Bài 2: Duy trì và nhân rộng sản xuất bền vững
- Thứ ba - 27/07/2021 16:26
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bài 1: Tăng hiệu quả kinh tế nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật
Là 1 trong 3 xã được triển khai mô hình hình trình diễn áp dụng tiến bộ kỹ thuật bón phân hữu cơ trong sản xuất lúa vụ đông xuân 2020 - 2021, ông Giàng A Thái, Chủ tịch UBND xã Tìa Dình cho biết, trước đây vụ đông xuân bà con không làm lúa nước, chỉ gieo cấy vụ mùa. Khi đưa mô hình vào làm vụ mùa không ít hộ băn khoăn là làm có được thu hay lại mất công sức? Quá trình triển khai thực hiện mô hình, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên Đông đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, trưởng bản và các hộ tham gia mô hình theo dõi chặt chẽ quá trình gieo trồng, chăm sóc, các biện pháp phòng trừ sâu bệnh… cho tới thu hoạch. Hiệu quả mô hình kinh tế đem lại cao, bà con so sánh được cách làm khi áp dụng KHKT vào sản xuất theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật với phương thức truyền thống nên đều rất phấn khởi. Các hộ tham gia mô hình đều kiến nghị Nhà nước quan tâm đầu tư kinh phí để tiếp tục thực hiện, bởi tự làm như mô hình trình diễn vừa qua là rất khó dù đã được tiếp cận với kỹ thuật sản xuất lúa giống mới sử dụng phân bón hữu cơ rồi.
Ông Sùng Sáy Chua, Trưởng bản Tìa Dình 1, là một trong số hộ tham gia mô hình trình diễn áp dụng tiến bộ kỹ thuật bón phân hữu cơ trong sản xuất lúa vụ đông xuân 2020 - 2021 tâm sự, tham gia mô hình tôi hiểu được ý nghĩa việc lựa chọn giống lúa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu đưa vào sản xuất. Hiểu được tầm quan trọng của việc sử dụng phân bón hữu cơ trong canh tác nông nghiệp giúp cải tạo đất, bổ sung cho đất một lượng lớn mùn, vi sinh vật hữu ích, các chất dinh dưỡng giúp đất tơi xốp, thoáng khí, tăng độ phì nhiêu; hạn chế xói mòn đất và rửa trôi các chất dinh dưỡng. Trong bản diện tích đất canh tác thường có độ dốc cao. Mô hình kết thúc chúng tôi đã tuyên truyền, vận động để thêm nhiều người dân sử dụng phân bón hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất. Bà con cũng đều mong muốn được Nhà nước quan tâm đưa các mô hình sản xuất lúa để được hỗ trợ vốn, giống, kỹ thuật để thay đổi phương pháp canh tác truyền thống.
Thực tế đã chứng minh khi nông dân được chuyển giao KHKT biết áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi đã góp phần quan trọng nâng cao năng suất, sản lượng. Năm 2020 tổng diện tích gieo trồng toàn huyện 14.961,6ha (tăng 583,8ha); tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt đạt 13.284,7ha (tăng 334,9ha); tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt 31.349,3 tấn (tăng 4.313,4 tấn so với năm 2019). Những kết quả quan trọng này đã góp phần giúp hộ nghèo trên địa bàn huyện Điện Biên Đông đều giảm qua mỗi năm, thu nhập đầu người tăng lên.
Ông Hoàng Công Chính, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên Đông khẳng định, các mô hình, dự án khi được triển khai tới người dân đều được áp dụng KHKT tuân thủ đúng quy trình sản xuất và đem lại hiệu quả rõ rệt cả về năng suất, chất lượng và sản lượng; song việc duy trì, nhân rộng mô hình trên thực tế tại một số địa phương chưa thực sự được quan tâm. Kinh phí thực hiện rất khiêm tốn trong khi việc duy trì các mô hình cần thời gian dài chưa kể tới triển khai trên cây trồng dài ngày thì ngoài kinh phí, người dân rất cần thời gian tổ chức lại sản xuất, kết nối thị trường. Cùng với đó, có phần nguyên nhân do tư tưởng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người dân khi được lựa chọn tham gia mô hình; một số người tích cực lại thiếu vốn đầu tư dài hạn và mở rộng quy mô.
Cũng do kinh phí hạn chế nên dù đang thực hiện mô hình hỗ trợ người trồng lúa áp dụng giống lúa mới, tiến bộ kỹ thuật, bón phân hưu cơ kết hợp phân hóa học trong sản xuất lúa vụ mùa năm 2021 tại xã Tìa Dình nhưng phải chuyển thực hiện sang 3 bản khác là Tào La, Háng Sua và bản Dìa Ghếnh thay vì thực hiện ở bản Tìa Dình 1, 2 như vụ đông xuân 2020 - 2021 trong khi người dân vẫn có nguyện vọng được tiếp tục tham gia mô hình tích lũy kiến thức KHKT để ứng dụng vào sản xuất.
Chính vì vậy để nông dân vùng cao Điện Biên Đông tiếp cận và tích cực ứng dụng KHKT vào sản xuất thì cùng với việc lựa chọn các giải pháp đột phá dựa trên những thế mạnh, lợi thế của mình thông qua việc thực hiện tập trung nguồn lực hỗ trợ, đầu tư phát triển ứng dụng KHKT trong sản xuất nông nghiệp. Cần mạnh dạn đổi mới phương thức xây dựng mô hình trình diễn, chú trọng đào tạo nâng cao năng lực về tổ chức và quản lý sản xuất cho người dân, sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.
Làm tốt việc chuyển giao KHKT tới nông dân - chủ thể của quá trình sản xuất là một trong những động lực cho tăng trưởng, phát triển nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Song để phát triển, nhân rộng những mô hình tốt, cách làm hay thì cần sự “trợ lực” của doanh nghiệp bên cạnh nhà nước, nông dân và cần có chính sách để nông dân tiếp cận nguồn lực vốn, kỹ thuật. Tuy nhiên trên địa bàn tỉnh ta nói chung, Điện Biên Đông nói riêng chưa có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư mạnh dạn tham gia liên kết cùng bà con nông dân. Nguyên nhân vướng mắc là do chưa có cơ chế chính sách ưu tiên, đặc thù để khuyến khích doanh nghiệp và nhà đầu tư; việc liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân còn hạn chế. Số doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp rất khiêm tốn, nhất là các hoạt động liên quan đến chế biến nông sản hay ứng dụng KHKT trong chăn nuôi, trồng trọt... Bởi vậy, trong khi nguồn lực tại chỗ còn hạn chế, để tạo bước đột phá trong cơ cấu lại nông nghiệp, việc chủ động tận dụng khai thác tốt tiềm năng, lợi thế cần gắn với đẩy mạnh ứng dụng KHKT chính là cú huých tạo chuyển biến mạnh trong sản xuất nông nghiệp tại các địa phương. Như lựa chọn nông nghiệp phù hợp với mục tiêu chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi gắn với ứng dụng KHKT; đồng thời chủ động, vận dụng linh hoạt trong các mối liên kết để mở ra nhiều cơ hội mới, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa bền vững đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trong thời gian tới…