Phát triển lâm nghiệp bền vững
- Thứ ba - 15/06/2021 08:16
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bài 1: Đẩy mạnh quản lý, phát triển rừng
Điện Biên xác định để hoàn thành được mục tiêu Nghị quyết số 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII về phát triển sản xuất nông lâm nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 (gọi tắt là Nghị quyết số 05) đề ra trong lĩnh vực lâm nghiệp thì công tác quản lý, phát triển rừng phải được đẩy mạnh. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao đời sống của người dân. Vì thế những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức, cá nhân tích cực trồng mới cũng như bảo vệ diện tích rừng hiện có…
Với quan điểm phát triển lâm nghiệp bền vững trên cơ sở thực hiện quy hoạch phát triển 3 loại rừng, kết hợp hài hòa giữa sản xuất lâm nghiệp gắn với sản xuất nông nghiệp. Tỉnh đã tập trung bảo tồn và phát triển các khu rừng đặc dụng; khoanh nuôi, bảo vệ, phát triển diện tích rừng phòng hộ; đẩy nhanh tiến độ trồng rừng sản xuất, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng. Cùng với đó tỉnh đã tập trung nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ kiểm lâm từ tỉnh đến cơ sở nhằm đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ rừng; thực hiện có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng… Để hoàn thành nhiệm vụ này ngoài việc huy động nguồn lực đầu tư, thực hiện cơ chế, chính sách trong phát triển lâm nghiệp bền vững thì công tác tuyên truyền, vận động, đôn đốc, kiểm tra, giám sát tổ chức thực hiện Nghị quyết được tỉnh đặc biệt chú trọng.
Đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết số 05 cũng như các chính sách, chương trình, dự án liên quan đến sản xuất nông, lâm nghiệp tới các cấp, các ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã tổ chức quán triệt, phổ biến, triển khai nghiêm túc đến các đảng viên, các cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị và nhân dân, doanh nghiệp. Qua đó tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. Cán bộ, đảng viên đã xác định rõ hơn về nhiệm vụ của mình, từ đó nêu cao trách nhiệm trong hoạt động lãnh đạo, hướng dẫn, hỗ trợ, tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật trong sản xuất, phát triển lâm nghiệp cho người dân. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát tổ chức thực hiện; hàng năm cùng đoàn công tác của Tỉnh ủy đi làm việc với các Huyện ủy, tổ chức đảng; Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh còn bố trí lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp đi làm việc với UBND các huyện, thị xã, thành phố để nắm bắt, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế; tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các địa phương, trong đó có nhiệm vụ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp… Qua đó đã tăng cường công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai sản xuất nông, lâm nghiệp của các địa phương; đồng thời nắm bắt và giải quyết kịp thời những phát sinh, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết. Cùng với đó UBND tỉnh cũng tích cực phối hợp với MTTQ tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân triển khai thực hiện Nghị quyết cũng như các chính sách hỗ trợ liên quan đến phát triển lâm nghiệp gắn với xóa đói giảm nghèo để người dân nắm bắt thực hiện.
Với các giải pháp đồng bộ trong việc thực hiện Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy về lĩnh vực phát triển lâm nghiệp, nên tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh năm 2020 đạt 42,66%; tăng 4,16% so với năm 2015, đạt 101,6% so với Nghị quyết. Cùng với việc tập trung bảo vệ 132.952 lượt héc ta rừng; tổ chức khoanh nuôi tái sinh tự nhiên 41.530,64 lượt héc ta rừng; giai đoạn 2016 - 2020 toàn tỉnh đã trồng mới được 4.471ha rừng (trong đó, 998ha rừng phòng hộ; 9,36ha rừng đặc dụng; hơn 3.463,6ha rừng sản xuất) và trồng 1.833.000 cây phân tán. Tỉnh cũng đã hỗ trợ gạo rừng trồng thay thế nương 632,74ha; hỗ trợ 310 lượt cộng đồng vùng đệm các khu rừng đặc dụng (Mường Nhé, Mường Phăng). Đặc biệt là việc thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã góp phần quan trọng, là động lực trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.
Bà Đặng Thị Thu Hiền, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biết: Giai đoạn 2016 - 2020 toàn tỉnh thu 888,7 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng và tổng số tiền đã chi trả đến cuối năm 2020 là 912,4 tỷ đồng; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Hiện có khoảng trên 40.000 gia đình được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, bình quân mỗi hộ được hưởng hơn 1,5 triệu đồng/năm, góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc, xoá đói giảm nghèo ở địa phương.
Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng được đánh giá phù hợp phát triển cây mắc ca, đồng thời xác định đây là cây trồng chủ lực nên tỉnh đã kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển mắc ca. Tính đến hết năm 2020, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án trồng mắc ca theo hướng tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, với tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, quy mô 17.214ha. Đến nay, toàn tỉnh đã trồng 3.229ha (trong đó trồng thuần 2.686ha, trồng xen 543ha), tập trung chủ yếu tại các huyện: Tuần Giáo, Mường Nhé, Mường Ảng, Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng được các chủ rừng, các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể - xã hội trên địa bàn quan tâm, tăng cường triển khai thực hiện. Nhờ đó số các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm dần theo từng năm. Việc khai thác rừng trồng, chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh được quản lý chặt chẽ, đảm bảo các quy định của pháp luật; quản lý, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng được thực hiện thường xuyên; công tác ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là theo dõi diễn biến rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (máy tính bảng, flycam, bản đồ dạng số, ảnh vệ tinh…) được chú trọng áp dụng.
Bài 2: Để phát triển lâm nghiệp bền vững