ chức trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP tại các chương trình hội chợ, triển lãm, lễ hội... ở trong và ngoài tỉnh. Ðồng thời, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP, vừa thúc đẩy phát triển du lịch, các sản phẩm OCOP đã được đưa vào trưng bày, giới thiệu và bán tại các điểm du lịch để du khách tham quan thuận lợi mua sắm các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Cùng với đó, Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch tỉnh đã phối hợp với Văn phòng Ðiều phối xây dựng Nông thôn mới tỉnh xây dựng các mô hình Homestay Mường Then (xã Thanh Luông) và Homestay Phương Ðức (xã Mường Phăng) để phát triển thành sản phẩm OCOP. Khách du lịch có thể trải nghiệm đời sống sinh hoạt, sản xuất, phong tục của đồng bào dân tộc Thái; tìm hiểu các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng đồng thời di chuyển thuận lợi đến những điểm du lịch lân cận.

Khu di tích lịch sử Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ ở Mường Phăng là địa danh nổi tiếng, thu hút rất nhiều khách du lịch trong nước và nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu lịch sử. Ðể làm mới và thu hút khách du lịch, những năm gần đây, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với ngành Nông nghiệp tổ chức bày bán, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng địa phương, trong đó có sản phẩm OCOP, như: Thịt trâu khô; thủ công mỹ nghệ; mây tre đan; cà phê, gạo, chè…

Chị Nguyễn Thị Tình, khách du lịch đến từ tỉnh Quảng Nam cho biết: “Ðây là lần đầu tiên gia đình tôi lên Ðiện Biên du lịch, tìm hiểu lịch sử. Chúng tôi đã đến thăm nhiều điểm di tích, cũng như các bản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Tại các điểm di tích lịch sử, các bản văn hóa có những sản phẩm du lịch, nông sản được giới thiệu, bày bán rất ấn tượng. Chúng tôi đã mua một số để làm quà”.

Du lịch nông nghiệp không phải là về nông thôn chơi, sau đó mua một vài sản phẩm nông nghiệp sạch mang về nhà thưởng thức mà du khách muốn trực tiếp trải nghiệm lao động sản xuất cùng nông dân, vừa thưởng thức đặc sản thôn quê do tự tay mình sản xuất, chế biến, đồng thời nghỉ ngơi, thư giãn giữa khung cảnh đồng quê. Ðây đang là xu hướng được nhiều người lựa chọn. Thời gian qua, một số huyện như: Ðiện Biên, Tuần Giáo đã phát triển sản phẩm chủ lực gắn với du lịch sinh thái nông thôn. Như vườn cây vú sữa nông thôn mới kiểu mẫu tại huyện Ðiện Biên mỗi vụ thu hoạch đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan kết hợp thưởng thức và mua sản phẩm tại vườn.

Thực hiện tốt việc phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch sẽ kết nối, tương hỗ, thúc đẩy lẫn nhau phát triển. Sản phẩm OCOP sẽ góp phần làm phong phú cho chương trình du lịch, thu hút du khách, ngược lại du lịch góp phần quảng bá, tiêu thụ và nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP. Chính vì vậy mô hình này cần được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp, ngành chức năng; sự trao đổi, phối hợp giữa các doanh nghiệp du lịch và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp.


 

Nguồn tin: Thu Phương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây