Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Điện Biên

http://nongthonmoi.dienbien.gov.vn


Đưa sản phẩm OCOP Tủa Chùa vươn xa

Sau hơn một năm nỗ lực thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến cuối năm 2019 huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) đã có ba sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP, tiêu chuẩn 3 sao. Cùng với việc hỗ trợ chủ thể có sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, từ đầu năm 2020 đến nay, Phòng NN-PTNT huyện Tủa Chùa đã hỗ trợ HTX H’Mông Tủa Chùa hoàn thiện hồ sơ công nhận sản phẩm OCOP cho khoai sọ tím tại địa phương.
Giám đốc Nguyễn Mỹ Linh giới thiệu ba sản phẩm được công nhận OCOP đến đại biểu dự Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Điện Biên.

Đặc trưng từng sản phẩm

Là đơn vị đầu tiên trên địa bàn huyện Tủa Chùa có ba sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP từ cuối năm 2019, gồm: “Diệp Thanh Trà - Trà xanh Shan tuyết Sính Phình”; “Diệp Thanh Trà - Trà xanh Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa” và “Diệp Thanh Trà - Bạch trà Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa”, thời gian qua, Nguyễn Mỹ Linh, Giám đốc Công ty TNHH Hương Linh đã rất nỗ lực tiếp thị, đưa sản phẩm ra thị trường. Trò chuyện với chúng tôi, Nguyễn Mỹ Linh cho biết: Nguyên liệu chế biến dòng sản phẩm “Diệp Thanh Trà  - Trà xanh Shan tuyết Sính Phình” là 100% búp chè được đồng bào dân tộc H’Mông ở Sính Phình hái thủ công trên những đồi chè hơn 20 năm tuổi. Về giống, cây chè ở Sính Phình đều được ươm từ hạt của chè Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa, song để phân biệt giữa chè Shan tuyết cổ thụ với chè Shan tuyết trồng mới tại Sính Phình thì ngay sau khi trồng mới người dân địa phương đã đặt tên cho cây chè Sính Phình là chè Shan tuyết Sính Phình. Bởi vậy, sau quá trình tìm hiểu nguồn gốc, đánh giá chất lượng và sản lượng chè Shan tuyết Sính Phình, Công ty TNHH Hương Linh đã quyết định sản xuất sản phẩm trà xanh Shan tuyết lấy tên gọi vùng đất nuôi dưỡng cây chè ấy là: “Diệp Thanh Trà - Trà xanh Shan tuyết Sính Phình”.

lan1310203.jpg

Về chất lượng, hương vị “Diệp Thanh Trà - Trà xanh Shan tuyết Sính Phình” như Hương Linh phân tích thì khác biệt hoàn toàn với sản phẩm trà nơi khác chính là đảm bảo “an toàn” từ quy trình chăm sóc, thu hái đến chế biến và đóng gói thành phẩm. Theo hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm Công ty TNHH Hương Linh ký kết với 391 hộ dân ở xã Sính Phình thì các khâu chăm sóc cây chè, như: làm cỏ, bón phân đều phải thực hiện thủ công có sự giám sát của trưởng nhóm thu hái và đại diện công ty. Công đoạn thu hái cũng phải thực hiện thủ công theo hướng dẫn: “Chỉ hái búp đủ lớn chứ không hái kiệt” để không ảnh hưởng lứa thu hái sau và trong vòng ba giờ sau khi thu hái thì người dân phải đem chè búp tươi về xưởng sơ chế, sản xuất. “Khác biệt hẳn là cây chè Sính Phình không sử dụng thuốc trừ cỏ như một số vùng chè khác; phân bón là hữu cơ được kiểm nghiệm của cơ quan chức năng địa phương; kỹ thuật hái thì hoàn toàn yên tâm vì bà con dân tộc H’Mông ở Sính Phình không chỉ chăm chỉ mà đã thành thục kỹ thuật thu hái” - Nguyễn Mỹ Linh cho biết như thế!

Với hai sản phẩm “Diệp Thanh Trà - Trà xanh Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa” và “Diệp Thanh Trà - Bạch trà Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa”, có điểm chung là đều được thu hái từ vùng chè cổ thụ thuộc các xã phía Bắc huyện Tủa Chùa, gồm: Tả Phìn, Tả Sìn Thàng, Sính Phình, Sín Chải. Nơi đây chính là vùng chè cổ thụ nổi tiếng từng thu hút nhiều đoàn chuyên gia Nhật, Trung Quốc, Viện nghiên cứu nông nghiệp về tìm hiểu lịch sử cây chè. Tuy nhiên, sau nhiều biến thiên lịch sử, nhiều thăng trầm của vùng đất, đời người, hiện Tủa Chùa còn khoảng 7.933 cây chè Shan tuyết cổ thụ. Không được chăm bón như cây chè nơi khác, chè Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa chỉ ngậm sương, hút đất trong lòng đá mà lớn rồi lặng lẽ dâng cho đời những búp chè phủ lông tơ màu tuyết. Để thu hái búp trên cây chè cổ thụ, bà con dân tộc H’Mông nơi đây phải leo lên từng ngọn cây rồi dùng nèo kéo từng cành nhỏ vào hái búp. Sau một đợt hái phải chờ cả tháng mới được hái đợt tiếp, bởi rễ chè phải cần mẫn hút chất  nuôi cây.

Ở nơi núi cao, điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên hương vị chè Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa cũng khá đặc biệt. Trà có màu vàng sóng sánh như mật; có vị chát đậm rồi sau đó lại rõ vị ngọt hậu đượm mãi. Đặc biệt, cây chè càng già ở Tủa Chùa càng cho nhiều búp có vị đanh, hương trà đậm đà rõ vị hơn. Là người thưởng trà tinh tế, bạn sẽ nhận thấy vị trà Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa thật khác biệt, bởi quyện trong hương trà có mùi thơm của cây cỏ núi rừng, có vị chát pha chút đắng nhè nhẹ như cuộc sống của đồng bào H’Mông trên vùng đất gian khó Tủa Chùa.

Hỏi thêm Nguyễn Mỹ Linh điều khác biệt căn bản giữa hai sản phẩm “Diệp Thanh Trà - Trà xanh Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa” và “Diệp Thanh Trà - Bạch trà Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa” là gì? được biết, chính là công đoạn thu hái. Với sản phẩm “Diệp Thanh Trà - Trà xanh Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa”, cho phép hái từ búp đến lá thứ hai hoặc có thể là lá thứ ba, nhưng “Diệp Thanh Trà - Bạch trà Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa” chỉ được hái búp và lá thứ nhất mà dân làm trà thường gọi là “một tôm một lá”. Quá trình ủ, sao để làm thành sản phẩm “Diệp Thanh Trà - Bạch trà Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa” đòi hỏi yêu cầu khắt khe hơn, thời gian dài hơn mới hoàn thành một mẻ, do vậy mà chất lượng, giá thành khác. Để lựa chọn nguyên liệu cho sản phẩm “Diệp Thanh Trà - Bạch trà Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa”, trước mỗi vụ thu hái đích thân Mỹ Linh phải khảo sát từng vườn chè để chọn cây chè có búp đều rồi đặt người thu hái trong cùng ngày. Bởi yêu cầu khắt khe về chất lượng, thời gian thu hái nên hiện tại sản lượng “Diệp Thanh Trà - Bạch trà Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa” của Công ty TNHH Hương Linh sản xuất không nhiều. “Chủ yếu là khách quen đặt để làm quà biếu, tặng! Số ít người sành trà ở Sài Gòn, Hà Nội cũng đặt cung cấp thường xuyên” - Mỹ Linh vui vẻ cho biết thêm.

Nỗ lực đưa chè Tủa Chùa vươn xa
Được sự hỗ trợ rất nhiều từ UBND, Phòng NN-PTNT huyện Tủa Chùa và Sở Công thương, Sở NN-PTNT tỉnh Điện Biên, thời gian qua Công ty TNHH Hương Linh đã dự nhiều hội chợ giới thiệu, hợp tác tiêu thụ sản phẩm OCOP tại nhiều tỉnh, thành trong nước. Trực tiếp giới thiệu sản phẩm đến khách hàng, được nghe phản hồi từ khách hàng trong mỗi chuyến đi, Mỹ Linh đã ghi chép cẩn thận. Với Mỹ Linh điều trăn trở nhất không phải lượng tiêu thụ hay doanh thu mà chính là những câu hỏi rất đỗi ngạc nhiên từ khách hàng, với kiểu như là: “Ồ, Tủa Chùa cũng có chè cây cao à?”, “Sao chưa bao giờ nghe cây chè Tủa Chùa nhỉ?”… trong khi thực tế niên đại, chất lượng chè Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa không khác gì dòng chè cùng loại ở Tả Xùa, Suối Giàng. Song không nản, chính những câu hỏi của khách hàng càng thôi thúc Mỹ Linh mầy mò tìm lời giải. Để rồi đêm từng đêm bên chén trà sóng sánh ánh vàng ngào ngạt hương, Mỹ Linh lại miên man nghĩ về những cây chè cổ thụ và hình dung cách người H’Mông cẩn thận hái từng búp chè trong sương sớm nơi núi đá vùng cao. Bất giác Mỹ Linh đã hiểu, đưa chè Tủa Chùa vươn xa cũng là cách làm gần hơn đường xóa đói giảm nghèo cho bà con dân tộc H’Mông Tủa Chùa. Trên đường ấy sẽ nhiều đoạn gập ghềnh và gian nan, nhưng Mỹ Linh luôn vững niềm tin: Thời gian sẽ chứng minh, chè Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa sẽ đánh thức trái tim người thưởng lãm, để chè Tủa Chùa vươn sóng vượt ngàn xa…

Hỗ trợ xây dựng sản phẩm khoai sọ tím

lan1310202.jpg

Khoai sọ tím do HTX H’Mông Tủa Chùa trồng tại xã Trung Thu.

Sau thành công tuyển chọn, đánh giá sản phẩm OCOP năm 2019, ngay đầu năm 2020 Phòng NN-PTNT huyện Tủa Chùa đã chủ động tham mưu UBND huyện ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm năm 2020. Theo đó, tại Kế hoạch 105/KH-UBND ngày 31-7-2020, UBND huyện Tủa Chùa xác định trong năm 2020 sẽ ưu tiên hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP đối với khoai sọ tím do HTX H’Mông sản xuất. Cũng tại Kế hoạch 105, UBND huyện Tủa Chùa giao Phòng NN-PTNT huyện có trách nhiệm phối hợp với UBND xã hướng dẫn chủ thể tham gia chương trình; hướng dẫn chủ thể thực hiện phát triển sản phẩm OCOP đảm bảo quy trình sản xuất an toàn, chất lượng, bền vững.

Là chủ thể đã đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP cho khoai sọ tím, anh Dương Anh Văn, Giám đốc HTX H’Mông Tủa Chùa, cho biết: Được các phòng, ban chuyên môn tạo điều kiện thuận lợi, được cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Tủa Chùa hỗ trợ nhiều mặt về chuyên môn sản xuất, kĩ thuật trồng, chăm sóc khoai sọ tím theo quy trình sản xuất hữu cơ, năm 2020 HTX đã liên kết với bà con dân tộc H’Mông tại các bản: Đề Bâu, Trung Vàng Khổ, Pô Ca Dao, Háng Cu Tâu thuộc xã Trung Thu trồng 4,7ha khoai sọ tím và một số giống khoai sọ khác. Theo quy trình sản xuất này, 100% gia đình tham gia liên kết phải tuân thủ quy trình trồng, chăm sóc, bón phân đúng hướng dẫn của cán bộ kĩ thuật, đảm bảo sản phẩm khi thu hoạch là sản phẩm sạch, không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hay bất kỳ loại thuốc nào khác. Tại thời điểm này, 100% diện tích khoai sọ tím trồng theo liên kết ở xã Trung Thu đều phát triển tốt, không sâu bệnh, năng suất dự ước trên 100 tấn.

Nói về chất lượng, hương vị đặc trưng của khoai sọ tím Tủa Chùa, Giám đốc Dương Anh Văn, cho biết: Khoai sọ tím Tủa Chùa khác hẳn một số loại khoai sọ tím hiện có trên thị trường vì củ nào củ nấy to như quả dừa; trung bình một củ khoảng 4 đến 5 lạng, to hơn có thể hơn 1kg. Trong ruột khoai màu tím, nấu lên thơm, bở, dẻo nên nấu canh hay nấu chè đều rất ngon, màu tím cũng rất đẹp. Thời điểm thích hợp xuống giống từ mùa xuân (là khoảng tháng 2 hoặc chậm nhất là tháng 3) và phải cuối tháng 10 đầu tháng 11 mới cho thu hoạch. Như vậy thời gian sinh trưởng của khoai sọ tím Tủa Chùa dài hơn các giống khoai sọ nơi khác nên lượng đường, tinh bột trong khoai cũng đậm đà hơn!

Trao đổi về quá trình thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm ở Tủa Chùa và quá trình phát triển sản phẩm OCOP đối với khoai sọ tím, bà Vũ Ngọc Ánh, Phó phòng NN-PTNT huyện Tủa Chùa, cho biết: Thực hiện chương trình OCOP, huyện đã xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển; vận động, hướng dẫn nhân dân tổ chức lại sản xuất để người dân thấy được hiệu quả trong việc tham gia chương trình OCOP. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Phòng NN-PTNT huyện đã chủ động hướng dẫn các xã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về mục đích, ý nghĩa của chương trình; hỗ trợ người dân mạnh dạn đầu tư phát triển sản phẩm lợi thế. Do vậy, đến thời điểm này một bộ phận nhân dân trên địa bàn huyện đã bước đầu ý thức tầm quan trọng sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, có liên kết với HTX, doanh nghiệp để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Với việc phát triển sản phẩm OCOP mới là khoai sọ tím, hiện nay Phòng đã cơ bản hoàn thiện các bước để tới đây (dự kiến cuối tháng 10) tổ chức hội nghị đánh giá, chấm điểm công nhận thêm sản phẩm OCOP mang đặc trưng của huyện vùng cao Tủa Chùa.

Nguồn tin: BÀI VÀ ẢNH: LÊ LAN:

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây