Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Điện Biên

http://nongthonmoi.dienbien.gov.vn


Kỳ vọng từ mô hình sản xuất cà phê thóc ở Na Luông

Trong những năm gần đây, người trồng cà phê Mường Ảng luôn phải đối mặt với những khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa luôn là bài toán nan giải đối với người nông dân. Trong điều kiện đó, mô hình sản xuất cà phê thóc ở bản Na Luông, xã Ẳng Nưa được kỳ vọng mở ra hướng đi mới để người nông có thể dân yên tâm sống được bằng loại cây này.
Cà phê sau khi trải qua các công đoạn rửa, tách vỏ tự động và ngâm được phơi trong nhà kính.

Vừa san gạt những hạt cà phê vàng óng trên hệ thống giá phơi được đầu tư bài bản, chị Tòng Thị Hoài, nhóm trưởng nhóm sản xuất cà phê thóc bản Na Luông nói như khoe: “Ðây là cà phê đã được tách vỏ hay còn gọi là cà phê thóc, loại cà phê này nếu bảo quản, đóng gói cẩn thận sẽ để được rất lâu mà không sợ hỏng hay mất giá. Trước đây cứ thu hái về là phải bán đổ cho thương lái, các đơn vị thu mua ngay trong ngày, vì quả cà phê có một lớp vỏ cơm ở ngoài rất nhanh hỏng, chỉ cần chậm 1 - 2 ngày là bị phân hủy, lúc ấy cho cũng không ai lấy chứ chưa nói gì bán, phơi thì cũng mất cả tháng mới khô; nhiều khi bán một yến cà phê mà không đủ tiền mua nổi một lạng thịt lợn, vì vậy nhiều hộ cũng nản. Từ khi được đầu tư hệ thống máy sản xuất cà phê thóc, người dân ở bản Na Luông nói riêng và xã Ẳng Nưa nói chung không còn sợ bị các thương lái ép giá. Khi mình đã chủ động được về mặt thời gian, cà phê có chất lượng thì mình có quyền lựa chọn khách hàng và bán với giá phải chăng.”

Quy trình sản xuất cà phê thóc tuy vất vả, mất nhiều thời gian, nhưng cũng tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân; đặc biệt là chất lượng cà phê đảm bảo, được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh lựa chọn. Trung bình mỗi kilôgam cà phê thóc có giá 45 nghìn đồng (gấp 9 lần giá bán cà phê tươi).

Ðể làm ra những hạt cà phê thóc đều, đẹp, đảm bảo chất lượng, trước hết phải hái cà phê chín đạt tỷ lệ từ 90% trở lên, sau đó cho vào máy rửa và bóc vỏ tự động, lúc này máy tiếp tục sàng lọc những quả xanh, quả lép ra ngoài để đảm bảo tất cả những quả còn lại phải chín 100%, không có hạt lép hạt lửng. Bước tiếp theo là ngâm, dùng máy đo thường xuyên, khi nồng độ PH đạt 4.7 - 4.5 thì vớt ra đem phơi.

“Ðể có cà phê thóc đảm bảo chất lượng, đúng tiêu chuẩn thì khâu phơi là rất quan trọng; phải phơi trên giá cao ráo, đồng thời phải lót tấm lưới lên giá trước khi phơi cà phê, đảm bảo độ thông thoáng; tuyệt đối không được phơi xuống nền bê tông hoặc rải bạt phơi dưới đất bởi cà phê sẽ bị hấp hơi, ảnh hưởng đến độ thơm ngon của cà phê. Một điều quan trọng nữa là không được phơi trực tiếp ngoài trời nắng mà phải phơi trong nhà kính. Khi phơi phải thường xuyên đảo đều và kiểm tra bằng máy chuyên dụng, khi độ ẩm cà phê đạt mức 10 - 12,5% là đạt tiêu chuẩn và được đóng vào bao tải sạch, sau đó cho tiếp vào bao ni lông, buộc chặt lại để tránh hơi ẩm và tác động bởi môi trường bên ngoài. Với cách chế biến và bảo quản này, cà phê có thể để được hàng năm trời mà không ảnh hưởng đến chất lượng.

Là một trong những thành viên của nhóm, chị Lò Thị Tiên, bản Na Luông cho biết: Ngoài sử dụng cà phê của các gia đình trong nhóm thì nhóm còn ký kết với các hội viên phụ nữ, các hộ dân trong xã để thu mua cà phê mới đủ nguyên liệu để máy vận hành và cung cấp sản phẩm ra thị trường. Trong thời gian tới nhóm sẽ tiếp tục mở rộng, kêu gọi nhiều hội viên, hộ gia đình khác cùng góp vốn, mở rộng cơ sở sản xuất.

Bà Nguyễn Thúy Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Mường Ảng cho biết: Mô hình thực hiện từ năm 2019 bởi một nhóm phụ nữ - những người có diện tích phê từ 2ha trở lên. Toàn bộ hệ thống máy móc, thiết bị, quy trình thực hiện do tổ chức CARE tài trợ, hướng dẫn gồm: Máy rửa cà phê tự động, máy tách vỏ, bể chứa, hệ thống xử lý nước thải, nhà kính để phơi cà phê... Ðây là chương trình hỗ trợ phụ nữ người dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa; quy trình vận hành của máy có công suất 5 tấn/giờ. Thời gian tới Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục khuyến khích hội viên phụ nữ và những người trồng cà phê trên địa bàn liên kết sản xuất và để không chỉ phụ nữ xã Ẳng Nưa mà nhiều người trồng cà phê trên địa bàn huyện yên tâm khi đầu tư vào cây cà phê.


 

Nguồn tin: Mai Khôi

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây