Khẩn trương sản xuất lúa vụ mùa
- Thứ ba - 22/06/2021 08:06
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo kế hoạch, vụ mùa năm 2021 huyện Ðiện Biên gieo cấy trên 5.380ha lúa. Đến nay, toàn huyện đã làm đất được trên 5.260ha; gieo cấy được trên 2.050ha. Xác định vụ mùa là vụ sản xuất dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn bám sát địa bàn, phối hợp UBND các xã tập trung hướng dẫn nông dân gieo cấy đúng thời vụ, thời gian xuống giống trà chính vụ sẽ diễn ra từ ngày 15 - 30/6. Cơ cấu giống vụ mùa năm nay của huyện vẫn chủ yếu giống là lúa Bắc thơm số 7 (chiếm 30 - 35%), Séng cù (20 - 25%), nếp (25%) và giống khác (20%).
Theo ông Chu Văn Bách, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên thì vụ mùa năm 2021, huyện phấn đấu năng suất đạt 61 tạ/ha, sản lượng đạt trên 32.850 tấn. Nhằm hạn chế sâu bệnh hại cũng như rủi ro do thiên tai gây ra, huyện khuyến khích nông dân mở rộng diện tích ứng dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI, áp dụng phương pháp cấy máy theo hướng sản xuất hàng hóa. Phòng chuyên môn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông dân phòng, chống sinh vật gây hại theo hướng ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), hạn chế tối đa sử dụng thuốc BVTV, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường. Vụ mùa năm 2021, tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa trên địa bàn huyện tiếp tục được triển khai mở rộng, trong đó: khâu làm đất đạt 93% (tương đương 5.009ha); cấy máy 5,6% (300ha), thu hoạch dự kiến đạt 65,1% (3506,8ha).
Cũng như các địa bàn khác, tranh thủ thời tiết thuận lợi, những ngày này bà con nông dân huyện Mường Chà đang tập trung mọi điều kiện để sản xuất vụ mùa đảm bảo theo đúng khung lịch thời vụ, phấn đấu hoàn thành gieo cấy 1.675ha lúa mùa trước ngày 20/7. Ngay từ đầu vụ, các cơ quan chuyên môn của huyện đã tập trung hướng dẫn nông dân tăng cường sử dụng phân hữu cơ, cân đối NPK; dùng lượng giống phù hợp (đối với lúa thuần 7- 9 kg/1.000m2, lúa lai 3 - 4kg/1.000m2); hạn chế bón phân đạm trong những thời điểm nắng nóng. Ngoài ra, huyện cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng các loại giống không rõ nguồn gốc xuất xứ, giống chưa được khảo nghiệm, thử nghiệm, đánh giá khả năng thích ứng trên địa bàn. Nên lựa chọn và sử dụng bộ giống lúa thích hợp đã được sản xuất đại trà trên diện rộng trên địa bàn huyện; ưu tiên giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất, chống chịu tốt với sâu bệnh và điều kiện bất thường. Mỗi xã nên chọn 3 - 4 giống chủ lực; sử dụng các giống trong danh mục giống của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, như: Bắc thơm số 7, IR64, Ðông A1, Hương thơm số 1, Bắc hương 9, Séng cù, nếp N87, N97…
Vụ mùa năm 2021, toàn tỉnh có kế hoạch gieo cấy 19.742ha lúa; phấn đấu năng suất 51,95 tạ/ha; sản lượng 102.551 tấn. Để sản xuất vụ mùa đảm bảo thắng lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương bố trí trà lúa, giống lúa phù hợp với điều kiện đất đai, trình độ thâm canh, hạ tầng, quy luật diễn biến của thời tiết để đạt hiệu quả cao nhất. Trong đó chú ý thực hiện theo phương châm: “Tăng trà sớm để thu hoạch sớm, hạn chế thiệt hại do mưa bão và giải phóng đất làm vụ đông”. Cụ thể, đối với lúa gieo thẳng: trà sớm sẽ diễn ra từ 1-15/6/2021, trà chính vụ kết thúc trước 25/6/2021, trà muộn kết thúc 5/7/2021.Đối với lúa cấy, căn cứ đặc điểm, điều kiện canh tác sản xuất của từng địa phương để áp dụng kỹ thuật gieo mạ cho phù hợp với thực tế, tuổi mạ cấy khoảng 10-12 ngày đối với mạ sân; 18-20 ngày đối với mạ dược, kết thúc cấy trước 15/7/2021. Vụ mùa năm nay cũng triển khai trên diện rộng chương trình “ba giảm ba tăng” ở vùng lòng chảo Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng, TP. Điện Biên Phủ và những nơi có điều kiện nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả thâm canh, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.
Theo nhận định của Đài khí tượng thủy văn Điện Biên, vụ mùa năm 2021 tiếp tục là vụ sản xuất có điều kiện nắng nóng hơn so với trung bình nhiều năm. Cùng với đó, giai đoạn đầu vụ sản xuất khoảng tháng 6, tháng 7 sẽ gặp các đợt mưa lớn nguy cơ ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp, giai đoạn cuối vụ có mưa tập trung kèm theo gió mạnh. Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp không chỉ gây bất thuận cho kế hoạch gieo cấy, thời vụ, sinh trưởng và phát triển mà còn tạo điều kiện cho một số sinh vật gây hại chính phát sinh và tích lũy mật độ gây hại trên cây lúa. Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người dân cần chú ý các đối tượng gây hại như: ốc bươu vàng giai đoạn gieo và đầu đẻ nhánh; sâu cuốn lá nhỏ tập trung trong tháng 7, tháng 8; tập đoàn rầy trong tháng 8, tháng 9; bệnh khô vằn, bạc lá lúa từ giữa tháng 8 đến cuối vụ và bệnh đạo ôn trên các giống nhiễm để từ đó có biện pháp phòng, trừ sớm.