Phát triển bền vững sản phẩm OCOP
- Thứ sáu - 30/07/2021 10:16
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Còn nhiều hạn chế
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh cho biết: Hiện nay, trong số 19 chủ thể kinh tế của 35 sản phẩm OCOP có 8 chủ thể đã liên kết với các hộ dân trong xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu cho sản phẩm. Thông qua các dự án liên kết, các chủ thể đã trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ giống, vật tư và cam kết bao tiêu sản phẩm. Hình thức liên kết này có giá trị cộng đồng cao, bền vững cho sản phẩm OCOP và các bên tham gia đều có lợi. Có 6/19 chủ thể có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, liên kết chỉ dừng lại ở hình thức thu mua nguyên liệu từ các hộ dân và sau đó các chủ thể sơ chế, chế biến thành sản phẩm. Do đó thiếu sự tác động qua lại giữa chủ thế kinh tế và các hộ dân, không tạo sự ràng buộc trách nhiệm giữa 2 bên nên rất dễ bị phá vỡ khi có tác động của bên thứ 3 hoặc xung đột lợi ích. Ngoài ra, còn có 5/19 chủ thể chỉ có hợp đồng mua bán nguyên liệu, chưa hình thành liên kết.
Hợp tác xã nông nghiệp CCO (thị trấn Điện Biên Đông, huyện Điện Biên Đông) là chủ thể kinh tế có 4 sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao, gồm: Lạc đỏ Na Son; bí xanh Tìa Dình, khoai sọ Phì Nhừ; thịt lợn sấy. Các sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh từ năm 2019. Hợp tác xã CCO đã hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản với tổng sản lượng năm 2019 đạt 46 tấn, doanh thu 2,31 tỷ đồng; năm 2020 đạt 136,4 tấn, doanh thu 4,55 tỷ đồng và năm 2021 ước đạt 147 tấn. Mặc dù sản lượng và doanh thu năm sau cao hơn năm trước song việc liên kết giữa chủ thể và người dân còn nhiều hạn chế, tính bền vững liên kết chưa cao. Do chủ thể kinh tế chỉ liên kết trong tiêu thụ sản phẩm nên tất cả các yếu tố cấu thành sự phát triển bền vững của sản phẩm như: Vùng nguyên liệu; năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm đều phụ thuộc hoàn toàn vào người dân.
Ông Giàng A Thái, Chủ tịch UBND xã Tìa Dình cho biết: Liên kết giữa chủ thể và các hộ dân trồng bí xanh trên địa bàn là thiếu bền vững. Năm nào nhu cầu trồng của người dân lớn thì diện tích vùng nguyên liệu được mở rộng và ngược lại. Bên cạnh đó, các hộ dân trên địa bàn xã đa phần đều rất khó khăn, không phải hộ nào cũng có điều kiện để đầu tư cải thiện giống và các vật tư nông nghiệp để tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm. Tình trạng gieo trồng, không đầu tư chăm sóc hoặc thoái hóa giống diễn ra khá phổ biến. Ngoài ra, một số hộ dân sẵn sàng phá bỏ hợp đồng đã ký kết để bán sản phẩm cho một đơn vị thu mua khác khi được giá.
Bên cạnh hạn chế về liên kết thiếu bền vững, hiện nay, các chủ thể kinh tế của sản phẩm OCOP chưa thật sự quan tâm đến công tác tiếp thị, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, 8/19 chủ thể đã có điểm trưng bày giới thiệu, bán hàng riêng; sản phẩm đã từng bước đưa vào các siêu thị lớn và có thị trường ổn định. Các chủ thể còn lại, sản phẩm được tiêu thụ chủ yếu qua các hợp đồng thời vụ hoặc đại lý bán lẻ nên tính bền vững chưa cao. Ngoài ra, hình thức hoạt động của các chủ thể còn mang tính tự phát, chưa xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển lâu dài; cơ cấu tổ chức, phân công công việc và bố trí con người còn nhiều bất cập. Đa số các chủ thể có quy mô sản xuất nhỏ, sản lượng chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, một số sản phẩm mang tính chất thời vụ và mới dừng lại ở mức bán thô hoặc sơ chế nên giá trị sản phẩm chưa cao.
Để phát triển bền vững
Hiện nay, tỉnh ta hỗ trợ kinh phí trực tiếp cho các chủ thể kinh tế từ 2 nguồn chính: Quyết định số 45/QĐ-UBND và Chương trình OCOP. Đến nay, đã có 6 chủ thể được hỗ trợ theo Quyết định số 45/QĐ-UBND, với tổng kinh phí gần 3,5 tỷ đồng. Nội dung hỗ trợ chủ yếu để mua giống, vật tư thực hiện dự án và máy móc, thiết bị chế biến. Đối với Chương trình OCOP, đã có 9 chủ thể được hỗ trợ trong việc hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí để xây dựng thành công sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh, tổng kinh phí khoảng 1,456 tỷ đồng. Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành Nông nghiệp, Công Thương thường xuyên quan tâm hỗ trợ các chủ thể trong công tác kết nối, liên kết tiêu thụ sản phẩm ra thị trường ngoài tỉnh; đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử…
Để phát triển bền vững, hỗ trợ từ Nhà nước chỉ một phần, quan trọng nhất vẫn là bản thân các chủ thể kinh tế phải thật sự tâm huyết, nỗ lực khắc phục những hạn chế trong tổ chức hoạt động và từng bước nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện nay có 4 chủ thể kinh tế: Công ty Cổ phần Hồng Kỳ Quốc Tế; Công ty TNHH Hương Linh Điện Biên; Cơ sở sản xuất Đinh Thị Oanh và Công ty TNHH Loan Nhẹ đang xây dựng kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất và hoàn thiện các điều kiện của thị trường với đích đến là xuất khẩu ra nước ngoài. Đối với các chủ thể và sản phẩm OCOP còn lại tập trung mở rộng vùng nguyên liệu, tăng sản lượng và từng bước áp dụng khoa học - công nghệ trong chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm.
Ông Dương Anh Văn, Giám đốc Hợp tác xã H’Mông (chủ thể kinh tế sản phẩm khoai sọ tím Tủa Chùa) cho biết: Hiện nay, vùng nguyên liệu cho sản phẩm mới được gần 5ha. Năm nay và những năm tiếp theo, Hợp tác xã sẽ tăng cường liên kết với người dân không chỉ tại xã Trung Thu mà cả các xã khác trên địa bàn huyện Tủa Chùa. Năm 20201, dự kiến vùng nguyên liệu sẽ được mở rộng thêm 50ha. Khi đã xây dựng được vùng nguyên liệu thì Hợp tác xã sẽ tiến tới xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm.