Hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất
- Thứ sáu - 20/08/2021 04:30
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Quài Nưa là xã vùng thấp của huyện, có 5.216,7ha đất tự nhiên, trong đó có 198ha đất trồng lúa nước vụ mùa (chiếm 11% tổng diện tích lúa nước vụ mùa toàn huyện). Trước đây, năng suất lúa của xã thấp do người dân gieo cấy chưa đúng kỹ thuật, mật độ quá dày, chất lượng giống chưa đảm bảo. Ngoài ra, một số hộ chưa chú ý chăm sóc, đầu tư chưa đúng định mức, bón phân chưa cân đối và lạm dụng phân bón hóa học (đặc biệt là phân đạm), lượng hóa chất thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sử dụng trên đồng ruộng nhiều gây ô nhiễm môi trường, chi phí cho sản xuất tăng, sản xuất nông nghiệp không bền vững... Từ thực tế đó, năm 2020 Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã triển khai “Mô hình sản xuất lúa thuần” với diện tích 5ha tại xã Quài Nưa, có 20 hộ tham gia.
Anh Lò Văn Sim, cán bộ kỹ thuật trực tiếp triển khai thực hiện mô hình cho biết: Mục tiêu của mô hình là giúp người dân nâng cao nhận thức về sản xuất lúa an toàn, hạn chế bón phân hóa học, thuốc BVTV; tăng cường bón phân hữu cơ, phân vi sinh, thuốc BVTV sinh học; nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm nhằm tăng thu nhập kinh tế cho gia đình các nông dân... Để triển khai mô hình hiệu quả, cán bộ kỹ thuật phối hợp với cán bộ khuyến nông xã thường xuyên bám sát địa bàn; trực tiếp hướng dẫn người dân thực hiện. Qua theo dõi cho thấy, giống lúa ADI sử dụng trong mô hình có thời gian sinh trưởng 100 - 105 ngày đối với vụ mùa, đẻ nhánh khỏe, bông to, chống chịu tốt với sâu bệnh, chống đổ tốt. Khoảng cách cây - cây, hàng - hàng thưa hơn nên thuận lợi trong quá trình chăm sóc, lúa sinh trưởng phát triển đồng đều, tỷ lệ dảnh hữu hiệu cao, lúa trổ bông tập trung, số bông/m2 và số hạt chắc/bông cao hơn. Đặc biệt là số lần phun thuốc ở ruộng mô hình giảm trung bình 2 lần, chi phí về thuốc BVTV giảm 510 nghìn đồng/ha so với ruộng ngoài mô hình. Công lao động (làm cỏ, phun thuốc, tỉa dặm) cũng giảm, chi phí công lao động giảm trung bình 2,8 triệu đồng/ha. Với năng suất thực thu đạt 62 tạ/ha, quy trình thực hiện đơn giản, dễ áp dụng, mô hình có khả năng nhân rộng ra toàn xã và nhiều xã lân cận của huyện trong các vụ tiếp theo.
Không chỉ “Mô hình sản xuất lúa thuần” ở Quài Nưa, thời gian qua huyện Tuần Giáo đã tích cực khuyến khích, hỗ trợ người dân triển khai xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng KHKT. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động người dân tập trung phát triển sản xuất theo hướng hiệu quả bền vững, đảm bảo môi trường an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới. Huyện đã vận dụng linh hoạt các nguồn vốn, triển khai Dự án Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm xoài Đài Loan và nhãn chín muộn tại 2 xã: Rạng Đông và Mường Mùn với tổng diện tích 32,61ha; triển khai 2 mô hình sản xuất lúa áp dụng giống mới (ADI 168, DT 66), tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ với diện tích 45ha; mô hình sản xuất lúa vụ mùa áp dụng giống mới (ADI 168, Nam Hương 4, HDT10) trên diện tích 142,46ha… Một số mô hình đã được triển khai nhân rộng, hình thành vùng sản xuất tập trung như: Mô hình trồng na (tại 2 xã Rạng Đông, Mùn Chung); mô hình bưởi da xanh (tại các xã: Rạng Đông, Mùn Chung, Quài Nưa); mô hình ngô xuân (Rạng Đông, Pú Nhung); mô hình lạc (Mường Thín, Quài Cang)…
Hiệu quả từ các mô hình sản xuất cho thấy việc ứng dụng, chuyển giao KHKT trong sản xuất nông nghiệp đã khẳng định yếu tố quyết định trong việc nâng cao năng suất cây trồng; nâng cao kỹ thuật canh tác và mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thời gian tới, huyện Tuần Giáo tiếp tục hỗ trợ người dân hình thành và phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ, tăng cường liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức tập huấn, hội nghị đầu bờ đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất.