Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Điện Biên

http://nongthonmoi.dienbien.gov.vn


Mô hình vỗ béo trâu thịt ở vùng cao

Đề án Phát triển đàn gia súc vùng đồng bào dân tộc thiểu số được ngành Nông nghiệp triển khai trong đó, đề cao vai trò kinh nghiệm, chăn thả mang yếu tố bản sắc văn hóa, tập tục của vùng miền. Góp phần từng bước đưa phát triển chăn nuôi đại gia súc thành một mặt hàng tạo giá trị hàng hóa, vùng nguyên liệu dồi dào, an toàn và bền vững tiến tới phát triển nhanh chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê) theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị, có thị trường tiêu thụ ổn định, có sức cạnh tranh cao, có hiệu quả và phát triển bền vững; trở thành ngành sản xuất chủ lực của tỉnh cung cấp trâu, bò, dê giống; trâu, bò, dê thịt có năng suất, chất lượng; cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm cho nhu cầu trong tỉnh và các tỉnh bạn. Đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho người chăn nuôi, đảm bảo an sinh xã hội, tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái góp phần xóa đói, giảm nghèo, thực hiện thành công kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Chị Vừ Thị Thào, bản Tìa Ghênh C, xã Keo Lôm (huyện Điện Biên Đông)chăm sóc trâu.

Xuất phát từ mục tiêu đó, từ nguồn kinh phí khuyến nông trung ương. Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi Điện Biên thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình vỗ béo trâu thịt và xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học” giai đoạn 2021 - 2023 quy mô 68 con trâu tại 2 xã Pu Nhi, Keo Lôm (huyện Điện Biên Đông) với 40 hộ tham gia.

Ngay từ bước đầu khảo sát cho thấy, dự án phù hợp nhu cầu người dân do đó công tác triển khai thuận lợi, minh bạch, được người dân ủng hộ. Bà con tham gia dự án được tập huấn, hướng dẫn, chỉ đạo theo dõi mô hình, hỗ trợ vật tư; vật tư hỗ trợ cho dân tới tay người dân đúng số lượng, chất lượng dự án yêu cầu, quản lý sử dụng hiệu quả tốt.

Sau 6 tháng triển khai mô hình đã cho kết quả đáp ứng mục tiêu dự án đề ra. Đối với trâu loại thải vỗ béo trong mô hình cao hơn ngoài mô hình: 17,8%; đối với trâu thịt vỗ béo trong mô hình cao hơn ngoài mô hình 21,9%; bình quân chung 19,85%. Hiệu quả kinh tế nuôi trâu vỗ béo tăng hơn 19,85%. Do đó các hộ dân tham gia mô hình rất yên tâm phấn khởi và mong muốn tiếp tục nhân rộng mô hình. Được hướng dẫn biện pháp quy trình vỗ béo, đúng kỹ thuật nên đã tạo ra đàn trâu có chất lượng tốt, tăng giá bán, nâng cao hiệu quả chăn nuôi, tận dụng được nguồn lao động phụ, tạo việc làm để mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Đặc biệt thông qua mô hình bước đầu thay đổi nhận thức của nhân dân và hình thành nghề vỗ béo trâu, bò để giết mổ thịt tạo thu nhập ổn định, góp phần tăng hiệu quả chăn nuôi, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới bền vững.



 

Nguồn tin: Bài, ảnh: Hoàng Khắc Tân (Trung tâm Khuyến nông và giống cây trồng, vật nuôi tỉnh)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây