Ứng dụng khoa học công nghệ nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo
- Thứ ba - 08/06/2021 08:08
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nằm trong con phố 24, phường Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ), Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Loan Nhẹ là cơ sở duy nhất hiện nay tại Điện Biên nhận chuyển giao công nghệ Hàn Quốc và nuôi thành công nấm Đông trùng hạ thảo. Cơ duyên đưa giống đông dược này về Điện Biên bắt đầu từ năm 2015, khi anh Nguyễn Hữu Tuấn Dũng tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học, Đại học Đà Lạt.
“Năm 2012, khi còn ngồi trên ghế giảng đường, tôi đã cùng các học viên trong trường nghiên cứu và nuôi trồng thành công loại nấm này. Có kiến thức trong tay, trở về Điện Biên tôi trình bày ý tưởng đầu tư cơ sở sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo và thuyết phục bố mẹ giúp đỡ. Sau khi đắn đo, gia đình tôi đã quyết định dồn hết vốn liếng tích góp được hơn 3 tỷ đồng để quyết tâm thực hiện” - anh Dũng cho biết.
Những ngày đầu gặp không ít khó khăn, do đông trùng hạ thảo là giống “nửa cây, nửa con” nên việc nuôi trồng khá phức tạp. Chỉ cần phát hiện một hộp bị nhiễm khuẩn là phải cách ly ngay nếu không chúng sẽ lây bệnh rất nhanh. Kỹ thuật nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo gồm các bước: Nuôi sợi, tạo quả thể nấm, nuôi quả thể nấm và thu hoạch, chế biến, bảo quản nấm. Nấm Đông trùng hạ thảo được nuôi dưỡng trong môi trường có các yếu tố không khí, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng được điều khiển hoàn toàn tự động theo chương trình đã được lập trình. Phải theo dõi, chăm sóc tuân thủ quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt và vô trùng hoàn toàn. Sau 60 ngày nuôi dưỡng thì nấm cho thu hoạch.
Với sự quyết tâm, kiên trì và qua nhiều lần rút kinh nghiệm, từ cơ sở nuôi nấm quy mô nhỏ lẻ ban đầu, đến nay gia đình anh Dũng đã mở rộng sản xuất, thành lập Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Loan Nhẹ, duy trì việc làm ổn định cho 10 nhân công, với mức lương bình quân từ 6 - 7,5 triệu đồng/tháng.
Là một trong những công nhân gắn bó với Công ty, chị Lò Thị Thân, xã Búng Lao (huyện Mường Ảng) cho biết: “Trước đây, tôi phải đi làm phụ vữa cho thợ xây nhiều nơi nhưng thu nhập không ổn định, công việc cũng không thường xuyên nên cuộc sống khó khăn. Từ ngày được nhận vào làm tại công ty, tôi yên tâm hơn hẳn vì có thu nhập ổn định. Mức lương khởi đầu là 5 triệu đồng/tháng, sau khi quen việc, được tăng lên 7 triệu đồng. Thời gian qua, nhiều lao động ở các nơi khác chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song công việc và thu nhập của tôi vẫn được đảm bảo”.
Hiện tại, ở Điện Biên mới có duy nhất Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Loan Nhẹ nuôi thành công nấm Đông trùng hạ thảo. Bà Nguyễn Thị Loan, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Khí hậu Điện Biên rất phù hợp nuôi loại nấm này, nhất là vào mùa đông thời tiết lạnh, nhiệt độ từ dưới 18 độ C trở xuống là điều kiện lý tưởng. Hơn nữa, Điện Biên là vùng dễ tìm và phát triển nguyên liệu tự nhiên, sạch 100%, sản phẩm được thị trường ưa chuộng.
Cho đến nay, Công ty đã mở các đại lý tại 8 tỉnh, thành phố trên cả nước, như: Sa Pa, Đà Nẵng, Đắk Nông, Đăk Lắk, Bình Dương, Hải Dương, Hà Nội, Nam Định. Mỗi năm cơ sở tiêu thụ trên 1 tạ Đông trùng hạ thảo khô; 10 vạn hũ tươi; 10 nghìn lít rượu ngâm Đông trùng hạ thảo và hơn 1.000 bình mật ong Đông trùng hạ thảo; doanh thu trên 5 tỷ đồng/năm.
Sản xuất Đông trùng hạ thảo ứng dụng kỹ thuật liên quan đến công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, trong đó công nghệ sinh học tạo ra sợi nấm còn công nghệ thực phẩm sẽ chế biến sợi nấm thành sản phẩm khác. Theo bà Loan thì hiện nay cơ sở mới dừng lại ở sản phẩm dạng sơ chế như: Đông trùng hạ thảo tươi, Đông trùng hạ thảo sấy khô, Đông trùng hạ thảo ngâm rượu, Đông trùng hạ thảo ngâm mật ong. “Dù sản phẩm tốt, được cơ quan chức năng, người tiêu dùng đánh giá cao, song mới chỉ đạt tiêu chuẩn 3 sao do chưa đảm bảo về quy mô, diện tích, nhân lực... Chính vì vậy, muốn nâng cao vị thế của sản phẩm lên đúng tầm, thì cần thêm nguồn lực để tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ, cũng như cơ chế, chính sách và sự quan tâm hơn từ các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương” - bà Loan cho biết.