Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Điện Biên

http://nongthonmoi.dienbien.gov.vn


Vàng Đán chuyển đổi đất nương kém hiệu quả sang trồng sả

Thời gian gần đây, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Vàng Đán, huyện Nậm Pồ đã đưa cây sả - loại cây vừa là gia vị, vừa là dược liệu vào trồng trên diện tích lớn để chiết xuất tinh dầu. Đây không phải là cây trồng mới nhưng đã giúp phá vỡ thế độc canh lúa nương, chuyển đổi được diện tích đất kém hiệu quả, mang lại nguồn thu cao hơn cho người dân nơi đây.
Người dân bản Ham Xoong 2, xã Vàng Đán chăm sóc vườn sả.

Sả là loại gia vị khá phổ biến trong cuộc sống hàng ngày nhưng được trồng trên diện tích lớn, thu hoạch lá để chiết xuất tinh dầu thì người dân bản Huổi Dạo là những người đầu tiên thử nghiệm ở xã Vàng Đán. Anh Giàng A Chư, một trong số những người tiên phong đưa cây sả về Huổi Dạo chia sẻ: Từ bao đời nay, người Mông ở Huổi Dạo vẫn trồng lúa trên nương, phụ thuộc chủ yếu vào tự nhiên, đất lại ngày càng bạc màu, nên năng suất không ổn định; có năm được mùa, nhưng cũng không ít năm mất mùa. Qua một lần đi thăm người thân bên huyện Mường Tè và huyện Mường Nhé, thấy mô hình trồng sả lấy tinh dầu hiệu quả, tôi quyết tâm mang về để thử nghiệm. Tôi đã đầu tư ban đầu hơn 24 triệu đồng (10 triệu tiền giống, 14 triệu mua bộ nồi hơi) từ nguồn vốn tích lũy để mua giống cây sả từ huyện Mường Nhé và huyện Mường Tè (Lai Châu) về trồng. Từ ngày đầu tư để trồng sả lấy tinh dầu, nhờ nắm được phương thức, quy trình trồng, chăm sóc, nên cây sinh trưởng, phát triển tốt. Bởi đây là loại cây rất dễ trồng, không kén đất, tốn ít công chăm sóc, ít bị dịch bệnh, có thể trồng được cả trên vùng đất đã bạc màu. Giống chỉ mua một lần và sử dụng lâu dài. Từ thử nghiệp thành công ban đầu, gia đình tôi đã mở rộng diện tích lên 2ha. Hiện nay, mỗi tháng một lần tôi cắt lá để chưng cất, cho ra từ 60 - 90 lít tinh dầu. Với giá bán như hiện nay, trung bình mỗi năm trừ chi phí, gia đình tôi thu được khoảng 100 - 120 triệu đồng. Với gia đình tôi đây không chỉ là sinh kế mới, mà còn mở ra hướng phát triển kinh tế hộ lâu dài giúp nâng cao thu nhập cho gia đình bền vững.

Được biết, cây sả “bén rễ” đất Vàng Đán từ cuối năm 2018, đầu 2019 bắt đầu từ một vài hộ ở bản Huổi Dạo và Ham Xoong 2. Từ đó đến nay, 6/7 bản của xã đều có hộ chuyển đổi đất nương kém hiệu quả sang trồng sả. Ông Giàng A Cáng, Phó Chủ tịch UBND xã Vàng Đán cho biết: Hiện xã có khoảng 15 hộ trồng trên 20ha sả để chưng cất lấy tinh dầu. Thực tế cho thấy, mô hình trồng sả dược liệu phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương (dễ trồng, không phải chăm sóc nhiều, có thể trồng ở mọi chỗ mọi nơi: Trên đất dốc, đất bạc màu, trong vườn nhà và thậm chí người dân trồng cả ở ven đường, ven suối...). Người dân chỉ phải đầu tư trồng một lần, rồi lúc thu hoạch thì cắt lá, sau đó cây lại tiếp tục phát triển và cho thu hoạch. Hơn nữa, cùng trên 1 diện tích đó, cây sả cho thu hoạch được 3 vụ trở lên/năm, cao hơn nhiều so với lúa nương chỉ có 1 vụ. Tuy nhiên, trên thực tế người dân ở các bản mới chỉ trồng sả đơn thuần, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, nên sản lượng tinh dầu chiết suất chưa cao. Mặt khác, thị trường đầu ra, giá bán cũng là vấn đề trăn trở cần bàn tới. Mặc dù thị trường đầu ra vào thời điểm này vẫn khá ổn định, nhưng phụ thuộc nhiều vào thị trường nước ngoài, tại các cửa khẩu lối mở của Mường Nhé, Mường Tè. Giá bán cũng đang có sự dao động đáng kể từ 200 - 300 nghìn đồng/lít, thấp hơn nhiều so với ngày người dân mới bắt đầu trồng sả. Để người dân có thể yên tâm mở rộng diện tích, rất cần tìm được thêm đầu ra có tính ổn định, bền vững, đảm bảo được giá thành sản phẩm. Chính vì vậy, chính quyền xã cũng tuyên truyền tới người dân hết sức thận trọng trong việc tiếp tục mở rộng diện tích trồng sả.



 

Nguồn tin: Bài, ảnh: Diệp Chi

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây