Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Điện Biên

http://nongthonmoi.dienbien.gov.vn


Phát triển nông sản đặc sản còn nhiều khó khăn

Tỉnh ta có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp, với nhiều nông sản đặc trưng, như: Gạo tám; cà phê Mường Ảng; chè Tủa Chùa; nếp tan Na Son; bí đao Tìa Dình; khoai sọ Phì Nhừ; khoai sọ tím Tủa Chùa… Tuy nhiên hiện nay, việc phát triển các sản phẩm đặc sản vùng miền, lợi thế của địa phương trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn; phần lớn các mô hình vẫn chỉ ở quy mô nhỏ, giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cao.
Bí đao Tìa Dình là một trong những sản phẩm được công nhận đạt OCOP của huyện Ðiện Biên Ðông. Trong ảnh: Anh Giàng Nhè Hạ (bên trái), bản Chua Ta 2, xã Tìa Dình thu hoạch bí đao.

Ngoài sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ, từ lâu nay, huyện Tủa Chùa cũng nổi tiếng với các sản phẩm như: Ðậu đỏ, khoai sọ tím được trồng chủ yếu tại các xã: Sính Phình, Tả Phìn và Tả Sìn Thàng. Các nông sản này được người tiêu dùng, khách du lịch yêu thích bởi độ dẻo, ngậy, thơm. Nhận thấy lợi thế, cấp ủy, chính quyền các xã cũng đã đặt ra nhiều mục tiêu phát triển các sản phẩm này thành hàng hóa, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Tuy nhiên, đã qua nhiều năm, các nghị quyết, mục tiêu đề ra đều không đạt như kỳ vọng: Diện tích trồng không tập trung, hầu hết trồng xen các nương lúa, đồi ngô, khi gia đình sử dụng không hết mới đưa đi bán; thị trường tiêu thụ là các chợ truyền thống trên địa bàn. Ðặc biệt là chưa thu hút được doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, liên kết từ sản xuất, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm.

Năm 2019, huyện Tủa Chùa và các xã: Sính Phình, Tả Sìn Thàng đã đưa các sản phẩm: Ðậu đỏ và khoai sọ tím vào danh sách sản phẩm xây dựng đạt chuẩn OCOP. Tuy nhiên, qua 2 năm triển khai, những xã này vẫn chưa chuẩn bị đủ điều kiện để các sản phẩm được xét duyệt, công nhận đạt OCOP. Ông Sùng A Khày, Chủ tịch UBND xã Sính Phình cho biết: “Việc xây dựng, phát triển nông sản đặc trưng địa phương thành sản phẩm OCOP thực sự rất khó khăn. Tư duy sản xuất của người dân còn hạn chế, tư duy sản xuất nhỏ lẻ nên khó thu hút được doanh nghiệp, hợp tác xã vào đầu tư, liên kết sản xuất. Hợp tác xã tại địa bàn thì chưa đủ năng lực thực hiện.”

Năm 2020, Hợp tác xã H’Mông xã Trung Thu đã trồng, xây dựng và phát triển giống khoai sọ tím Tủa Chùa, thành sản phẩm OCOP với tổng diện tích khoảng 4,7ha. Sản phẩm đã được Hội đồng đánh giá, chấm điểm sản phẩm OCOP năm 2020 huyện Tủa Chùa chấm đạt 53/100 điểm, tương ứng với khung xếp hạng 3 sao. Thời gian tới, sản phẩm sẽ tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm tại Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Vấn đề là vùng nguyên liệu hiện nay quá nhỏ, sản phẩm khoai sọ tím Tủa Chùa có đủ tiêu chuẩn đạt chuẩn OCOP, rồi thực hiện xúc tiến thương mại, nguồn sản phẩm ổn định.

Nếp tan Na Son là loại gạo bản địa của huyện Ðiện Biên Ðông được trồng chủ yếu ở khu vực Sư Lư, xã Na Son. Là giống lúa địa phương nên sau nhiều năm tự nhân giống và trồng cùng nhiều loại lúa khác trên cùng khu ruộng, nếp tan bị lẫn tạp, năng suất thấp, chu kỳ sinh trưởng lại dài hơn các giống khác đến 1 tháng nên người dân dần bỏ trồng nếp tan. Từ năm 2011 - 2019, xã Na Son đã phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật Nông - lâm miền núi phía Bắc triển khai nhiều dự án cải tạo, khôi phục và tổ chức sản xuất lại giống nếp tan. Ðến nay, diện tích nếp tan xã Na Son đã tăng lên gần 20ha, trở thành sản phẩm OCOP của xã và thuộc danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Sản phẩm đã được Hợp tác xã Nông nghiệp CCO (trụ sở tại thị trấn Ðiện Biên Ðông) ký hợp đồng liên kết tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm. Song hạn chế vẫn là vùng nguyên liệu nhỏ, đồng thời với đặc trưng văn hóa ẩm thực dân tộc, người dân chủ yếu giữ lại để phục vụ nhu cầu gia đình nên liên kết, tiêu thụ sản phẩm khó bền vững.

Ngoài nếp tan Na Son, huyện Ðiện Biên Ðông còn có nhiều nông sản đặc sản khác như: Lạc đỏ Na Son, bí xanh Tìa Dình, khoai sọ Phì Nhừ. Các sản phẩm này đều đã được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, xếp hạng 3 sao. Tuy nhiên, sau khi đạt chuẩn, việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm còn rất nhiều vấn đề khó khăn. Và mục đích quan trọng nhất là để nông dân sống được bằng nghề trồng bí, trồng khoai sọ... chưa thực hiện được. Bởi vì hiện nay, chính sách hỗ trợ cho người sản xuất, cơ chế trong triển khai thực hiện chương trình OCOP ở Ðiện Biên Ðông chưa rõ ràng; đa số sản phẩm OCOP còn mang tính thủ công, chưa có bao bì nhãn mác riêng, chưa xây dựng được thương hiệu, công bố chất lượng, thị trường tiêu thụ nhỏ hẹp.

Thực trạng ở huyện Tủa Chùa, Ðiện Biên Ðông cũng đang là thực trạng chung của các địa phương trong tỉnh trong việc xây dựng, phát triển nông sản đặc sản. Ðể nông sản đặc sản trở thành sản phẩm OCOP, đóng góp quan trọng cho kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, bên cạnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ, các cơ quan quản lý Nhà nước, người dân và doanh nghiệp phải thẳng thắn nhìn nhận hạn chế và đưa ra các giải pháp khắc phục. Ðặc biệt, phải khắc phục tình trạng người sản xuất chưa tuân thủ chặt chẽ các giao ước với nhà phân phối, “đứng núi này, trông núi nọ”, thấy giá cao hơn là phá hợp đồng với đơn vị tiêu thụ. Ðồng thời, doanh nghiệp bao tiêu cũng không vì những lý do: Thị trường, dịch bệnh... mà không giữ chữ tín với người sản xuất.


 

Nguồn tin: Phạm Trung

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây