Khởi đầu thuận lợi
- Thứ năm - 14/05/2020 04:51
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thực hiện chương trình OCOP, chúng ta lường trước được những khó khăn đặc thù của tỉnh miền núi giao thông cách trở, xa trung tâm các thành phố lớn, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng riêng biệt; trình độ nhận thức, thâm canh, tiếp cận KHKT của nông dân chưa cao. Không loại trừ việc cập nhật thông tin, các giải pháp chỉ đạo, điều hành, tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP của một bộ phận cán bộ cơ quan chuyên môn còn hạn chế... Tuy nhiên, với giải pháp chỉ đạo, lãnh đạo quyết liệt của UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan; bên cạnh đó, chúng ta quyết tâm biến khó khăn thành lợi thế, khó khăn chỉ là "lực cản" tạm thời chứ không phải "bức tường thành kiên cố" không thể vượt qua. Nhờ đó, sau hơn 1 năm thực hiện chương trình (đến cuối năm 2019), tỉnh ta có 26 sản phẩm được công nhận OCOP. Trong số 26 sản phẩm OCOP được công nhận, có 14 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 12 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống.
Niềm vui không ngờ, và nói như bà con nông dân, chủ các cơ sở tham gia OCOP đó là, mặc dù từ đầu, chúng ta biết "liệu cơm gắp mắm", chỉ đăng ký xây dựng 11 sản phẩm OCOP trong năm 2019 là thành công lắm rồi, nhưng kết quả lại vượt xa mong đợi. Điều này chứng minh, các sản phẩm tham gia OCOP của Điện Biên rất tốt, cả về chất lượng và mẫu mã, hình thức. Việc lựa chọn các sản phẩm để "xông ngôi nhà chung" OCOP trong năm đầu của Điện Biên đã đúng hướng. Là cơ hội tốt để quảng bá thương hiệu cho tỉnh. Là cánh tay vững chắc kéo thương nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đến nghiên cứu, tìm hiểu và ký kết các hợp đồng kinh tế, khai thác tiềm năng, thế mạnh của Điện Biên.
Khởi đầu thành công bằng các sản phẩm OCOP nông nghiệp. Bước sang năm 2020 và các năm tiếp theo, tỉnh, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang chỉ đạo xây dựng thêm các sản phẩm OCOP khác, đó là du lịch cộng đồng nông thôn. Hiện tại, đã có 2 sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng nông thôn đang được rốt ráo xây dựng tại huyện Điện Biên và T.P Điện Biên Phủ. Đánh giá của cơ quan chuyên môn và những người tham gia thực hiện chương trình thì, cả 2 mô hình Homestay Mường Then (xã Thanh Luông, huyện Điện Biên) và Homestay Phương Đức (xã Mường Phăng, T.P Điện Biên Phủ) cũng sớm được công nhận đạt OCOP trong thời gian tới.
Khi thương hiệu các sản phẩm OCOP được công nhận thì "tiếng lành đồn xa". Nhiều người biết đến sản phẩm nông nghiệp, du lịch của Điện Biên hơn, đầu ra sản phẩm theo đó cũng thuận lợi, doanh thu sẽ tăng lên. Năm 2019, doanh thu các sản phẩm OCOP đặt gần 45,5 tỷ đồng.
Với mục tiêu đưa OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng của tỉnh, tăng sức cạnh tranh các sản phẩm OCOP của địa phương trên thị trường, năm 2020 tỉnh ta dành 7 tỷ đồng để hỗ trợ triển khai chương trình OCOP. Ngoài hỗ trợ phát triển thêm ít nhất 10 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, nguồn kinh phí trên còn được dùng hỗ trợ hoàn thiện tem nhãn, mẫu mã bao bì, truy xuất nguồn gốc, công bố chất lượng, xúc tiến thương mại cho các đơn vị có sản phẩm đã được công nhận OCOP.
Là tỉnh thuần nông, nhiều năm qua, Điện Biên đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm Nông - Lâm nghiệp, nhưng kết quả chưa như mong muốn. Thực hiện Quyết định 1141/QĐ - UBND, bước đầu chúng ta xây dựng thành công chương trình OCOP, là cơ hội thiết thực để quảng bá, giới thiệu rộng rãi các sản phẩm nông nghiệp, du lịch cộng đồng nông thôn ra toàn quốc và thế giới. Đây cũng là cơ sở để mời gọi, thu hút các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư đến với tỉnh khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế. Với người nông dân, chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã tham gia OCOP sẽ "chung vai sát cánh" phát triển ngày càng mạnh, số lượng nhiều hơn nữa các sản phẩm có giá trị để tăng doanh thu, lợi nhuận. Có đầu ra thuận lợi, ổn định, nông dân sẽ "một nắng hai sương" gắn bó với đồng ruộng, đồi nương sản xuất nông nghiệp, làm giàu chính đáng.