Nhiều thách thức trong xây dựng sản phẩm OCOP 2020
- Thứ sáu - 22/05/2020 11:02
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Năm 2020, tỉnh đặt ra kế hoạch xây dựng từ 10-11 sản phẩm đạt chuẩn OCOP. UBND tỉnh đã phân bổ nguồn vốn hơn 7 tỷ đồng cho các cơ quan, địa phương thực hiện. Ðầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các hoạt động tạm ngừng. Hiện nay, Chi cục đã có văn bản đôn đốc các địa phương, chủ thể sản xuất tích cực triển khai thực hiện chương trình theo đúng kế hoạch của tỉnh.
Thực hiện Chương trình OCOP, huyện Tủa Chùa đã lập danh sách dự kiến xây dựng thành sản phẩm OCOP, gồm: Rượu mông pê; gà đen; đậu đỏ; khoai sọ tím; chè shan tuyết; sản phẩm từ chăn nuôi dê, lợn và các sản phẩm dịch vụ du lịch từ hệ thống hang động trên địa bàn. Năm 2019, huyện Tủa Chùa đã có 2 dòng sản phẩm chè đạt chuẩn OCOP.
Ông Tô Văn Tuân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Năm 2019, huyện ưu tiên lựa chọn chuẩn hóa sản phẩm chè shan tuyết, là sản phẩm thế mạnh và có nền tảng từ trước nên quá trình xây dựng sản phẩm OCOP khá thuận lợi. Tuy nhiên, dự kiến từ năm 2020, thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn huyện Tủa Chùa sẽ gặp nhiều khó khăn. Lý do là trên địa bàn huyện có rất ít đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm nông sản rất hạn chế, chủ yếu ở dạng sơ chế, chế biến đơn giản; thị trường tiêu thụ sản phẩm rất hạn chế; một số nguồn nguyên liệu chưa ổn định.
Theo Quyết định của UBND tỉnh, giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030, ngoài các sản phẩm nông nghiệp, huyện Tủa Chùa còn có thêm sản phẩm du lịch hang động Xá Nhè, hang động Khó Chua La (xã Xá Nhè). Hiện nay, UBND huyện Tủa Chùa đã chỉ đạo và giao UBND xã Xá Nhè thành lập các tổ quản lý, bảo vệ, khai thác các hang động. Tuy nhiên, đưa sản phẩm du lịch thành sản phẩm OCOP là một nội dung mới, có nhiều điều khoản, tiêu chuẩn riêng khác biệt so với các sản phẩm ở các lĩnh vực khác. Do đó, hiện nay các cơ quan chuyên môn chưa hướng dẫn thực hiện nên địa phương rất lúng túng triển khai.
Ông Lờ A Tráng, Chủ tịch UBND xã Xá Nhè cho biết: Hiện nay, tổ quản lý, khai thác hang động của xã đã và đang tổ chức các hoạt động tham quan cho du khách. Tuy nhiên, lượng khách tham quan không nhiều, chủ yếu là người dân trên địa bàn xã và một số xã lân cận. Hàng năm, Phòng Văn hóa huyện phối hợp Trung tâm Nghiệp vụ du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức tập huấn về cách thức làm du lịch, khai thác du lịch hang động cho tổ quản lý của xã. Ðối với công tác xây dựng sản phẩm du lịch hang động thành sản phẩm OCOP thì còn thiếu rất nhiều tiêu chuẩn và xã cũng chưa biết phải tổ chức như thế nào? Ðến nay xã cũng chưa được cơ quan, ban ngành nào tập huấn, hướng dẫn cách thức thực hiện.
Huyện Nậm Pồ hiện có kế hoạch xây dựng sản phẩm OCOP tập trung vào các nhóm sản phẩm: Ðồ uống có chè ở Pa Tần; du lịch lòng hồ Thủy điện Lai Châu của xã Nậm Khăn, du lịch văn hóa truyền thống ở xã Chà Cang. Các loại thực phẩm: Gạo tẻ, mận tam hoa, chuối tây, thịt khô, măng khô, mật ong. Thảo dược có sa nhân xanh, tím ở Chà Cang, Chà Nưa; vải trang phục may mặc của người Dao ở xã Nà Hỳ; sản phẩm mây tre đan ở xã Chà Cang. Năm 2019, UBND huyện đã đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất, tập huấn kỹ thuật… với quyết tâm đưa sản phẩm chè Pa Tần lên chuẩn OCOP. Tuy nhiên, sau khi rà soát, đánh giá theo các tiêu chuẩn của bộ tiêu chí, huyện Nậm Pồ nhận thấy sản phẩm này chưa thể đáp ứng đủ tiêu chí nên dự án đã dừng lại. Năm 2020, huyện Nậm Pồ lựa chọn xây dựng sản phẩm mật ong Chà Nưa đạt chuẩn OCOP. Ðến nay, UBND tỉnh đã phân bổ vốn nhưng cơ quan đầu mối là phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Pồ vẫn chưa được phân bổ chi tiết để triển khai thực hiện.