Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Điện Biên

http://nongthonmoi.dienbien.gov.vn


Hiệu quả mô hình chăn nuôi bò sinh sản thâm canh

Nhằm chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản thâm canh đến các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển quy mô, phương thức chăn nuôi. Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh đã triển khai mô hình chăn nuôi bò sinh sản thâm canh tại huyện Ðiện Biên. Sau 18 tháng triển khai, mô hình bước đầu đem lại hiệu quả, giúp phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.
Ông Nguyễn Bảo Duân, thôn 7, xã Pom Lót (huyện Ðiện Biên) chăm sóc bò sinh sản thâm canh.

Trước đây, tại xã Pom Lót (huyện Ðiện Biên) hầu hết người dân đều chăn nuôi bò theo lối chăn thả tự nhiên. Ðể phát triển kinh tế, nhiều diện tích đồng cỏ ngày càng thu hẹp dẫn đến thiếu hụt nguồn thức ăn cho vật nuôi. Ngoài ra, do người dân chăn nuôi bò theo tập quán thả rông nên không thể quản lý được tổng đàn, chất lượng đàn bò cũng không giám sát được. Cùng với tác động của thời tiết nên vật nuôi dễ nhiễm dịch bệnh, lây lan, bùng phát rất khó kiểm soát, gây thiệt hại đáng kể cho người nuôi.

Ðể thay đổi nhận thức của người dân, tạo thu nhập ổn định, tăng hiệu quả chăn nuôi trên địa bàn xã. Mô hình chăn nuôi bò sinh sản thâm canh được Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh triển khai thực hiện trong 2 năm (2019 - 2020), quy mô 15 con, 15 hộ tham gia với nguồn kinh phí khuyến nông hơn 298 triệu, nông dân đóng góp hơn 235 triệu. Mô hình được hỗ trợ 80% con giống (giống bò lai Zebu trọng lượng từ 200kg - 230kg); 50% thức ăn hỗn hợp cho các hộ tham gia mô hình (tổng khối lượng thức ăn hỗn hợp của mô hình là 1.800kg) và 50% thuốc thú y. Nhằm giúp các hộ nắm vững quy trình, kỹ thuật mới về chăn nuôi bò sinh sản thâm canh theo hướng bền vững, đảm bảo vệ sinh môi trường, Trung tâm đã tổ chức tập huấn kỹ thuật; cử cán bộ kỹ thuật phụ trách mô hình cấp phát vật tư, thuốc thú y, hướng dẫn cách tẩy nội ngoại ký sinh.

Chị Nguyễn Thị Thanh, thôn 3, xã Pom Lót là 1 trong 15 hộ được nhận chăn nuôi bò sinh sản. Do gia đình có truyền thống chăn nuôi từ lâu nên khi được chọn, gia đình chị Thanh như được tiếp thêm động lực, quyết tâm thực hiện tốt để phát triển kinh tế. Sau gần 2 năm, con bò cái đã sinh được 2 bê con. Cũng như chị Thanh, ông Nguyễn Bảo Duân, thôn 7, xã Pom Lót rất phấn khởi khi con bò của gia đình đang chuẩn bị sinh con bê thứ 2. Chia sẻ với chúng tôi, ông Duân cho biết: “Ðể bò sinh sản phát triển tốt, tôi chú trọng vệ sinh chuồng trại, vệ sinh thú y và tiêm vắcxin phòng bệnh cho bò. Ngoài ra, tôi làm 500m2 vườn để trồng cỏ voi làm thức ăn”. Ðược biết, sau tết Nguyên đán Tân Sửu vừa qua, ông Duân đã bán con bê đầu tiên, thu được 12 triệu đồng. Từ số tiền trên, ông Duân có thêm nguồn vốn để phát triển kinh tế, có nguồn thu nhập ổn định.

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi, các hộ tham gia mô hình nuôi bò sinh sản thâm canh ở xã Pom Lót đều thực hiện đúng quy trình hướng dẫn chăn nuôi bò sinh sản, ghi chép đầy đủ quá trình chăm sóc, tình hình sinh trưởng, sinh sản và diễn biến dịch bệnh của bò để làm cơ sở kinh nghiệm và hạch toán kinh tế trong chăn nuôi. Do đó, cả 15 con bò đều sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, tỷ lệ nuôi sống bê con đến 6 tháng tuổi đạt 100%... Về hiệu quả kinh tế, mỗi con bò trong 18 tháng chăn nuôi sinh sản ước đạt 5.935.000 đồng, trong đó đã hạch toán chi phí công chăm sóc của người chăn nuôi. Từ kết quả khả quan trên, chính quyền địa phương và các hộ dân tham gia mô hình nuôi bò sinh sản phấn khởi, bởi những lợi ích thiết thực mà mô hình mang lại.

Ông Mai Văn Nam, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh cho biết: Mô hình nuôi bò sinh sản thâm canh được đánh giá là thành công dựa trên việc thực hiện các hạng mục và chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật. Bước đầu mô hình đạt những kết quả nhất định: Góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi gây ra; tận dụng được nguồn phân bón hữu cơ chất lượng tốt phục vụ cho cây trồng; quản lý tốt dịch bệnh, tạo ra sản phẩm chất lượng; tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con nông dân. Mô hình phù hợp với xu hướng phát triển chăn nuôi bò hiện nay và định hướng ngành chăn nuôi bò theo hướng bền vững. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục thực hiện mô hình này nhằm giúp nông dân nắm vững quy trình chăn nuôi bò sinh sản thâm canh để phát triển kinh tế, đồng thời kế thừa thành tựu của chương trình cải tạo đàn bò,  nâng cao tỷ trọng, giá trị chăn nuôi, góp phần thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp đạt hiệu quả.


 

Nguồn tin: Bài, ảnh: Minh Thảo

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây