Để sản phẩm OCOP vươn xa
- Thứ ba - 01/09/2020 10:14
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Các sản phẩm của tỉnh được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP gồm có 14 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 12 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống, như: Cà phê bột Hồng Kỳ, chè Shan tuyết Tủa Chùa, cà phê Mường Ảng, mật ong Điện Biên, các sản phẩm gạo Điện Biên… Năm 2019, doanh thu từ sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm đạt 32,842 tỷ đồng, nhóm đồ uống đạt 12,579 tỷ đồng. Tuy nhiên, một số sản phẩm OCOP của địa phương chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường; còn sản xuất mang tính thời vụ, số lượng ít, chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu; việc áp dụng khoa học công nghệ trong chế biến, bảo quản sản phẩm còn hạn chế; một bộ phận người dân vẫn sản xuất tự phát, manh mún, nhỏ lẻ; việc hình thành chuỗi từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều…
Xác định chất lượng các sản phẩm OCOP là yếu tố quan trọng xếp hạng các sản phẩm OCOP; đồng thời là nền tảng để phát triển và tạo ra giá trị sản phẩm. Vì vậy, cùng với việc phát triển số lượng sản phẩm, tỉnh đang tập trung nâng cao chất lượng, khẳng định thương hiệu sản phẩm OCOP. Trước hết để nâng cao chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân có sản phẩm cần chú trọng nâng cao chất lượng bằng cách sản xuất đúng quy trình, quy định. Cùng với đó, tỉnh sẽ tập trung củng cố, nâng cấp và phát triển sản phẩm tham gia chương trình OCOP theo hướng gia tăng số lượng và nâng cao chất lượng, hoàn thiện mẫu mã bao bì sản phẩm. Mục tiêu phấn đấu có sản phẩm đạt 5 sao (đạt OCOP quốc gia). Hiện nay, trong số 26 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP chỉ 2 sản phẩm đạt hạng 4 sao (tổng điểm đạt từ 70 - 89/100 điểm), và 24 sản phẩm đạt hạng 3 sao (đạt từ 50 - 69/100 điểm). Theo Bộ tiêu chí OCOP quốc gia, việc xếp hạng sản phẩm căn cứ vào 3 tiêu chí là sản phẩm và sức mạnh cộng đồng, khả năng tiếp thị, chất lượng sản phẩm. Tiêu chí về chất lượng sản phẩm được đánh giá là quan trọng, chiếm 40 điểm. Các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm OCOP cần thiết gồm có: Chỉ tiêu cảm quan, dinh dưỡng, tính độc đáo của sản phẩm; tiêu chuẩn sản phẩm; khả năng xuất khẩu, phân phối tại thị trường quốc tế.
Để chuẩn hóa các sản phẩm lợi thế theo tiêu chí OCOP, tỉnh tích cực đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu, hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ về khoa học công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh của các cơ sở sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ cho các đơn vị đăng ký sử dụng mã vạch, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ; hỗ trợ thực hiện kiểm nghiệm sản phẩm, phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh, vi sinh vật; tư vấn, hỗ trợ các tổ chức kinh tế áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường chất lượng sản phẩm hàng hóa, áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm và đăng ký bảo vệ quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn hàng hóa... Đẩy mạnh việc mở rộng vùng nguyên liệu các sản phẩm OCOP. Hiện nay, trong 26 sản phẩm OCOP, chỉ có gạo Điện Biên và chè Tủa Chùa là hai sản phẩm có vùng nguyên liệu tương đối lớn và ổn định. Tuy nhiên, có thời điểm, các sản phẩm gạo chất lượng cao Điện Biên rơi vào tình trạng “cháy hàng”. Bên cạnh vùng nguyên liệu lớn thì năng lực sản xuất của các doanh nghiệp có sản phẩm OCOP cũng phải đáp ứng được sản xuất lớn. Đây là bài toán để các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường. Thực tế ở Điện Biên, phần lớn các doanh nghiệp, hợp tác xã có quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên khó có thể mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tạo đà cho các sản phẩm OCOP vươn xa, tỉnh đang đẩy mạnh công tác quảng bá thương hiệu, hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ về khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Từ năm 2019 đến nay, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh được tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, các hội chợ trong và ngoài nước. Ngoài ra, tỉnh cũng khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến bán hàng online bằng phương thức bán hàng đa kênh; tổ chức tập huấn “Ứng dụng video marketing và youtube vào hoạt động kinh doanh” cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh...