Chuyện về “Mỗi xã một sản phẩm” ở Điện Biên
- Thứ sáu - 08/05/2020 10:11
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thành công ngoài dự kiến
Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh Ðiện Biên Nguyễn Thanh Bình cho biết: Tính từ ngày UBND tỉnh ban hành Quyết định 1141/QÐ-UBND phê duyệt "Ðề án chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2018-2020, định hướng 2030" đến hết năm 2019 là vừa tròn 13 tháng, vậy mà chúng tôi đã hoàn thành cả "núi" việc. Bắt đầu từ khâu triển khai, tập huấn, thực hiện chu trình khảo sát, lựa chọn sản phẩm đề nghị UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, đều được các huyện và Văn phòng Ðiều phối tỉnh quan tâm thực hiện.
Do vậy, đến cuối năm 2019, số sản phẩm đăng ký và được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP của Ðiện Biên đều vượt ngoài kế hoạch dự kiến. Theo đồng chí Nguyễn Thanh Bình, năm 2019, Ðiện Biên chỉ dự kiến xây dựng thành công 11 sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn OCOP, song ngay sau khi triển khai có tới 32 sản phẩm đăng ký xét duyệt. Kết quả là 26 sản phẩm đạt chuẩn OCOP được Hội đồng tỉnh công nhận (vượt 15 sản phẩm so kế hoạch). Trong số 26 sản phẩm được công nhận, có 14 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 12 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống. Các huyện có sản phẩm được công nhận, gồm: Ðiện Biên, Tủa Chùa, Mường Ảng, Ðiện Biên Ðông…
Với kết quả sản phẩm được công nhận tiêu chuẩn OCOP đã đem lại luồng sinh khí mới cho các nhà đầu tư, bởi từ nay họ hoàn toàn tự tin đưa sản phẩm thế mạnh của Ðiện Biên như: chè shan tuyết Tủa Chùa, cà-phê Mường Ảng, mật ong Ðiện Biên và các sản phẩm gạo Ðiện Biên… hòa nhập thị trường tiêu dùng trong nước và quốc tế với các thông số, nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn rõ ràng. Ðề cập điều này, Giám đốc Công ty TNHH Hương Linh Ðiện Biên Nguyễn Mỹ Linh cho biết: Từ vùng nguyên liệu chè cây cao Tủa Chùa, công ty sản xuất thành ba dòng sản phẩm gồm trà xanh, hồng trà, bạch trà. Quá trình hoàn thiện thủ tục công nhận sản phẩm OCOP, công ty đã gửi hai mẫu sản phẩm (hồng trà, bạch trà) giới thiệu với một số khách hàng thân thiết ở Nhật Bản, Hàn Quốc thì nhận được phản hồi tốt, có đối tác đã đặt mua số lượng lớn nhưng công ty chỉ dám nhận lời với giao hẹn "chờ có chứng nhận sản phẩm OCOP mới xem xét ký hợp đồng". Do vậy, ngay khi nhận chứng nhận, công ty đã mạnh dạn đầu tư thêm để sản xuất và mở rộng thị trường.
Cũng mong muốn và dự định như vậy, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Ong mật Ðiện Biên Nguyễn Tiến Ðạt chỉ thật sự quyết tâm đầu tư vốn sản xuất các sản phẩm từ mật ong khi bắt đầu thực hiện các bước trong chu trình chứng nhận sản phẩm OCOP. Ông Nguyễn Tiến Ðạt cho biết: Trước đây, 100% sản phẩm mật ong của HTX đều bán thô cho lái buôn các tỉnh miền xuôi với giá 70.000 đồng/lít, song từ khi được hỗ trợ, chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, HTX mạnh dạn đầu tư thêm dây chuyền, mẫu mã để sản xuất thành bốn dòng sản phẩm, là: mật ong các loài hoa rừng, mật ong bánh tổ, phấn hoa và sữa ong chúa. "Giá trị các sản phẩm tăng gấp hai lần so với trước và quan trọng hơn là hầu hết khách hàng đã dùng sản phẩm đều trở lại với chúng tôi", ông Nguyễn Tiến Ðạt vui vẻ chia sẻ.
Tiếp sức thanh niên khởi nghiệp
Hài lòng với kết quả chương trình đạt được, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Ðiện Biên Bùi Minh Hải đánh giá: Ngoài hiệu quả về kinh tế với doanh thu năm 2019 của sản phẩm nhóm thực phẩm đạt 32,842 tỷ đồng, nhóm đồ uống đạt 12,579 tỷ đồng thì chương trình OCOP triển khai tại địa phương còn đem lại lợi ích nhiều mặt, trong đó không thể không đề cập vai trò là "đòn bẩy", tiếp sức cho nhiều thanh niên Ðiện Biên tự tin hơn khi khởi nghiệp. Như với Giám đốc Công ty TNHH Hương Linh Ðiện Biên Nguyễn Mỹ Linh, khi lựa chọn khởi nghiệp ở tuổi 22 đã không khỏi không lo lắng. Ðược sự hỗ trợ từ UBND huyện Tủa Chùa và các đơn vị chức năng, Mỹ Linh dần vượt qua khó khăn để tự tin hơn. Tâm sự về những ngày đầu khởi nghiệp, Nguyễn Mỹ Linh chia sẻ: Dùng toàn bộ số vốn là tiền tích cóp bao lâu của bố mẹ để đầu tư nguyên vật liệu, dây chuyền máy móc sản xuất ba sản phẩm chè, quả thật tôi rất lo lắng. Nhiều đêm tôi không tài nào chợp mắt được khi nghĩ về hàng tồn, thị trường khó. Nhưng nhờ được UBND huyện hỗ trợ về chính sách, được các cán bộ ở Phòng NN và PTNT huyện Tủa Chùa động viên, tôi đã vững tin hơn. Trong quá trình hoàn thiện thủ tục công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, tôi được Sở NN và PTNT tạo điều kiện cho đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở Lào Cai; được UBND huyện Tủa Chùa hỗ trợ đi học tập kinh nghiệm ở các tỉnh Hòa Bình, Quảng Ninh, Sơn La. "Thật mừng là cả ba sản phẩm Công ty Hương Linh đề nghị đều được công nhận sản phẩm OCOP đã giúp tôi thật sự tự tin bước tiếp trong kế hoạch khởi nghiệp", Nguyễn Mỹ Linh phấn khởi cho biết.
Khởi nghiệp trước Nguyễn Mỹ Linh, vậy nhưng chàng thanh niên Quản Bá Tới, Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp Thanh Yên (xã Thanh Yên, huyện Ðiện Biên), cũng không tránh khỏi những băn khoăn, lo lắng khi đứng trước kế hoạch đầu tư thêm cho thương hiệu gạo Ðiện Biên. Bởi lâu nay, dù có tiếng là hạt gạo dẻo thơm trên cánh đồng Mường Thanh, song hạt gạo Ðiện Biên lại "lận đận" khi tìm chỗ đứng trên thị trường, vì dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, gạo bị pha trộn nhiều loại kém chất lượng. Thấy rõ thực trạng ấy, cho nên Quản Bá Tới cứ đắn đo với kế hoạch đầu tư hay không đầu tư cho vùng trồng lúa để giữ gìn thương hiệu gạo Ðiện Biên? Thế rồi, được sự hỗ trợ của UBND huyện Ðiện Biên, tháng 6-2017, Quản Bá Tới mạnh dạn triển khai dự án cánh đồng mẫu lớn với diện tích 31 ha có sự tham gia của gần 100 hộ dân trên cánh đồng Thanh Yên. Sản xuất cùng một giống theo quy trình đồng bộ từ khi xuống giống, chăm sóc, bón phân đến khi thu hoạch đều tuân thủ đúng kỹ thuật cho nên gạo được sản xuất trên cánh đồng ấy mang tên chung "Gạo Tâm Sáng Ðiện Biên". Từ một sản phẩm ban đầu ấy, đến nay HTX dịch vụ Thanh Yên đã có thêm hai sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP là: Gạo Tâm Sáng tám thơm và Gạo Tâm Sáng séng cù, đã có mặt tại nhiều siêu thị lớn trong nước.
Thành công ban đầu của Mỹ Linh, Quản Bá Tới... là động lực giúp nhiều thanh niên ở các xã vùng cao biên giới như: Sín Chải (huyện Tủa Chùa), Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé), Nậm Nèn, Pa Ham (huyện Mường Chà), Pú Hồng (Ðiện Biên Ðông)… mạnh dạn đăng ký chứng nhận sản phẩm OCOP trên bước đường thực hiện ước mơ khởi nghiệp của mình.
Với mục tiêu đưa OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng của tỉnh, tăng sức cạnh tranh các sản phẩm OCOP của địa phương trên thị trường, nâng cao thu nhập, đời sống người dân, năm 2020, UBND tỉnh Ðiện Biên quyết định dành bảy tỷ đồng để hỗ trợ triển khai chương trình. Theo đó, ngoài hỗ trợ phát triển thêm ít nhất 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, nguồn kinh phí nêu trên sẽ được dùng hỗ trợ hoàn thiện tem nhãn, mẫu mã bao bì, truy xuất nguồn gốc, công bố chất lượng, xúc tiến thương mại cho các đơn vị có sản phẩm đã được công nhận OCOP. Trao đổi về các phần việc trong thời gian tới, Giám đốc Sở NN và PTNT Ðiện Biên Bùi Minh Hải cho biết: Thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao, Sở sẽ tập trung đôn đốc, kiểm tra, giám sát các đơn vị, địa phương thực hiện nội dung, chương trình Ðề án OCOP theo đúng kế hoạch. Ðể hỗ trợ các địa phương lựa chọn, đánh giá sản phẩm bảo đảm theo kế hoạch UBND tỉnh giao là "mỗi huyện lựa chọn một hoặc hai sản phẩm lợi thế hoàn thiện thủ tục công nhận", Sở sẽ giao trách nhiệm cụ thể cán bộ hướng dẫn các huyện xác định sản phẩm, nhóm sản phẩm có lợi thế; cùng với đó là hướng dẫn về thủ tục, đánh giá chất lượng sản xuất, an toàn cho sản phẩm. Quá trình thực hiện cụ thể, Sở sẽ tham mưu, đề xuất điều chỉnh chương trình sao cho phù hợp giữa các huyện, các vùng và phù hợp trong tổng thể chương trình đề án của tỉnh đến năm 2030 để có hiệu quả, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương.