Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Điện Biên

http://nongthonmoi.dienbien.gov.vn


Khó khăn trong phát triển bền vững sản phẩm OCOP

Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đến nay, toàn tỉnh đã có 35 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, trong đó: 2 sản phẩm xếp hạng 4 sao và 33 sản phẩm xếp hạng 3 sao. Tuy đã được công nhân đạt chuẩn song việc phát triển bền vững sản phẩm OCOP của các địa phương, các chủ thể kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.
Dây chuyền chế biến sản phẩm OCOP gạo Điện Biên của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Yên.
 

Triển khai thực hiện Chương trình, Huyện ủy Điện Biên Đông đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về Định hướng phát triển sản phẩm OCOP. Theo đó, UBND huyện xây dựng kế hoạch và chương trình thực hiện nghị quyết. Với sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền, người dân và doanh nghiệp nên dù là huyện vùng cao, khó khăn bậc nhất của tỉnh, song đến nay, huyện Điện Biên Đông đã có 4 sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao. Tuy nhiên, việc phát triển bền vững sản phẩm sau đạt chuẩn OCOP đang là vấn đề khó khăn, thách thức đối với cấp ủy, chính quyền và các chủ thể kinh tế trên địa bàn huyện Điện Biên Đông. Đơn cử sản phẩm “Lạc đỏ Na Son” là đặc sản nổi tiếng của xã Na Son được công nhận đạt chuẩn OCOP năm 2019. Sau 3 năm tham gia Chương trình, hiện nay, việc mở rộng vùng nguyên liệu và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao năng suất đang là vấn đề khó của chính quyền cơ sở và chủ thể kinh tế của sản phẩm. Ông Lò Văn Xương, Chủ tịch UBND xã Na Son cho biết: Đến nay, tổng diện tích trồng lạc đỏ toàn xã khoảng 25ha. Tuy nhiên, 3 năm nay xã Na Son không thể mở rộng vùng nguyên liệu cho sản phẩm, bởi lạc đỏ phải được trồng ở những diện tích thuận lợi mới cho năng suất, chất lượng. Song hiện nay, những diện tích có thể trồng, người dân đã trồng hết còn những diện tích xã dự kiến chuyển đổi từ trồng ngô, lúa nương sang trồng lạc đỏ lại không thuận lợi. Với diện tích hiện có, mỗi năm sản phẩm lạc đỏ chỉ đủ bán khoảng 2 tháng sau thu hoạch. Nhiều trường hợp khách hàng đặt hàng song người dân và chủ thể kinh tế không có để bán. Bên cạnh đó, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất lạc đỏ ở Na Son còn rất hạn chế. Hiện nay, người dân vẫn sản xuất lạc với phương thức truyền thống. Do đó, xã mong muốn các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn, hỗ trợ người dân kỹ thuật sản xuất, chế biến, nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm “Lạc đỏ Na Son”.

Tương tự, sản phẩm “Bí xanh Tìa Dình” cũng đang gặp khó khăn trong việc quản lý quy trình sản xuất, quản lý chất lượng và tiêu thụ sản phẩm sau khi được công nhận OCOP. Cụ thể, hiện nay, chủ thể kinh tế của sản phẩm là Hợp tác xã CCO chỉ đủ năng lực đảm bảo quy trình sản xuất, chất lượng và bao tiêu sản phẩm với tổng diện tích 20ha với 60 hộ tham gia liên kết. Thế nhưng, sau khi bí xanh được công nhận sản phẩm OCOP thì tổng diện tích trồng ở Tìa Dình tăng nhanh (60ha) với hàng trăm hộ dân tham gia trồng. Do đó, đến vụ thu hoạch, Hợp tác xã CCO chỉ bao tiêu trong phạm vi vùng liên kết còn sản lượng bí ngoài liên kết người dân phải tự bán dẫn đến khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Để giúp người dân xã Tìa Dình tiêu thụ bí xanh, UBND huyện Điện Biên Đông đã kết nối với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh ký kết hợp tác bao tiêu và bán sản phẩm tại các siêu thị. Tuy nhiên, sản phẩm bí ngoài vùng liên kết, chưa được công nhận OCOP khi ra thị trường không được hợp tác xã CCO đồng ý cho sử dụng nhãn mác, thương hiệu “Bí xanh Tìa Dình”. Về phía Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cũng không đồng ý bao tiêu và bán sản phẩm nếu không được sử dụng thương hiệu là “Bí xanh Tìa Dình”. Do đó, liên kết bị đứt gãy.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh cho biết: Việc hợp tác xã CCO không đồng ý sử dụng thương hiệu “Bí xanh Tìa Dình” cho sản phẩm ngoài vùng liên kết là hoàn toàn đúng theo quy định. Bởi vì, sản phẩm ngoài liên kết không thể đảm bảo đúng quy trình, chất lượng theo chuẩn OCOP. Khi hợp tác xã CCO để đơn vị khác sử dụng thương hiệu “Bí xanh Tìa Dình”, trường hợp bị cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện ra một chỉ số nào đó của sản phẩm không đảm bảo chuẩn thì hợp tác xã CCO sẽ bị thu hồi quyết định đạt chuẩn OCOP cho sản phẩm. Đối với huyện Điện Biên Đông, nếu muốn mở rộng vùng nguyên liệu bí và ký kết tiêu thụ bí với tiêu chuẩn sản phẩm OCOP thì UBND huyện, xã Tìa Dình phải lựa chọn 1 chủ thể kinh tế mới, xây dựng kế hoạch thực hiện và tham gia thi Chương trình OCOP của tỉnh với một tên thương hiệu mới. Nếu được Hội đồng cấp tỉnh công nhận đạt chuẩn, thì sản phẩm đó mới được dán nhãn mác, tem của sản phẩm OCOP khi tiêu thụ ngoài thị trường.

Không chỉ riêng 2 sản phẩm OCOP trên, hiện nay, hầu như 100% sản phẩm OCOP của tỉnh cũng đang gặp phải những khó khăn trong việc mở rộng vùng nguyên liệu, quản lý sản phẩm sau đạt chuẩn hay việc xúc tiến thương mại, giới thiệu và quảng bá sản phẩm ra thị trường. Chính vì vậy, UBND tỉnh đang chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp, xây dựng kế hoạch và triển khai nhiều giải pháp để phát triển bền vững sản phẩm OCOP trên địa bàn.                                 



 

Nguồn tin: Bài, ảnh: Phạm Trung

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây