Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Điện Biên

http://nongthonmoi.dienbien.gov.vn


Hướng tới mục tiêu phát triển rừng bền vững

Những năm qua, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo công tác bảo vệ và phát triển rừng, nhằm góp phần bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, điều hòa khí hậu, tạo “lá chắn xanh” phòng chống thiên tai.
Cán bộ kiểm lâm huyện Mường Nhé giới thiệu với người dân về diện tích rừng trên bản đồ để thuận lợi trong việc tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: C.T.V

Nhiều giải pháp giữ rừng

Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Năm 2018, triển khai thực hiện quy hoạch 3 loại rừng để giao đất, giao rừng gặp nhiều khó khăn bởi diện tích đất lâm nghiệp lớn nhưng trên thực tế việc phân chia đất lâm nghiệp thành từng loại: Đất có rừng, không có rừng hay phân chia trạng thái rừng thì địa phương còn lúng túng. Với người dân thường có tâm lý sợ mất đất canh tác trên nương nên một số người không hợp tác khi chính quyền địa phương đo đạc làm quy hoạch rừng. Tuy nhiên, xác định khó vẫn phải làm bằng được, Sở đã phân công lãnh đạo sở chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn các huyện rà soát diện tích rừng từng địa bàn để hoàn thành quy hoạch 3 loại rừng. Sở chủ động phối hợp các địa phương tổ chức công bố, bàn giao sản phẩm quy hoạch làm cơ sở để quản lý, tổ chức triển khai thực hiện theo quy hoạch. Căn cứ quy hoạch 3 loại rừng, hàng năm UBND tỉnh yêu cầu các huyện đăng ký diện tích trồng mới phải có sơ đồ, địa bàn trồng cụ thể.

Cùng với đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) được các chủ rừng, chính quyền, đoàn thể các cấp quan tâm triển khai bằng nhiều hình thức đã từng bước nâng cao nhận thức người dân. Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chủ động ký quy chế phối hợp với các lực lượng vũ trang tăng cường thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng. 10 huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức ký quy chế giữa các đơn vị: Công an, quân sự, kiểm lâm cùng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, PCCCR. Bốn huyện biên giới: Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà, Điện Biên còn tổ chức ký quy chế phối hợp bảo vệ rừng khu vực biên giới giữa kiểm lâm với các đồn biên phòng đóng quân trên địa bàn. Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ và phát triển rừng được các lực lượng kiểm lâm, công an, quân sự, bộ đội biên phòng, chính quyền cấp xã thường xuyên triển khai đến từng bản; đồng thời tổ chức cho nhân dân ký cam kết quản lý, bảo vệ rừng. Với cách làm cụ thể, đồng bộ, giai đoạn 2016 - 2020 toàn tỉnh trồng mới được 4.471ha rừng (gồm 998ha rừng phòng hộ, 9,36ha rừng đặc dụng và 3.463,64ha rừng sản xuất); trung bình mỗi năm giảm 9% số vụ vi phạm pháp luật lâm nghiệp; tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh năm 2020 đạt 42,66%, tăng 4,16% so với năm 2015.

Thêm cây về rừng

Năm 2021, UBND tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch trồng mới rừng phòng hộ với tổng diện tích 150ha, trong đó: Điện Biên 20ha; Tuần Giáo 45ha; Mường Chà 35ha và Mường Ảng 50ha. Để hoàn thành mục tiêu này mỗi địa phương đều có những giải pháp thực hiện nhằm đảm bảo tiến độ và thời gian thực hiện.

Đến nay huyện Tuần Giáo đã hoàn thành trồng rừng phòng hộ năm 2021 với tổng diện tích trên 63ha, vượt chỉ tiêu kế hoạch 18ha.

Ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo cho biết: Sau khi được UBND tỉnh giao kế hoạch, ngay từ đầu năm UBND huyện đã giao toàn bộ kế hoạch trồng rừng phòng hộ cho Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện thực hiện. Ban đã tổ chức rà soát, xác định địa bàn có thể triển khai trồng rừng, sau đó tổ chức họp dân, vận động đăng ký trồng rừng và tổ chức khảo sát, thiết kế các dự án trồng rừng. Năm nay Ban triển khai công tác này khá thuận lợi vì người dân đồng thuận, số lượng hộ dân đăng ký trồng rừng tăng nhiều so với những năm trước nên tổng diện tích tăng lên hơn 63ha, tập trung tại 4 xã: Phình Sáng, Nà Tòng, Mường Thín và Quài Tở.

Đối với huyện Mường Ảng, để hoàn thành kế hoạch trồng rừng được giao huyện đã tích cực vận động nhân dân tham gia trồng rừng, chuẩn bị cây giống và tổ chức thiết kế. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên người dân tích cực tham gia đăng ký trồng rừng phòng hộ. Qua khảo sát thực tế và nhu cầu, nguyện vọng đăng ký trồng mới của người dân khu vực đầu nguồn, đến nay huyện đã trồng mới được 50ha rừng phòng hộ tập trung; 63ha rừng phòng hộ thay thế tại 2 xã Ngối Cáy và Ẳng Tở. Đặc biệt huyện Mường Ảng còn trồng được 40ha rừng sản xuất dưới hình thức liên kết và bao tiêu sản phẩm. Đây cũng là địa phương duy nhất đến thời điểm này thực hiện trồng rừng sản xuất với hình thức liên kết và bao tiêu sản phẩm. Không chỉ làm tốt công tác trồng rừng mới, huyện Mường Ảng còn tích cực khoanh nuôi bảo vệ, tái sinh rừng tự nhiên; không để xảy ra tình trạng xâm hại đất rừng, hạn chế thấp nhất tình trạng để xảy ra cháy rừng.

Bà Mai Hương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Đến thời điểm hiện tại các địa phương đã trồng xong rừng phòng hộ (trừ huyện Điện Biên). Do thực hiện tốt công tác chuẩn bị (đào hố, ủ phân) xuống giống đúng thời điểm, cộng với thời tiết thuận lợi nên cây phát triển tốt.

Đối với trồng cây xanh, mục tiêu hết năm 2025 toàn tỉnh sẽ trồng 3.868.370 cây (trong đó 170.690 cây xanh phân tán; 3.697.680 cây xanh tập trung) góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 45,5%; bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và phát huy cao nhất hiệu quả “lá chắn xanh” trong phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu.



 

Nguồn tin: Tú Anh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây