Mường Lạn phát triển vịt cổ ngắn thành sản phẩm OCOP
- Thứ tư - 20/05/2020 16:05
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Là xã thuần nông với lợi thế 2 con suối Nậm Lặn và Nậm Nhộp chảy qua, thuận lợi cho phát triển lúa nước và chăn nuôi gia cầm, nhất là vịt cổ ngắn. Ông Lò Văn Ðoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lạn cho biết: Người dân Mường Lạn nuôi vịt cổ ngắn nhiều hơn nuôi gà. Vịt cổ ngắn ở đây có ưu điểm thịt chắc, vị thơm đặc trưng và rất dễ nuôi, ít dịch bệnh. Vì thế ngay khi xã triển khai chương trình OCOP, người dân đồng tình ủng hộ. Ðể đảm bảo tính thuần chủng, tránh mang mầm bệnh từ nơi khác về, người dân nhân giống vịt tại chỗ chứ không mua giống ở địa phương khác. Qua hơn một năm thực hiện, mô hình đã mang lại hiệu quả; hiện tại sản phẩm không đủ cung cấp ra thị trường. Xã lựa chọn 3 bản thực hiện thí điểm, gồm: Bản Lạn, Hua Ná và bản Bon. Ðể tạo điều kiện cho người dân, xã xây dựng dự án phát triển vịt cổ ngắn, thông qua Quỹ hỗ trợ nông dân, 10 hộ được vay vốn với tổng số tiền 350 triệu đồng để mở rộng quy mô; thời gian vay 24 tháng.
Là một trong những người tích cực thực hiện chương trình, bà Tòng Thị Phương, bản Hua Ná chia sẻ: “Từ trước, gia đình vẫn nuôi giống vịt này, các hộ trong bản cũng thế; nhà nhiều thì vài trăm con, ít thì vài chục con, chủ yếu để cải thiện bữa ăn cho gia đình, lúc cần tiền mới bán. Khi xã lựa chọn vịt cổ ngắn làm sản phẩm OCOP, xem là thế mạnh trong phát triển kinh tế, ai cũng mừng. Gia đình tôi đã nhân giống, mở rộng mô hình lên 500 con. Do thịt ngon nên các thương lái vào tận nhà thu mua nhưng gia đình không đủ vịt thương phẩm để bán. Nuôi vịt cổ ngắn dễ lắm, nhưng để thịt ngon, mỗi lứa phải nuôi từ 3,5 - 4 tháng. Tuy thời gian nuôi lâu hơn so với giống vịt khác nhưng đổi lại thì thịt chắc, ngon. Ðược vay 35 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để phát triển mô hình nuôi vịt cổ ngắn, anh Quàng Văn Tính, bản Bon cho biết: “Trước đây gia đình tôi chỉ nuôi gần 100 con. Thực hiện chủ trương của xã, tôi đã mạnh dạn vay vốn đầu tư chuồng trại nuôi 350 con vịt. Ðầu năm đã xuất 1 lứa, hiện nay đang nuôi lứa thứ 2. Giá trị kinh tế mang lại khá tốt nên thời gian tới tôi tiếp tục mở rộng quy mô để tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình”.
Là người thường xuyên đến xã Mường Lạn mua vịt thương phẩm cung cấp cho các nhà hàng và những khách hàng quen, anh Tòng Anh Tuấn, đội 14, xã Thanh Luông (huyện Ðiện Biên) cho biết, anh đã mang giống vịt cổ ngắn ở Mường Lạn về nuôi, nhưng thịt không thơm và ngon như nuôi ở Mường Lạn. Ðặc biệt, khi mang về huyện Ðiện Biên nuôi thì lông vịt bị đổi màu. Theo anh Tuấn, giống vịt cổ ngắn cũng được người dân nhiều xã khác nuôi thử, nhưng thịt không ngon bằng nuôi ở Mường Lạn.
Nói về đầu ra cho sản phẩm, ông Lò Văn Ðoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lạn cho biết: Hiện tại sản phẩm vịt cổ ngắn tại địa phương vẫn chưa đủ cung. Tuy nhiên, để đảm bảo tính bền vững, thời gian tới xã sẽ phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đăng ký thương hiệu, liên kết với đầu mối tiêu thụ đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm. Ðây cũng là cách chính quyền địa phương đồng hành để người dân yên tâm, tự tin đầu tư vào mô hình này nhằm sớm được công nhận đạt OCOP.