Liên kết sản xuất, nâng cao giá trị nông sản
- Thứ ba - 15/09/2020 09:38
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhận thấy lúa gạo Điện Biên nổi tiếng thơm ngon song giá trị kinh tế chưa đem lại như mong muốn, người nông dân một nắng hai sương trên đồng ruộng nhưng giá trị sản xuất trên đơn vị canh tác không cao. Vì thế HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên xác định hướng đi ngay sau khi thành lập đó là sản xuất lúa gạo chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Điện Biên, trong đó nòng cốt sản xuất ở huyện Điện Biên. Với các chính sách hỗ trợ của tỉnh, năm 2017 HTX triển khai thực hiện thí điểm dự án “Cánh đồng lớn” liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao quy mô 31ha với 80 hộ tham gia. Để nông dân yên tâm tham gia liên kết, HTX hỗ trợ bà con 100% về giống, vật tư, thuốc bảo vệ thực vật; hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lúa an toàn và được bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cả ổn định, luôn cao hơn giá thị trường. Cùng với đó HTX tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cơ giới hóa trên đồng ruộng từ làm đất cấy bằng máy, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp giải phóng sức lao động, góp phần giảm chi phí tăng thu nhập cho nông dân. Vụ liên kết sản xuất đầu tiên suôn sẻ thắng lợi, nông dân phấn khởi; năm 2018 HTX mở rộng quy mô liên kết sản xuất lúa 120ha và năm 2019 tăng lên 150ha.
Anh Quản Bá Tới, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên tâm sự: Trăn trở lớn nhất của anh cũng như thành viên HTX đó là làm sao để giữ gìn và đưa đặc sản gạo Điện Biên tới được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết và sử dụng. Bởi thực tế sản phẩm gạo Điện Biên chưa được phân phối tiêu thụ theo thương hiệu cụ thể và chưa được tập trung sản xuất theo chuỗi giá trị nên lợi nhuận không cao dù năng suất và chất lượng sản phẩm thơm ngon vượt trội. Bên cạnh đó một bộ phận tiểu thương vì lợi nhuận trà trộn các loại gạo nên người tiêu dùng không thể phân biệt và nhận diện. HTX mong muốn tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo Điện Biên có chỗ đứng trên thị trường bằng cách xây dựng thương hiệu gạo Tâm sáng. Gạo được sản xuất theo chuỗi liên kết, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm được đóng tem truy xuất nguồn gốc (mã QR) và được quảng bá, giới thiệu trên hệ thống phân phối khắp các tỉnh miền Bắc. Đặc biệt là có mặt trong các chuỗi siêu thị lớn uy tín ở thị trường Hà Nội, như: Vinmart, Bigo… được người tiêu dùng đón nhận và tin tưởng sử dụng.
Hướng liên kết sản xuất, nâng cao giá trị nông sản và chia sẻ lợi ích với nông dân của HTX đã và đang được đông đảo nông dân trên địa bàn đồng thuận ủng hộ. Số hộ tham gia liên kết sản xuất ngày càng nhiều hơn, đến nay số thành viên góp vốn tăng lên 22 người và 230 thành viên liên kết sản xuất thay vì chỉ với 8 thành viên chủ chốt khi HTX mới thành lập. Tổng doanh thu năm 2019 của HTX đạt 9,36 tỷ đồng, lợi nhuận 200 triệu đồng. Hoạt động liên kết sản xuất lúa gạo Điện Biên của HTX không chỉ giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm lúa gạo, tăng giá trị kinh tế trên đơn vị canh tác; mà còn tạo việc làm ổn định cho 18 lao động thường xuyên được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, các chính sách khác theo quy định và khoảng 50 lao động thời vụ.
Chia sẻ với chúng tôi hướng đi của HTX trong thời gian tới, anh Quản Bá Tới cho biết, HTX sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sơ chế, chế biến bảo quản sản phẩm; xây dựng thương hiệu và kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm theo thương hiệu gạo Tâm Sáng; áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trong sản xuất để giảm thiểu sâu bệnh hại, cung ứng vật tư cho nông dân… nhằm giảm giá thành đầu vào sản xuất. Với quan điểm nông dân liên kết sản xuất là nhân tố quan trọng duy trì đồng hành giúp HTX phát triển bền vững, vì vậy HTX luôn cùng nông dân sản xuất, chia sẻ lợi nhuận đôi bên cùng có lợi, đưa thương hiệu gạo Tâm Sáng đi xa hơn, rộng khắp hơn.