Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Điện Biên

http://nongthonmoi.dienbien.gov.vn


OCOP và tư duy làm ăn mới

Mới đây (ngày 24/2), UBND tỉnh ban hành Quyết định số 211/QÐ - UBND ngày 24/2/2021, phê duyệt Ðề án “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu Ðề án nêu rõ: Ðến năm 2025, tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm đã đạt “sao” và phát triển mới các sản phẩm OCOP, có ít nhất 90 - 100 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao cấp tỉnh; có 5 - 7 sản phẩm OCOP tiềm năng đạt 5 sao cấp quốc gia; đảm bảo 100% sản phẩm OCOP được truy xuất nguồn gốc... Giai đoạn 2026 - 2030, tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm đã được công nhận; tập trung phát triển sản phẩm mới, giám sát và tôn vinh các tổ chức OCOP, ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý và điều hành chương trình.
Sản phẩm OCOP  của HTX CCO

Kinh phí thực hiện Ðề án gần 200 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước là chủ yếu (khoảng 140 tỷ đồng); vốn huy động từ chủ thể, doanh nghiệp và người dân 60 tỷ đồng). Nguồn vốn trên là rất lớn so với một tỉnh còn nghèo như Ðiện Biên. Nhưng phải nói rằng, để thực hiện tốt Ðề án OCOP cho cả giai đoạn 10 năm, nhất là gắn với Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thực hiện tốt Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, thì việc UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí như trên là hợp lý. Như vậy mới đủ để làm cho Chương trình OCOP của tỉnh phát huy hiệu quả. Tiềm năng, lợi thế của từng xã; lợi thế sản phẩm ngành mới được “đánh thức” và trở thành thế mạnh thúc đẩy kinh tế phát triển.

Ðề án OCOP theo Quyết định 211/QÐ - UBND sẽ gặp nhiều thuận lợi, khi 3 năm qua (2018 - 2020), tỉnh ta đã triển khai thực hiện Chương trình và đạt được kết quả vượt xa mong muốn. Mục tiêu ban đầu là có 21 sản phẩm đạt tiêu chí OCOP, nhưng đến cuối năm 2020 đã có 36 sản phẩm đạt yêu cầu (vượt 15 sản phẩm). Sự khởi đầu thận lợi, là cơ sở khoa học, nền tảng vững chức để tỉnh triển khai Ðề án cho giai đoạn tiếp theo.

Có thể khẳng định, Chương trình OCOP giai đoạn vừa qua đã mang lại tư duy mới cho các chủ thể sản xuất, các doanh nghiệp và hợp tác xã, từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất quy mô, theo quy trình kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng lên. Các sản phẩm chứng nhận OCOP được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, mức độ tiêu thụ cũng như thu nhập ngày càng cao hơn.

Không chỉ thành công từ con số (36 sản phẩm) mà hơn hết những tồn tại, hạn chế trong 3 năm triển khai Chương trình được lãnh đạo tỉnh, các huyện, sở, ngành và người dân, chủ thể tham gia Chương trình OCOP nắm rõ, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, có giải pháp điều chỉnh những bất hợp lý; bổ sung cách làm hay, mới, phù hợp thực tế, để triển khai tốt hơn trong thời gian tới.

Thực tế cho thấy, cái được lớn nhất trong 3 năm thực hiện Chương trình OCOP của tỉnh đó là đã làm thay đổi nhận thức, tư duy trong những người dân, chủ thể tham gia OCOP. Chỉ người dân chọn sản phẩm, đăng ký tham gia Chương trình và thực hiện các quy trình lựa chọn, đăng ký sản phẩm OCOP thì kết quả mới đạt cao và bền vững. Vì khi người nông dân tự đề xuất, họ sẽ tự giác theo đuổi ý tưởng và giành nguồn lực hợp lý để thực hiện thành công sản phẩm mà họ chọn tham gia.

Thông tin có được, thời gian qua, một số sản phẩm nông nghiệp là “thế mạnh” trước mắt của một vài địa phương. Khi tỉnh triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020, cấp huyện, xã tự lựa chọn và đăng ký tham gia theo kiểu “áp đặt ý chí chủ quan” và bắt người nông dân phải bị động thực hiện. Qua một thời gian triển khai, mặc dù được hỗ trợ từ phía nhà nước về kinh phí, tham gia các hội chợ, triển lãm, tập huấn nâng cao kiến thức... nhưng do người dân không đồng thuận cao, không tâm huyết với sản phẩm, nhất là không đồng tình với cách làm kiểu “chỉ định từ trên xuống” nên đã thất bại.


 

Nguồn tin: Tùng Lĩnh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây