Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Điện Biên

http://nongthonmoi.dienbien.gov.vn


Đẩy mạnh tính liên kết chuỗi đối với các sản phẩm OCOP

(ĐCSVN) - Thời gian qua, Chương trình OCOP đã được thực hiện ở hầu hết các địa phương trên cả nước, tạo ra hàng nghìn sản phẩm hàng hóa đa dạng. Trong đó, có nhiều sản phẩm thuộc hạng 4 sao, 5 sao.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu tại hội nghị

Đó là đánh giá chung được đưa ra tại Hội nghị “Kết nối các sản phẩm OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 17/12 tại Hà Nội.

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn, với trọng tâm là phát triển các nhóm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tinh hoa, đặc biệt của mỗi vùng mà các địa phương khác không có, được chính quyền hỗ trợ về chính sách, kỹ thuật, vốn và thị trường nhằm mang lại giá trị gia tăng cao nhất.

Nhìn chung, thời gian qua, Chương trình OCOP đã được thực hiện ở hầu hết các địa phương trên cả nước, tạo ra hàng nghìn sản phẩm hàng hóa đa dạng; trong đó có nhiều sản phẩm thuộc hạng 4 sao, 5 sao. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm OCOP có chất lượng chưa được tiêu thụ rộng rãi trên cả nước và thu hút được sự quan tâm của du khách nước ngoài. Nút thắt lớn nhất hiện nay là vấn đề liên kết với nhà phân phối để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nhấn mạnh, trong 10 năm qua, ngành Công Thương luôn đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, nhất là thực hiện tiêu chí về điện và cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn. Việc triển khai chương trình đã đạt được nhiều kết quả trong huy động nguồn lực đầu tư phát triển nguồn, cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện, đưa điện sáng về các thôn, bản, xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; đưa hàng Việt Nam có chất lượng về nông thôn, định hình thói quen tiêu dùng, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; huy động các nguồn lực phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, sắp xếp, chuyển đổi mô hình quản lý, đầu tư phát triển chợ, mạng lưới phân phối sản phẩm của chương trình Mỗi xã một sản phẩm.

Theo đó, tổng số sản phẩm dự kiến được chuẩn hóa OCOP đến năm 2020 là trên 3.800 sản phẩm. Hiện nay, cả nước đã có 12 tỉnh, bao gồm: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Quảng Nam, Lào Cai, Bến Tre, Nam Định, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Bình Định, Sóc Trăng, Hòa Bình, Hà Giang, tổ chức đánh giá, phân hạng và có Quyết định công nhận cho 604 sản phẩm OCOP; trong đó có 9 sản phẩm 5 sao, 5 sản phẩm đề xuất 5 sao, 195 sản phẩm 4 sao, 395 sản phẩm 3 sao, các địa phương khác đã và đang triển khai việc tổ chức, đánh giá và phân hạng các sản phẩm OCOP. Nhiều địa phương đã ban hành cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy, tăng cường hoạt động triển khai Chương trình như Quảng Ninh, Quảng Nam, Lâm Đồng, Hà Nam, Bắc Kạn, Sơn La, Hòa Bình…

Các ý kiến tại hội nghị đều cho rằng cần đẩy mạnh tính liên kết chuỗi đối với các sản phẩm OCOP 

Bên cạnh các sản phẩm OCOP, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu ngày càng đáp ứng được yêu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường, góp phần phát triển công nghiệp ở các địa phương và xây dựng nông thôn mới. Năm 2019, có 110 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia, thuộc các nhóm: thủ công mỹ nghệ; sản phẩm chế biến nông lâm thủy sản và đồ uống; sản phẩm thiết bị, máy móc, dụng cụ và phụ tùng cơ khí, thuộc cả ba miền Bắc, Trung, Nam...

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Chương trình OCOP được Chính phủ Việt Nam xem là giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, rất phù hợp với nhiệm vụ cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp và Chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Hơn nữa, phương pháp và cách làm OCOP là phù hợp với thực tế của sản xuất nông nghiệp Việt Nam, chủ yếu là sản xuất quy mô nhỏ, đa dạng vùng miền, đa dạng sản phẩm, nhiều làng nghề, cảnh quan và văn hóa địa phương đặc sắc.

Thực hiện OCOP sẽ tạo động lực phát huy sự sáng tạo cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và cho chính người dân, tạo nên niềm tự hào về đặc sản vùng miền, quê hương. Đồng thời cũng tạo môi trường cho các loại hình kinh tế ở khu vực nông thôn phát triển, nhất là phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, đẩy mạnh phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh các địa phương và hình ảnh quốc gia.

Còn theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), trong năm 2019, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Bộ Công Thương đã hỗ trợ 12 tỉnh, thành phố trong việc xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại Lào Cai, Sơn La, Bắc Kạn, Hải Dương, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã tổ chức các hội nghị kết nối, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu, tuyên truyền cho các điểm bán sản phẩm OCOP và các hoạt động kết nối các sản phẩm OCOP vào các điểm bán tại địa phương.

Thông qua các hoạt động kết nối, nhiều sản phẩm từ Chương trình OCOP có chất lượng cao không chỉ được tiêu thụ ở địa phương mà còn được tiêu thụ tại các chuỗi siêu thị, kênh phân phối nước ngoài. Việc này, không chỉ giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn mà còn thúc đẩy nâng cao thương hiệu, đặc sản địa phương. Bên cạnh đó, tạo chuỗi liên kết bền vững giúp nâng cao giá trị cho người sản xuất, sản phẩm có chất lượng an toàn.

Nhằm triển khai Chương trình OCOP năm 2019, Bộ Công Thương với nhiệm vụ chính là phát triển thị trường, đẩy mạnh đầu ra cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; sản phẩm là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của địa phương, vùng, miền đã triển khai một số hoạt động đã hỗ trợ 12 địa phương xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn. Mặt khác, Bộ cũng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, sản phẩm công nghiệp nông thôn, phát triển làng nghề, cải thiện và nâng cao đời sống cho bà con nông dân. Ngoài ra, Bộ cũng tổ chức các hội nghị kết nối các sản phẩm nêu trên vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, vào các hệ thống phân phối trên địa bàn cả nước./.

Nguồn tin: Tin, ảnh: Kim Dung

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây