Thanh Hưng chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả
- Thứ năm - 27/05/2021 14:34
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Gia đình chị Nguyễn Thị Thắm, đội 1, xã Thanh Hưng có 2.000m2 trồng các loại rau: xà lách, mồng tơi, rau dền, rau gia vị... Chị Thắm cho biết: “Trước đây, phần lớn diện tích là vườn tạp. Những năm gần đây, thực hiện cuộc vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng của UBND xã, gia đình tôi đã cải tạo vườn tạp chuyển sang trồng rau xanh. Thu nhập từ trồng rau ước đạt 30 - 45 triệu đồng/năm”.
Cây vú sữa đã được trồng ở xã Thanh Hưng từ cách đây hơn 10 năm. Nhận thấy cây vú sữa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, quả to, đẹp, thơm ngon năm 2018, UBND xã Thanh Hưng đã lựa chọn vú sữa để xây dựng thành sản phẩm đặc trưng của xã. Từ năm 2018 đến nay, toàn xã đã mở rộng thêm được 9ha trồng vú sữa, nâng tổng diện tích cây vú sữa lên khoảng 17ha.
Gia đình ông Phạm Văn Phú, đội 5 hiện đang sở hữu nhiều cây vú sữa nhất nhì xã Thanh Hưng. Ông Phú cho biết: “Cây vú sữa được gia đình tôi mang giống từ Thái Bình lên trồng, ban đầu chỉ trồng 2 - 3 cây, nhưng thấy cây phát triển tốt, cho nhiều quả, bán được giá nên gia đình tiếp tục ươm giống mở rộng diện tích. Mặc dù chỉ thu hoạch một năm một đợt, nhưng thời gian cho quả dài từ tháng 12 năm trước đến tháng 5 năm sau. Cây vú sữa cho giá trị kinh tế cao, giá bán đầu vụ từ 30 - 40 nghìn đồng/kg, cuối vụ từ 20 - 25 nghìn đồng/kg; mỗi cây cho từ 2,5 - 3 tạ quả/năm, thu nhập 50 triệu đồng”.
Trước đây, người dân xã Thanh Hưng chủ yếu sản xuất lúa, ngô song giá trị kinh tế không cao. Cấp ủy, chính quyền xã Thanh Hưng đã có chủ trương, kế hoạch chuyển đổi cây có hiệu quả kinh tế thấp sang các loại cây ăn quả (vú sữa, xoài, ổi, nhãn ghép, bưởi, cam) và các loại rau màu. UBND xã Thanh Hưng đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức để người dân nắm được lợi ích của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Đồng thời, UBND xã lồng ghép các nguồn vốn, chính sách hỗ trợ của Nhà nước như: vốn nông thôn mới, vốn hỗ trợ phát triển nông nghiệp của tỉnh để hỗ trợ người dân về giống cây trồng, cải tạo đất, phân bón, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật. Nhờ đó từ năm 2016 đến nay nhiều diện tích vườn tạp của xã Thanh Hưng đã được chuyển đổi thành các diện tích trồng rau màu, cây ăn quả. Hiện nay toàn xã đã có 17ha vú sữa, 80ha rau màu và đã trồng thí điểm 10ha cam, ổi, nhãn ghép, bưởi, xoài.
Ông Lường Văn Tọ, Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng cho biết: “Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xã trong những năm vừa qua đã mang lại những hiệu quả kinh tế tích cực, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Phát huy hiệu quả đạt được, thời gian tới xã Thanh Hưng tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ người dân mở rộng diện tích cây ăn quả, cây rau màu để nâng cao hiệu quả kinh tế”.