Cơ giới hóa nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp
- Thứ hai - 29/11/2021 08:45
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Huyện Điện Biên có cánh đồng vùng lòng chảo rộng trên 4.000ha, là điều kiện thuận lợi để cơ giới hóa trong sản xuất. Đến nay tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa trên địa bàn huyện đạt 70%, riêng vùng lòng chảo đạt 90%. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên, toàn huyện có trên 335 máy cày, máy phay các loại; 100 máy cấy; gần 1.900 bình phun thuốc động cơ; 25 máy gặt đập liên hợp; 36 máy gặt loại nhỏ, gần 300 máy tuốt lúa… Cơ giới hóa trong sản xuất lúa giúp nông dân giải phóng sức lao động, hạn chế sâu bệnh, năng cao giá trị lúa gạo trên đơn vị diện tích. Theo tính toán, 1ha lúa cơ giới hóa cả 3 khâu làm đất, gieo cấy và thu hoạch sẽ tiết kiệm chi phí đầu tư khoảng 3 - 5 triệu đồng, năng suất lúa và giá trị lúa gạo cũng tăng lên từ 10 - 15% so với cách làm truyền thống.
Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên cho biết: Hiện nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa của huyện tập trung vào khâu làm đất (trên 90%) và thu hoạch (khoảng 70%); yếu nhất ở khâu gieo cấy (6%). Từ năm 2018, huyện đã thí điểm áp dụng mô hình máy cấy mạ khay tại một số xã vùng lòng chảo như: Thanh Xương, Thanh An, Thanh Chăn… Việc sử dụng máy cấy giảm tỷ lệ lúa lẫn từ 80 - 90% so với gieo sạ, chi phí sản xuất giảm từ 20% - 25%, lãi thuần chênh lệch trên 10 triệu đồng/ha, công lao động giảm khoảng 20% so với ruộng gieo sạ. Hơn nữa, mạ cấy bằng máy ít bị ảnh hưởng của điều kiện thời tiết, phòng chống rét hiệu quả; khoảng cách giữa cây với cây, hàng với hàng thưa nên thuận lợi trong quá trình chăm sóc; lúa sinh trưởng và phát triển đồng đều nên chất lượng hạt gạo được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, khó khăn của phương pháp này là người dân chưa có kiến thức, kinh nghiệm trong làm mạ khay. Để tháo gỡ khó khăn trên, vụ đông xuân năm 2021 - 2022, huyện Điện Biên thay vì hỗ trợ người dân giống lúa sẽ hỗ trợ mạ khay, từ đó tăng diện tích lúa cấy bằng máy cấy. Phấn đấu đến năm 2025, 100% diện tích cánh đồng Mường Thanh thuộc địa bàn huyện sử dụng máy cấy nên UBND huyện đã linh hoạt sử dụng các nguồn vốn để hỗ trợ người dân mua máy cấy. Hiện nay, UBND huyện đang hỗ trợ 70% chi phí mua máy cấy cho những cá nhân, tổ chức với diện tích lúa trên 5ha và hỗ trợ 50% chi phí với diện tích dưới 5ha. Ngoài ra, dự kiến năm 2022, huyện Điện Biên sẽ thí điểm mô hình phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái. Như vậy, đến năm 2022 huyện Điện Biên sẽ có một số diện tích lúa cơ giới hóa 100% trong tất cả các khâu.
Bà Hà Thị Nhung, đội C9A, xã Thanh Xương cho biết: Gia đình tôi có gần 6.000m2 ruộng. Từ năm 2019, tôi đã thực hiện cơ giới hóa trong tất cả các khâu giúp canh tác nhàn hơn, tiết kiệm chi phí đầu tư và tăng năng suất, nâng cao chất lượng lúa gạo. Đặc biệt là việc sử dụng máy cấy hạn chế gần như 100% lúa lẫn; hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, nhất là thuốc trừ cỏ; không còn lo lúa chết rét như phương pháp gieo sạ.
Tại các huyện vùng cao, việc cơ giới hóa trong sản xuất cũng được chính quyền quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn người dân áp dụng.
Ông Vũ Thanh Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Pồ cho biết: Những năm gần đây, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện tăng cao trong khâu làm đất. Người dân đã dùng máy làm đất, những chân ruộng bậc thang thì sử dụng máy cày mini thay cho sức kéo của trâu, bò. Hiện nay toàn huyện có khoảng 2.660 máy xới đất; 213 máy phun thuốc bảo vệ thực vật có động cơ; 1 máy gặt lúa rải hàng; 16 máy bơm nước; 1.860 máy tuốt lúa thủ công có gắn động cơ; 753 máy phát cỏ và 15 máy tách hạt ngô mini. Tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa đạt khoảng 90% khâu làm đất, 60% khâu thu hoạch; cơ giới hóa trong sản xuất rau màu, ngô, sắn đạt 50%; phun thuốc bảo vệ thực vật được cơ giới hóa khoảng 40% đối với tất cả các loại cây trồng.
Tại huyện Tủa Chùa, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất nông nghiệp đạt trên 80% tuy nhiên đối với khâu gieo cấy và thu hoạch còn thấp.
Bà Vũ Ngọc Ánh, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Trên địa bàn huyện, cơ giới hóa hầu như chỉ áp dụng trong sản xuất lúa. Tuy nhiên, ngoài một số cánh đồng lớn ở các xã: Mường Báng, Sính Phình, Xá Nhè thì các diện tích còn lại đều manh mún, nhỏ lẻ nên rất khó thực hiện cơ giới hóa ở khâu thu hoạch và gieo cấy. Để khắc phục tình trạng trên, những năm qua huyện Tủa Chùa đã áp dụng một số biện pháp cơ giới hóa phù hợp với thực tế địa phương như sử dụng máy tuốt lúa thủ công có gắn động cơ tại các xã vùng cao.