Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Điện Biên

http://nongthonmoi.dienbien.gov.vn


Phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp tổng hợp

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã và đang hình thành một số mô hình sản xuất nông nghiệp tổng hợp; trồng cây ăn quả, rau, chăn nuôi với quy mô tương đối lớn theo chuỗi liên kết, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ... Việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa đã mang lại thu nhập ổn định cho người sản xuất, góp phần thúc đẩy ngành Nông nghiệp của tỉnh phát triển bền vững.
Trang trại tổng hợp của ông Nguyễn Phú Đỏ, xã Thanh Yên (huyện Điện Biên).

Với diện tích 3,7ha, được sự tư vấn, hỗ trợ của cán bộ Trung tâm Khuyến nông và Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh, ông Nguyễn Phú Đỏ, chủ trang trại tổng hợp ở xã Thanh Yên (huyện Điện Biên) đã chuyển đổi diện tích sang trồng các loại cây ăn quả, rau xanh, kết hợp chăn nuôi lợn sinh học chất lượng cao. Mỗi năm, trang trại của ông cung cấp cho thị trường hơn 50 tấn hoa quả các loại, doanh thu ước đạt khoảng 300 triệu đồng/tháng và tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 công nhân. Với việc đầu tư xây dựng hệ thống Siêu thị Tâm Đỏ, ông Đỏ tạo thành chuỗi sản xuất và tiêu thụ khép kín. Các sản phẩm tại trang trại được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, sau khi thu hoạch được đưa lên kệ hàng siêu thị phục vụ người tiêu dùng. Mặc dù là nông sản sạch, trồng và chăm sóc theo yêu cầu kỹ thuật cao nhưng giá không cao hơn so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường theo phương thức canh tác bình thường.

Không chỉ trường hợp ông Nguyễn Phú Đỏ, việc chuyển đổi từ mô hình trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ sang phát triển theo quy mô sản xuất nông nghiệp tổng hợp đã mang lại hiệu quả kinh tế và nâng cao thu nhập cho nhiều nông hộ. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 300 hộ nông dân phát triển kinh tế theo mô hình sản xuất nông nghiệp tổng hợp, trang trại có quy mô lớn. Tiêu biểu như mô hình nuôi cá, gia cầm của ông Nguyễn Mạnh Toàn (bản Na Púng, phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ) cho thu nhập 450 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên, 25 lao động thời vụ với thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng; mô hình trồng bưởi, nuôi cá, trồng rừng của anh Lò Văn Oai (bản Hoong Lếch Cang, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên) cho thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm; mô hình chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá của ông Lường Ngọc Ký (bản Cha Nọ, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng) cho thu nhập từ 1 - 1,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 3 - 4 lao động với mức lương từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng; mô hình trồng cây ăn quả, rau, nuôi cá của anh Nguyễn Đình Phóng (xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên) cho thu nhập 400 triệu đồng/năm...

Để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp tổng hợp, tái cơ cấu ngành, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, mục tiêu chủ yếu giai đoạn 2021 - 2025 là tập trung đẩy mạnh phát triển toàn diện sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tăng cường khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Đặc biệt là nâng cao chất lượng lúa gạo đặc sản theo hướng cánh đồng lớn; phát triển cây ăn quả đặc sản, lợi thế, gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê), bảo vệ tốt diện tích có rừng và đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp (mắc ca, dược liệu, trồng rừng sản xuất, trồng cây gỗ lớn đa tác dụng, cây lâm sản ngoài gỗ).

Với những hiệu quả trong thời gian qua, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp tổng hợp, phát triển mô hình kinh tế gia trại, trang trại đang trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp nói riêng, kinh tế - xã hội nói chung của địa phương. Không chỉ tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa chủng loại cây trồng, vật nuôi, đáp ứng nhu cầu thị trường mà còn thay đổi tư duy sản xuất của người dân.



 

Nguồn tin: Bài, ảnh: Đức Kiên

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây