Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Điện Biên

http://nongthonmoi.dienbien.gov.vn


Hiệu quả từ giao khoán khoanh nuôi, tái sinh rừng

Trong những năm qua, công tác giao khoán, khoanh nuôi bảo vệ và tái sinh rừng đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng dân cư sống gần rừng. Đây được xem như là một trong những giải pháp hiệu quả khôi phục, phát triển rừng.
Người dân xã Mường Thín, huyện Tuần Giáo phát dọn thực bì, bảo vệ diện tích rừng khoanh nuôi tái sinh.

Xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ là một trong những địa bàn có nhiều chuyển biến trong công tác bảo vệ, phát triển rừng. Toàn xã hiện có 1.135,22ha rừng được giao cho 8 cộng đồng bản khoanh nuôi bảo vệ và tái sinh rừng. Đều đặn hàng tháng, quý thành viên các tổ bảo vệ, quản lý rừng tại 8 thôn, bản đều được cán bộ kiểm lâm địa bàn, cán bộ địa chính xã hướng dẫn triển khai các biện pháp chăm sóc, bảo vệ rừng. Trước mỗi mùa khô, kiểm lâm địa bàn hướng dẫn người dân làm đường băng cản lửa để bảo vệ rừng, tránh nguy cơ cháy lan khi đốt nương.

Ông Lèng A Minh, Chủ tịch UBND xã Phìn Hồ cho biết: Xã triển khai việc giao khoán rừng cho người dân bảo vệ từ năm 2018, với 8/8 thôn, bản nhận giao khoán rừng. Để thực hiện tốt công tác giao khoán rừng, xã đã thành lập Ban quản lý rừng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ vai trò, lợi ích khi tham gia bảo vệ rừng. Các cộng đồng thôn bản nhận khoán bảo vệ rừng đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng; hạn chế được tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép. Từ khi thực hiện chính sách giao khoán rừng cho người dân đến nay, công tác phòng, chống cháy rừng trên địa bàn xã được thực hiện tốt hơn, không còn tình trạng phá rừng làm nương. Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn xã chưa xảy ra vụ cháy rừng nào. Người dân còn có thêm thu nhập từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Hiện nay, toàn huyện Nậm Pồ thực hiện khoanh nuôi, tái sinh rừng tự nhiên được hơn 4.760,92ha; tỷ lệ che phủ rừng đạt hơn 42%. Ông Trần Đức Quyền, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nậm Pồ cho biết: Hiệu quả của công tác giao khoán, khoanh nuôi tái sinh rừng trên địa bàn huyện là người dân đã chuyển biến nhận thức về lợi ích của việc nhận khoán bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên sẽ góp phần bảo môi trường, bảo vệ nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Đồng thời còn tạo nguồn thu nhập ổn định, lâu dài cho cộng đồng thôn, bản và hộ gia đình từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Trên địa bàn huyện Tuần Giáo, công tác quản lý, bảo vệ rừng có nhiều chuyển biến tích cực từ giải pháp giao khoán, người dân không những ý thức được trách nhiệm gìn giữ nguồn tài nguyên rừng mà còn tích cực tham gia trồng rừng, trồng các loại cây lâm sản ngoài gỗ để tăng thu nhập.

Ông Phạm Hữu Chiến, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo cho biết: Huyện Tuần Giáo thực hiện khoanh nuôi tái sinh được hơn 5.194,2ha rừng; trong đó 707ha rừng khoanh nuôi tái sinh mới năm 2020. Năm 2021 huyện được giao khoanh nuôi tái sinh hơn 650ha rừng.  Để thực hiện có hiệu quả công tác khoán bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh rừng, huyện đã xây dựng kế hoạch, lập dự án, giao chỉ tiêu tới UBND các xã, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện... tổ chức triển khai thực hiện.

Hiện nay, toàn tỉnh thực hiện khoanh nuôi tái sinh rừng với tổng diện tích 15.706,6ha; trong đó diện tích khoanh nuôi tái sinh rừng mới năm 2020 là 3.657,59ha. Những diện tích sau khi được giao khoán cho các chủ rừng khoanh nuôi tái sinh tự nhiên đã được bảo vệ tốt. Chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ theo các nội dung cụ thể trong hợp đồng đã được ký kết với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng thôn bản... trong nhận khoán bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên. Cùng với nhiều giải pháp khác, giao khoán rừng tiếp tục là giải pháp được chú trọng trong thời gian tới bởi hiệu quả thiết thực.

Nguồn tin: Bài, ảnh: Lan Phương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây