Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực
- Thứ tư - 29/12/2021 08:35
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Lựa chọn sản phẩm thế mạnh địa phương
Bà Chu Thị Thanh Xuân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Sở đã chủ trì, phối hợp với các địa phương tham mưu cho UBND tỉnh ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh bao gồm 11 nhóm sản phẩm thuộc các lĩnh vực: Trồng trọt (7 sản phẩm/nhóm sản phẩm), chăn nuôi (1 nhóm sản phẩm), lâm nghiệp (2 nhóm sản phẩm), thủy sản (1 nhóm sản phẩm). Trong đó có 5 nhóm sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm chủ lực quốc gia (theo Thông tư số 37/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển những sản phẩm chủ lực, huyện Điện Biên có 8/11 sản phẩm ở các lĩnh vực nằm trong danh mục và có 9 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Để có được kết quả trên, huyện đã bám sát định hướng Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của tỉnh để xây dựng, tổ chức thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại lĩnh vực nông nghiệp của huyện. Huyện đã định hướng các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế để ưu tiên phát triển theo hướng sản xuất tạo sản phẩm hàng hóa như lúa gạo, rau quả, thủy sản...
Với lợi thế cánh đồng Mường Thanh, lúa gạo được xác định là sản phẩm chủ lực đi đầu, vì vậy đến nay huyện Điện Biên thực hiện dồn điền đổi thửa được 66ha tại xã Thanh Yên, Thanh Hưng; xây dựng vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng tại vùng lòng chảo với diện tích 3.500ha/vụ. Đồng thời, huyện duy trì hiệu quả 2 dự án “Cánh đồng lớn sản xuất lúa gạo hàng hóa chất lượng cao gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Điện Biên” với diện tích 335ha. Huyện cũng tập trung phát triển vùng trồng cây ăn quả chủ lực, đặc trưng như: 50ha vú sữa tại xã Thanh Hưng, Thanh Luông; 55ha bưởi da xanh tại các xã lòng chảo; cải tạo 330ha cây ăn quả các loại (lê, bưởi, cam, nhãn); mở rộng diện tích vùng trồng dứa lên 50ha tập trung tại bản Pu Lau, xã Mường Nhà. Đồng thời, huyện hỗ trợ hình thành, duy trì các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ cá rô phi đơn tính trong lồng bè và chuyển giao kỹ thuật nuôi một số loài cá đặc sản như: Cá tầm, cá lăng, cá nheo Mỹ, trắm đen tại các hồ thủy lợi. Ngoài ra, thực hiện các chính sách kêu gọi thu hút đầu tư, đã có 3 dự án mắc ca triển khai trên địa bàn. Đến nay, tổng diện tích mắc ca trên toàn huyện là 658,5ha (trong đó có 20ha đã cho quả, tổng sản lượng khoảng 8 tấn/vụ thu hoạch).
Cần giải pháp hiệu quả
Trong quá trình phát triển các sản phẩm có lợi thế của tỉnh, một số huyện còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Thiếu định hướng phát triển, triển khai thực hiện các sản phẩm nông sản chủ lực; chưa thu hút được các doanh nghiệp có năng lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chủ lực; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung có chất lượng sản phẩm với giá trị gia tăng cao; việc áp dụng kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến còn chậm... Như chè Tủa Chùa là sản phẩm có lợi thế, từ nhiều năm nay các đơn vị nông nghiệp huyện phối hợp với các cơ quan, chính quyền địa phương tuyên truyền vận động người dân chăm sóc bảo vệ và trồng mới để đưa cây chè thành cây nông nghiệp mũi nhọn và các sản phẩm chè Shan tuyết thành sản phẩm đặc trưng của huyện. Công ty TNHH Hương Linh là đơn vị đầu tiên trên địa bàn huyện Tủa Chùa có 3 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP từ cuối năm 2019. Tuy nhiên hiện nay việc xây dựng thương hiệu, ghi dấu ấn trong lòng khách hàng còn nhiều hạn chế, bởi thương hiệu chè Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa vẫn còn khá xa lạ với khách hàng trong nước.
Việc xác định và thúc đẩy phát triển các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của tỉnh góp phần quan trọng mở ra hướng đi bền vững trong phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh cần chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện hiệu quả 2 kế hoạch và 4 đề án về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2025. Một trong những giải pháp trọng tâm là rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm theo liên kết chuỗi cung ứng an toàn của từng địa phương. Bên cạnh đó, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về đất đai và sản phẩm chủ lực, cần tăng cường xúc tiến, mời gọi, thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực, kinh nghiệm trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản vào đầu tư để thúc đẩy phát triển sản xuất các sản phẩm thế mạnh.