Chủ động phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò
- Thứ ba - 25/05/2021 15:54
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày 16/4/2021 lần đầu xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò tại địa bàn tỉnh ta khi 1 hộ chăn nuôi ở bản Co Muông, xã Pá Khoang (TP. Điện Biên Phủ) có 1 con bò mắc bệnh trong tổng đàn 35 con. Đến nay không phát hiện thêm trâu, bò mắc bệnh. Tuy nhiên vẫn còn nguy cơ bệnh phát sinh và lây lan bởi thời tiết nóng ẩm, mưa nắng thất thường thuận lợi cho các loại côn trùng hút máu như: Ve, ruồi, muỗi… (được xác định là véc tơ truyền nhiễm bệnh viêm da nổi cục) sinh sôi, phát triển. Mặt khác điều kiện chăn nuôi của người dân trên địa bàn tỉnh vẫn chủ yếu nhỏ lẻ, thả rông, phụ thuộc vào nguồn thức ăn tự nhiên... gây khó khăn trong công tác phòng ngừa và ngăn chặn khi dịch bùng phát.
Theo thông tin từ Chi cục Thú y tỉnh, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò có tỷ lệ mắc bệnh là 20% - 30% và tỷ lệ chết 1% - 5%. Trâu, bò mắc bệnh thường có những triệu chứng giảm hoặc bỏ ăn, suy nhược, gầy yếu, sốt cao (có khi sốt 410C); giảm khả năng tiết sữa trên gia súc đang cho con bú; tiết nhiều nước bọt, trên da xuất hiện các nốt sần có đường kính từ 2 - 5cm, nhô lên cao và thường xuất hiện ở vùng da cổ, đầu, bầu vú, cơ quan sinh dục và vùng đáy chậu. Hiện nay, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò chưa có thuốc đặc trị; khi bệnh xảy ra thì chữa triệu chứng như: Tiêm kháng sinh phòng bệnh kế phát, vệ sinh chuồng trại, chăm sóc, dùng một số loại thuốc bổ để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi. Định kỳ vệ sinh chuồng trại chăn nuôi; diệt vật chủ trung gian truyền bệnh như côn trùng, ruồi, muỗi, ve…
Hiện nay ngành chuyên môn đã triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi cách phòng, chống như: Chủ động mua thuốc sát trùng để phun chuồng trại; thuốc trị ngoại ký sinh trùng, thuốc côn trùng để phun, xịt ngoài da cho trâu, bò…
Đến hết năm 2020, tổng đàn trâu toàn tỉnh đạt 136.438 con, đàn bò 81.240 con. Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh phát sinh, lây lan, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến người chăn nuôi và toàn dân về sự nguy hiểm của bệnh viêm da nổi cục, đường lây lan bệnh và các biện pháp chủ động phòng, chống. Khi phát hiện các trường hợp trâu, bò có biểu hiện bệnh, nghi mắc bệnh phải báo cáo chính quyền, cơ quan thú y địa phương; thường xuyên tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng hoặc sử dụng vôi bột để sát trùng khu vực chăn nuôi. Đồng thời chỉ đạo phòng, đơn vị chuyên môn, UBND cấp xã tổ chức rà soát, thống kê tổng đàn trâu, bò trên địa bàn; chủ động giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn trâu, bò. Tăng cường kiểm soát việc vận chuyển trâu, bò, các sản phẩm từ trâu, bò nhập vào địa bàn; nghiêm cấm, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ trâu, bò và sản phẩm trâu, bò nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch.
Người chăn nuôi cũng cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh; chủ động tìm hiểu về mức độ nguy hiểm, khả năng lây lan bệnh dịch và hậu quả kinh tế để chung tay phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh viêm da nổi cục, bảo vệ tài sản của gia đình và cộng đồng.