Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Điện Biên

http://nongthonmoi.dienbien.gov.vn


Điện Biên Đông phát triển sản phẩm OCOP

Với nhiều loại sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh, có thể phát triển, nâng cấp thành sản phẩm OCOP như gạo nếp tan, gạo nếp thơm hạt to xã Pú Hồng, tinh dầu hương nhu xã Na Son, dệt thổ cẩm... Thời gian qua, huyện Điện Biên Đông đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng, phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đến nay, huyện đã có 4 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh từ 3 sao trở lên.
Người dân xã Tìa Dình thu hoạch bí xanh.

Ông Nguyễn Trọng Huế, Trưởng phòng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên Đông cho biết: Xác định thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) sẽ mang lại hiệu quả to lớn trong phát triển kinh tế nông thôn, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn, tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng, giải quyết việc làm cho người lao động... Hàng năm, huyện chủ động ban hành kế hoạch thực hiện, triển khai chu trình OCOP thường niên, cử cán bộ tham gia đầy đủ các hội nghị, lớp tập huấn triển khai Chương trình OCOP. Đặc biệt, công tác tuyên truyền được huyện quan tâm đẩy mạnh bằng nhiều hình thức phù hợp nhằm nâng cao nhận thức về Chương trình cho cán bộ và nhân dân, như: Tuyên truyền qua các cuộc họp, hội nghị, lắp đặt các biển hiệu, hệ thống loa phát thanh của huyện, xã... Trong năm 2020, huyện đã phối hợp xây dựng được một số tin, bài, phóng sự về Chương trình OCOP, lắp đặt biển hiệu tuyên truyền về các sản phẩm OCOP của địa phương tại các xã với tổng kinh phí thực hiện hơn 136,4 triệu đồng.

Để phát triển các sản phẩm của địa phương, trên cơ sở Đề án được duyệt huyện tập trung ưu tiên các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm hình thành vùng sản xuất tập trung, tạo sản phẩm có chất lượng; thuê chuyên gia tư vấn để hoàn thiện các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, ưu tiên sản phẩm tại các xã đã được công nhận cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời, tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm để lựa chọn sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên đi thi cấp tỉnh, với những sản phẩm không đạt tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp và tham gia thi vào năm sau. Hiện tại huyện đã có 6 sản phẩm được đánh giá phân hạng sản phẩm cấp huyện, 4 sản phẩm được công nhận đạt 3 sao cấp tỉnh, gồm: Bí xanh Tìa Dình, khoai sọ Phì Nhừ, lạc đỏ Na Son và thịt lợn sấy. Ngoài ra, huyện chủ động bố trí nguồn kinh phí để thực hiện các hoạt động về triển khai Chương trình OCOP như: Tuyên truyền, phát triển sản phẩm OCOP, tổ chức hội nghị đánh giá và phân hạng sản phẩm, hỗ trợ in tem nhãn, thùng cát tông cho 4 sản phẩm đạt 3 sao...

Những năm trước, cây bí xanh xã Tìa Dình chủ yếu được trồng để phục vụ bữa ăn hàng ngày của bà con, diện tích trồng rất ít chỉ khoảng trên 10ha. Sau khi được chọn để xây dựng thương hiệu phát triển thành sản phẩm OCOP và được công nhận đạt 3 sao cấp tỉnh vào năm 2019, diện tích trồng bí xanh của xã đã từng bước được mở rộng, chất lượng bí được người tiêu dùng đánh giá cao. Đáng chú ý, với năng suất trung bình đạt 4 - 5 tấn/ha, giá bán thị trường từ 7.000 - 8.000/kg bí xanh đã mang lại nguồn thu nhập cao cho người nông dân, gấp đôi so với trồng lúa. Trong năm 2021, xã phấn đấu mở rộng diện tích trồng bí xanh lên khoảng hơn 81ha (đến cuối tháng 5 đã trồng được khoảng 60ha) tập trung chủ yếu tại các bản: Tìa Dình 1, 2, Chua Ta 1, 2, Tào La; đồng thời cũng triển khai trồng thí điểm 1.400m2 bí xanh theo phương pháp làm giàn để nâng cao năng suất, chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Về tiêu thụ sản phẩm, huyện đã được một số đơn vị doanh nghiệp trong tỉnh đăng ký bao tiêu với số lượng hơn 70 tấn/năm. Đây là điều kiện thuận lợi để sản phẩm bí xanh Tìa Dình phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Theo đánh giá của huyện Điện Biên Đông, toàn huyện có 32 sản phẩm có tiềm năng đầu tư, hỗ trợ để phát triển sản phẩm OCOP, thuộc 5 nhóm sản phẩm: Thực phẩm (22 sản phẩm), thảo dược (5 sản phẩm), vải may mặc (1 sản phẩm), lưu niệm - nội thất (1 sản phẩm), du lịch - dịch vụ nông thôn (3 sản phẩm). Vì vậy, trong giai đoạn 2021 - 2030 huyện sẽ tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phấn đấu xây dựng và hoàn thiện hồ sơ cho từ 10 - 20 sản phẩm có thế mạnh đủ điều kiện tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP và sẽ tiếp tục nâng hạng cho các sản phẩm đã được công nhận đạt 3 sao ở giai đoạn 2019 - 2020.



 

Nguồn tin: Bài, ảnh: Đức Linh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây