Thu hút đầu tư vào nông nghiệp
- Thứ hai - 12/07/2021 08:38
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ông Nguyễn Phi Sông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh có 1 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được cấp chủ trương đầu tư và 1 dự án được cấp quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư. Để tăng cường thu hút đầu tư, thời gian tới tỉnh ta tiếp tục thực hiện tốt các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp đã ban hành. Đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới một số cơ chế, chính sách, nhất là chính sách về sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đầu tư hạ tầng thiết yếu... theo hướng thông thoáng, thủ tục đơn giản, dễ kiểm tra, dễ thực hiện. Triển khai thực hiện Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, UBND tỉnh cụ thể hóa bằng Quyết định số 42/2019/QĐ-UBND ngày 9/12/2019 về Ban hành định mức hỗ trợ từng loại dự án, hạng mục, công trình đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý đầu tư, trong đó tập trung thực hiện đề án cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” ở các cơ quan, đơn vị liên quan đến giải quyết các thủ tục đầu tư, giải ngân, quyết toán vốn. Đặc biệt, tỉnh đã tăng cường tham vấn, trao đổi, đối thoại giữa chính quyền với cộng đồng doanh nghiệp để tạo đồng thuận.
Là huyện cửa ngõ của tỉnh, Tuần Giáo có tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp như: Quỹ đất sản xuất lớn; thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với nhiều loại cây trồng; nguồn lao động dồi dào… Huyện Tuần Giáo có lợi thế về giao thông thuận tiện, đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách nhằm thu hút, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ đó, kinh tế nông nghiệp của huyện đã có những thay đổi tích cực, từng bước chuyển dịch từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn Tuần Giáo để đầu tư phát triển các dự án nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao như: Công ty Cổ phần Mắc ca Điện Biên đã trồng 1.400ha cây mắc ca, trong đó một số diện tích trồng năm 2016, 2017 đã cho thu hoạch; Công ty TNHH Sơn Hạnh đầu tư nuôi cá hồi, cá tầm tại xã Tênh Phông đến nay có tổng diện tích mặt nước khoảng 1.000m2; Công ty Cổ phần chăn nuôi U Va Điện Biên, Công ty Cổ phần cà phê Hồng Kỳ Quốc Tế và hàng chục dự án trồng cây ăn quả theo hướng liên kết sản xuất bền vững đã đầu tư vào địa bàn...
Bà Phạm Thị Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: Hiện nay, huyện Tuần Giáo có nhiều diện tích đất nông nghiệp, đất lúa một vụ người dân có nhu cầu chuyển đổi sang trồng cây có giá trị kinh tế cao. Đây là điều kiện thuận lợi để huyện Tuần Giáo thu hút đầu tư từ doanh nghiệp, hợp tác xã triển khai các dự án nông nghiệp trên địa bàn. Vừa qua, Tập đoàn An Phước chuyên trồng, chế biến sản phẩm cây gai xanh đã khảo sát về điều kiện đất đai, khí hậu và các cơ chế chính sách của huyện, của tỉnh để tiến hành đầu tư dự án trồng cây gai xanh trên địa bàn huyện. Dự kiến 6 tháng cuối năm 2021, Tập đoàn An Phước sẽ trồng thử nghiệm 8ha cây gai xanh tại xã Mường Thín. Mô hình thí điểm thành công, huyện Tuần Giáo và Tập đoàn An Phước sẽ thống nhất mở rộng quy mô dự án tại các xã trên địa bàn. Năm nay, Công ty Cổ phần Mắc ca Điện Biên sẽ đầu tư trồng thêm 350ha mắc ca và dự kiến trong tương lai, Công ty sẽ phát triển vườn cây mắc ca lên tổng diện tích 8.000ha. Bên cạnh đó, Tập đoàn TH cũng đang khảo sát và xin chủ trương đầu tư dự án trồng cây mắc ca công nghệ cao trên địa bàn huyện với quy mô 10.000ha. Giai đoạn 2018 - 2020, toàn huyện đã phát triển chuỗi cây ăn quả với tổng diện tích 350ha trên địa bàn 17 xã. Đây là những dự án liên kết sản xuất. Đến nay, một số diện tích cây ăn quả tại các xã: Pú Nhung và Quài Nưa đã cho thu hoạch và bán cho đơn vị bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng liên kết. Theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, đến năm 2025 toàn huyện có 1.000ha cây ăn quả theo chuỗi liên kết. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, huyện Tuần Giáo đã có chủ trương thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư xây dựng tổ hợp buôn bán, giết mổ tập trung tại xã Quài Tở.
Bên cạnh thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, hợp tác xã mới, UBND tỉnh cũng tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, dự án đã và đang đầu tư trên địa bàn. Điển hình như, Dự án Trồng mắc ca kết hợp với trồng rừng, dược liệu và xây dựng khu chế biến sản phẩm tại xã Phu Luông (huyện Điện Biên) do Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại và Đầu tư Phú Thịnh thực hiện. Đến nay dự án đã trồng được 250ha cây mắc ca, dự kiến đến hết tháng 8/2021 sẽ trồng trên 400ha. Tuy nhiên quá trình thực hiện dự án, nhà đầu tư gặp một số khó khăn như: Người dân một số bản chưa đồng thuận nên ngăn cản công ty thực hiện dự án; thủ tục xin thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp và người dân phức tạp, mất nhiều thời gian khiến dự án chậm tiến độ. Trước thực trạng đó, ngày 2/7 vừa qua, đoàn công tác của UBND tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra thực địa dự án, chỉ đạo UBND xã Phu Luông, huyện Điện Biên và các cơ quan liên quan triển khai các giải pháp, sớm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai dự án. Trong đó yêu cầu UBND xã Phu Luông tích cực phối hợp với Công ty Phú Thịnh tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được lợi ích của việc phát triển các dự án mắc ca trên địa bàn xã, từ đó người dân đồng thuận, tạo điều kiện để nhà đầu tư thực hiện. UBND xã phải có trách nhiệm, sát sao hơn nữa trong việc giải quyết các kiến nghị, đề xuất của công ty; nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo kịp thời UBND huyện, UBND tỉnh. Đối với UBND huyện Điện Biên cần chỉ đạo các phòng, cơ quan liên quan rà soát, khẩn trương tháo gỡ khó khăn về thủ tục xin thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp và người dân vùng dự án.