Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Điện Biên

http://nongthonmoi.dienbien.gov.vn


Hiệu quả bước đầu từ chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”

Sau hơn 1 năm triển khai, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã mang lại những hiệu quả rõ nét trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất theo tập quán lạc hậu sang nền sản xuất kinh tế thị trường; tạo hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống ở khu vực nông thôn.
Các sản phẩm nông nghiệp Ðiện Biên tham gia Hội chợ Giới thiệu sản phẩm OCOP tổ chức tại Hà Nội

Năm 2019, tỉnh ta dự kiến xây dựng thành công 11 sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn OCOP, song khi triển khai, chương trình đã thu hút được sự tham gia vượt kế hoạch với 32 sản phẩm đăng ký xét duyệt. Kết thúc năm 2019, Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh đã công nhận 26 sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn OCOP, vượt 15 sản phẩm so với kế hoạch. Trong đó, có 2 sản phẩm được xếp hạng 4 sao và 22 sản phẩm xếp hạng 3 sao.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chánh Văn phòng điều phối Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới tỉnh cho biết: Sau hơn 1 năm triển khai, Chương trình OCOP đã có những kết quả vượt bậc về số lượng; mẫu mã, chất lượng sản phẩm từng bước được khẳng định, dần hình thành nhóm sản phẩm đặc sản của từng vùng. Chương trình OCOP đã giúp các địa phương lựa chọn đúng sản phẩm chủ lực, có lợi thế về chi phí sản xuất và thị trường tiêu thụ; xây dựng chiến lược phát triển cụ thể, tránh tình trạng làm theo phong trào, dàn trải như trước đây. Ðồng thời, các doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có điều kiện thuận lợi hơn để đầu tư, phát triển sản phẩm theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đủ sức cạnh tranh với các dòng sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Trở lại thời điểm đầu năm 2019, khi Chương trình OCOP bắt đầu triển khai cũng là lúc HTX Ong mật Ðiện Biên thành lập và đi vào hoạt động trên cơ sở kết nối 9 hộ có cùng đam mê, nhiều năm kinh nghiệm nuôi ong, sản xuất mật ong trên địa bàn xã Sam Mứn (huyện Ðiện Biên). Với quy mô trên 2.000 đàn ong nuôi tự nhiên, mỗi năm HTX Ong mật Ðiện Biên đạt sản lượng trên 100 tấn mật ong thô. Tham gia Chương trình OCOP năm 2019, HTX xây dựng 4 sản phẩm chủ lực: Mật ong các loài hoa rừng; mật ong bánh tổ; phấn hoa và sữa ong chúa. Kết quả, Hội đồng xét duyệt cấp tỉnh đã công nhận 2/4 sản phẩm của HTX đạt chuẩn OCOP và được xếp hạng 4 sao.

Ông Nguyễn Tiến Ðạt, Giám đốc HTX Ong mật Ðiện Biên cho biết: Chương trình OCOP giúp HTX chuẩn hóa sản phẩm mật ong từ mẫu mã, chất lượng đến công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường. Tuy sản phẩm mới được công nhận đạt chuẩn OCOP song HTX đã bước đầu nhận thấy hiệu quả, giá trị của Chương trình OCOP mang lại cho các sản phẩm mật ong. Trước đây, 100% sản phẩm mật ong đều được bán thô cho lái buôn các tỉnh dưới xuôi với giá thấp (70.000 đồng/lít). Ðến nay, mật ong được chế biến thành nhiều dòng sản phẩm khác nhau, chất lượng được nâng lên, đóng gói bao bì bắt mắt nên giá trị sản phẩm tăng gấp 2 lần so với sản phẩm thô. Tham gia chương trình OCOP, HTX được các cấp chính quyền quan tâm, hướng dẫn trong việc phát triển sản phẩm, nhất là công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, có 30% khách hàng tìm hiểu sản phẩm tại các đợt xúc tiến thương mại đã quay lại sử dụng sản phẩm mật ong của HTX.

Ðến nay, huyện Tủa Chùa đã có 3 sản phẩm đạt chuẩn OCOP là: Trà xanh Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa; Bạch trà Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa và Trà xanh Shan tuyết Sính Phình do Công ty TNHH Hương Linh tỉnh Ðiện Biên sản xuất. 3 dòng sản phẩm trên được Công ty phát triển, sản xuất theo quy trình hoàn toàn khác biệt so với các sản phẩm khác có cùng nguồn nguyên liệu chè Tủa Chùa. Ðơn cử như mẫu mã bao bì sản phẩm do công ty tự thiết kế phản ánh nguồn gốc sản phẩm, phong tục tập quán và cuộc sống của người dân bản địa đối với cây chè cổ thụ Tủa Chùa. Sản phẩm chè cũng được chế biến theo quy trình khép kín với yêu cầu khắt khe về kỹ thuật từ khâu thu hái đến chế biến, đóng gói, bảo quản... nên chất lượng, giá trị sản phẩm được nâng lên.

Năm 2020, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức công bố danh hiệu có các sản phẩm được xếp hạng; tiếp tục hướng dẫn UBND cấp huyện, doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh thực hiện các chính sách hỗ trợ sản phẩm OCOP; hướng dẫn việc sử dụng và in nhãn hiệu OCOP, thứ hạng sao trên bao bì sản phẩm được công nhận theo quy định; kiểm tra định kỳ các sản phẩm ít nhất 1 lần/năm trong vòng 3 năm. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ cho chủ trương đầu tư quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh như: Bố trí 1 - 2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ; liên kết với các tỉnh để tìm thị trường tiêu thụ.

Nguồn tin: Phạm Trung

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây