Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Điện Biên

http://nongthonmoi.dienbien.gov.vn


Phát triển những sản phẩm lợi thế tại địa phương

Điện Biên là tỉnh có nhiều tiềm năng và thế mạnh phát triển kinh tế trên nhiều lĩnh vực. Các địa phương trong tỉnh đều có nhiều sản phẩm đặc trưng như: Chè cây cao Tủa Chùa, Gạo Điện Biên, Dệt thổ cẩm, mây tre đan, cà phê… Trong những năm qua, công tác hỗ trợ phát triển sản phẩm có lợi thế đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả.
Phát triển những sản phẩm lợi thế tại địa phương

Để phát triển những sản phẩm lợi thế tại địa phương, những năm qua Điện Biên đã tập trung, ưu tiên nhiều nguồn lực để thực hiện, nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương để phát triển kinh tế từ các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đặc sắc, truyền thống văn hóa, danh lam thắng cảnh của các địa phương.

Điển hình thông qua hoạt động khuyến công Điện Biên đã hỗ trợ 30 cơ sở với tổng kinh phí hỗ trợ là 6.867 triệu đồng, trong đó nguồn vốn khuyến công quốc gia là 5.340 triệu đồng, nguồn vốn khuyến công địa phương là 1.527 triệu đồng. Trong đó tỉnh trực tiếp hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất chế biến nông, lâm sản cho 15 cơ sở; sản xuất, gia công cơ khí là 1 cơ sở; sản xuất vật liệu xây dựng, tấm lợp (tôn) 8 cơ sở; từ đó góp phần tạo điều kiện khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất, nâng cao năng lực quản lý và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm sản xuất dần đáp ứng nhu cầu của thị trường, đặc biệt là những sản phẩm có lợi thế của tỉnh.

Nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp đã được đầu tư ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo chuyển biến tích cực trong việc hiện đại hóa sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển ổn định, bền vững đem lại lợi ích cho đơn vị. Những kết quả đạt được của hoạt động khuyến công đã góp phần vào việc hoành thành các mục tiêu phát triển công nghiệp ở địa phương như: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế; giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống của nhân dân lao động, góp phần nâng cao năng lực quản lý và sản xuất của các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, thúc đẩy cho sự phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phát triển các ngành nghề.

Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1141/QĐ-UBND ngày 30/11/2018 về việc phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Điện Biên giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 và cuối năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1343/QĐ-UBND phê duyệt kết quả đánh giá và sếp hạng sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh năm 2019.

Với việc tích cực thực hiện Chương trình OCOP năm 2019, Điện Biên công nhận 26 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, các sản phẩm được sếp hạng đã được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận, sử dụng nhãn hiệu OCOP và chủ sở hữu sản phẩm được hưởng chính sách hỗ trợ sản phẩm OCOP theo quy định.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm triển khai đã tạo sức bật cho nông thôn mới, nhằm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo huớng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân.

Bên cạnh đó, năm 2020, Điện Biên tập trung phát triển diện tích nhãn ghép tại huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ với diện tích 500ha; phát triển diện tích dứa tại huyện Mường Chà và Tuần Giáo khoảng 300 – 400ha gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ; mở rộng diện tích cây ăn quả có múi như bưởi da xanh, cam ở huyện Điện Biên 100ha, Mường Ảng 300ha, Tuần Giáo 100ha và tạo vùng sản xuất tập trung, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ngoài ra, tỉnh lựa chọn, phát triển một số loại cây ăn quả khác phù hợp với điều kiện khí hậu theo mô hình trang trại, sử dụng giống có năng suất cao như: bơ, xoài, mít, ổi, vú sữa, thanh long… theo mô hình “mỗi xã một sản phẩm”; xây dựng phương án liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả tại huyện Mường Ảng, Tuần Giáo và Điện Biên…

Là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển những sản phẩm thế mạnh, những năm qua, huyện Điện Biên đã chú trọng thực hiện Chương trình OCOP. Huyện đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu: Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm truyền thống, thế mạnh của địa phương, có khả năng phát triển thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Phấn đấu có khoảng 50% số xã, thị trấn có doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc tổ hợp tác tham gia vào liên kết với người dân để xây dựng những sản phẩm có khả năng trở thành hàng hóa giá trị trên thị trường.

Nguồn tin: Tuyết Anh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây