Mường Ảng phát triển sản phẩm OCOP
- Thứ sáu - 19/03/2021 14:44
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Năm đầu tiên xếp hạng sản phẩm OCOP (2019), Mường Ảng có 3 sản phẩm được công nhận cấp tỉnh, bao gồm: Cà phê pha phin Arabica Mường Ảng - Ðiện Biên; Cà phê phin giấy Mon black coffee drip bag và Cà phê túi nhúng Smile single bar coffee. Các sản phẩm đã được quan tâm xúc tiến trong các hoạt động của tỉnh, huyện; hỗ trợ xây dựng tem nhãn; xây dựng và lắp đặt các biển quảng cáo... Bước sang năm 2020, Mường Ảng tập trung hỗ trợ phát triển, hoàn thiện 6 sản phẩm để gửi đánh giá, xếp hạng cấp tỉnh, trong đó có 4 sản phẩm liên quan đến tảo xoắn cơ sở Nguyễn Ðức Lợi (xã Ẳng Tở), 1 sản phẩm tinh dầu sả xã Ngối Cáy và 1 sản phẩm cà phê bột pha phin Hà Chung. Tuy nhiên lần thứ 2 tham gia, Mường Ảng vẫn chỉ có cà phê được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Thực tế cà phê là sản phẩm đã được phát triển từ lâu tại huyện, sớm được các cơ sở đầu tư xây dựng nhãn mác, thương hiệu. Chưa kể đến chất lượng thì việc xét duyệt liên quan đến giấy tờ pháp lý chắc chắn nhanh chóng và dễ dàng hơn. Ðược biết, giấy tờ, thủ tục cần thiết là vướng mắc chính khiến cho các sản phẩm còn lại của huyện chưa được công nhận.
Trong 6 sản phẩm tham gia chấm điểm OCOP năm 2020, tinh dầu sả được quan tâm đặc biệt, được huyện hợp đồng với đơn vị tư vấn hỗ trợ phát triển, hoàn thiện. Sản phẩm được xây dựng hoàn thành, chú trọng về chất lượng, đẹp mắt về vỏ hộp, nhãn mác. Tuy nhiên khi gửi đánh giá, xếp hạng cấp tỉnh thiếu giấy chứng nhận sản phẩm hợp quy. Ông Lù Văn Cường, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng cho biết: Các văn bản hướng dẫn quy định đánh giá đối với sản phẩm tinh dầu sả vẫn chưa được rõ ràng, cụ thể, dẫn đến khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ tham gia đối với sản phẩm này. Khi tham gia cấp tỉnh mới yêu cầu giấy chứng nhận hợp quy nên thời gian gấp, cơ sở không biết gửi sản phẩm đi đâu để kiểm tra. Ðến nay cũng chưa có văn bản hướng dẫn trả lời. Vì vậy sản phẩm tiếp tục hoàn thiện để tham gia chấm năm 2021.
Các sản phẩm tảo xoắn tươi cao cấp không tanh, thạch, kem, sữa chua tảo xoắn cũng gặp phải vướng mắc tương tự, thậm chí nhiều yêu cầu hơn về giấy tờ, thủ tục. Vì vậy chủ cơ sở đã xin rút hồ sơ, có thể hoàn thiện tham gia vào những năm sau. Với những vấn đề trên, Mường Ảng đã thẳng thắn nhận định các tồn tại: Chất lượng hồ sơ các sản phẩm đăng ký tham gia còn hạn chế; công tác triển khai thực hiện các nội dung của chương trình còn chậm so với kế hoạch đề ra; các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn chưa thực sự mặn mà, nhiệt tình với việc đăng ký tham gia vào chu trình OCOP...
Quay lại với sản phẩm cà phê bột pha phin của Cơ sở Chế biến cà phê Hà Chung (tổ dân phố 10, thị trấn Mường Ảng) được công nhận 3 sao mới đây, để đạt được thành quả ấy cũng không dễ dàng. Bà Bùi Thị Việt Hà, chủ cơ sở cho biết: “Mặc dù có cán bộ tổ hỗ trợ của huyện nhiệt tình tư vấn, giúp đỡ nhưng việc làm hồ sơ OCOP vẫn quả thực khó. Chúng tôi cũng đã phải hoàn thiện thêm một số giấy tờ, có lúc tưởng vướng, may vẫn có thể giải quyết. Ðược công nhận sản phẩm OCOP, gia đình tôi rất vui, mong được định hướng, quan tâm, tạo điều kiện để sản phẩm đi vào thị trường rộng lớn hơn”. Còn về chất lượng sản phẩm, cơ sở ký hợp đồng với một số hộ trồng cà phê trên địa bàn, cam kết luôn thu mua cao hơn thị trường 3 - 5 giá để nông dân yên tâm chú trọng chất lượng. Vì vậy mọi quy trình từ tỉa cành, chăm bón, phát cỏ đều được quan tâm, giám sát kỹ lưỡng theo hướng hữu cơ. Hạt cà phê được chọn lọc, phân loại, rang tay truyền thống một cách tỉ mỉ (1 tiếng mới hoàn thành 1 mẻ 10kg - bà Hà chia sẻ). Với sự cầu kỳ đó, sản phẩm cà phê Hà Chung đã được nhiều quán cà phê, nhà hàng lựa chọn, tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
Có thể khẳng định cà phê là nông sản tiêu biểu, nổi tiếng không chỉ của mảnh đất Mường Ảng mà còn của tỉnh nhà, các sản phẩm cà phê được công nhận OCOP là việc đáng mừng và cần thiết. Ngoài ra Mường Ảng còn nhiều sản phẩm OCOP tiềm năng cần tiếp tục quan tâm thúc đẩy. “Mường Ảng có bưởi da xanh, thịt sấy, vịt đầu xanh Mường Lạn… có tiềm năng phát triển. Tuy nhiên để xây dựng thành sản phẩm OCOP còn khó, là chặng đường dài. Bởi chưa có sự liên kết, bao tiêu sản phẩm; chưa chú trọng phát triển và được công nhận sản phẩm VietGAP, hữu cơ; thiếu bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc...” - ông Lù Văn Cường nhận định. Trong định hướng thực hiện chương trình OCOP năm 2021, Mường Ảng coi phát triển các sản phẩm, dịch vụ OCOP là tiền đề quan trọng để phát triển, nâng cao chất lượng cũng như đa dạng hóa sản phẩm hiện có. Và phát triển các sản phẩm mới tham gia vào chu trình OCOP. Ðể thực hiện được việc này, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ các chủ thể nâng cao chất lượng sản phẩm, lựa chọn các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh để ưu tiên phát triển; thành lập các hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, liên kế sản xuất, tiêu thụ với các doanh nghiệp lớn hơn. Ðồng thời đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP, tập trung vào các nội dung như: Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Mường Ảng, tham gia vào các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, lắp đặt các pano, biển hiệu quảng bá các sản phẩm...