Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Điện Biên

http://nongthonmoi.dienbien.gov.vn


Chuyển đổi cây trồng trên đất kém hiệu quả

Từ năm 2017 đến nay, người dân xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên) đã chuyển 230ha đất lúa 1 vụ sang trồng ngô, khoai và các loại rau màu. Đây là các loại cây vốn đầu tư ít, kỹ thuật chăm sóc không quá khó nhưng lại tăng được thu nhập kinh tế hộ gia đình; giải quyết việc làm cho một số lao động nông thôn trên địa bàn.
Người dân xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên chăm sóc ngô trồng chuyển đổi trên đất lúa 1 vụ.

Đây cũng là chủ trương được huyện Điện Biên luôn khuyến khích người dân thực hiện nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp phù hợp thực tế địa phương. Hàng năm, UBND huyện yêu cầu các xã quy hoạch chi tiết diện tích chuyển đổi, hệ thống thủy lợi, loại cây trồng... Trên cơ sở đó xây dựng các mô hình mẫu hướng dẫn nông dân triển khai; tránh tình trạng người dân chuyển đổi ồ ạt hoặc chuyển đổi nhưng không áp dụng khoa học kỹ thuật thì hiệu quả không cao. Với cách làm đó, toàn huyện hiện có 1.700ha đất nương trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng ngô, 400ha chuyển sang trồng mắc ca, 100ha đất bãi thấp chuyển sang trồng cây ăn quả. Đối với khu vực lòng chảo sản xuất 2 vụ lúa, huyện khuyến khích trồng cây vụ 3 như: Khoai (Thanh An, Thanh Nưa); ngô (Hua Thanh); rau màu (Thanh Luông, Noong Luống, Pom Lót).

Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên cho biết: Trong quá trình thực hiện chuyển đổi, nhiều địa phương đã làm tốt việc khảo sát, lựa chọn những cây trồng phù hợp với điều kiện, trình độ canh tác, bảo đảm hiệu quả kinh tế để đưa vào chuyển đổi. Tuy nhiên việc thu hút doanh nghiệp liên kết, bao tiêu sản phẩm cho những diện tích chuyển đổi vẫn còn hạn chế do diện tích chuyển đổi còn manh mún, nhỏ lẻ và chủ yếu thực hiện linh hoạt theo năm hoặc theo vụ, nhất là đối với diện tích trồng lúa kém hiệu quả, để khi cần thiết có thể trở lại sản xuất lúa.

Giai đoạn 2016 - 2020 tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong toàn tỉnh đạt 3.378ha. Trong đó, đã thực hiện chuyển đổi trên đất lúa nương 1.396ha; trên đất ruộng 1 vụ là 1.538ha; trên đất trồng cây màu hàng năm là 444ha. Các diện tích chuyển đổi phân theo đối tượng cây trồng như chuyển đổi sang trồng ngô 376ha; trồng cây ăn quả như: Dứa, bưởi, xoài, nhãn... là 817ha được trồng nhiều ở các huyện: Mường Chà, Điện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo, TP. Điện Biên Phủ; 434ha trồng cây thức ăn gia súc tập trung ở các huyện: Điện Biên Đông, Mường Chà, Tuần Giáo và 1.752ha sang cây trồng khác như dong giềng, cây mía, cây dược liệu, khoai sọ, đậu tương, lạc, vừng...

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, cây màu hàng năm kém hiệu quả sang trồng những cây trồng có giá trị kinh tế cao bước đầu đã giúp người dân ổn định thu nhập, đời sống từng bước được nâng lên. Hiệu quả kinh tế khi chuyển đổi sang trồng cây ăn quả cao hơn gấp 5 - 6 lần so với trồng lúa nương, thu nhập bình quân 200 - 300 triệu đồng/ha/năm. Hiệu quả kinh tế khi chuyển đổi sang trồng cây thức ăn gia súc cao hơn khoảng 40 - 50 triệu đồng/ha/năm so với trồng lúa nương. Khi chuyển đổi sang các cây trồng khác cho thu nhập cao gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa nương và cây màu hàng năm. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang cây trồng có giá trị cao cần vốn đầu tư lớn, khoa học kỹ thuật. Trong khi đa số người dân tại các địa bàn vùng núi, nơi có diện tích đất lúa nương lớn thì điều kiện kinh tế khó khăn, không có khả năng đầu tư phát triển sản xuất quy mô lớn, áp dụng quy trình kỹ thuật đồng bộ và đầu tư dài hạn. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí thực hiện chủ yếu là lồng ghép từ ngân sách Trung ương và địa phương hỗ trợ thông qua các chương trình, dự án, mô hình nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nên còn dàn trải, chưa tạo được động lực thúc đẩy để hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, chuyên canh theo quy mô lớn; việc huy động nguồn kinh phí từ các tổ chức, doanh nghiệp còn hạn chế; diện tích chuyển đổi nhỏ lẻ, phân tán dẫn đến khó khăn trong quản lý sản xuất.

Giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 ngành Nông nghiệp tỉnh phấn đấu chuyển đổi 2.908,81ha. Để hoàn thành chỉ tiêu, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo, tuyên truyền, khuyến khích, vận động người dân chuyển đổi diện tích đất lúa nương, đất ruộng 1 vụ và đất màu hàng năm kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác có giá trị cao hơn (như cây ăn quả, cây thức ăn chăn nuôi...). Đặc biệt, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm phải theo vùng để hình thành các vùng sản xuất tập trung và khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có. Đồng thời, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nhất là các sản phẩm chủ lực đặc sản của tỉnh để nhân dân yên tâm mở rộng sản xuất.


 

Nguồn tin: Bài, ảnh: Lan Phương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây