Các tỉnh miền núi phía Bắc tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới
- Thứ ba - 06/08/2019 20:08
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trải qua 9 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn khu vực miền núi phía Bắc. Tính đến tháng 6/2019, đã có 603/2.280 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 7 tỉnh/14 tỉnh đã đạt và vượt mục tiêu xây dựng NTM; 40,3% số xã hoàn thành tiêu chí giao thông; 85% số xã hoàn thành tiêu chí thủy lợi; 78,6% số xã hoàn thành tiêu chí điện; 43,6% số xã hoàn thành tiêu chí trường học; 69,6% số xã hoàn thành tiêu chí y tế; Toàn vùng đã xây dựng được khoảng 28.000 – 30.000km đường giao thông nông thôn. Đặc biệt, kinh tế ngày càng phát triển, phương thức sản xuất nông nghiệp được đổi mới theo hướng quy mô, hiện đại. Các vùng trồng cây ăn quả đã góp phần tạo ra sản phẩm quả đa dạng, có giá trị kinh tế cao để phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu như: vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), cam (Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình), nhãn lồng Sơn La…
Chương mình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ngày càng thể hiện vai trò trong việc xây dựng thương hiệu, kết nối tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Hiện đã có 10/14 tỉnh phê duyệt đề án, tới năm 2020 với 577 sản phẩm. Đặc biệt, tỉnh Bắc Kạn là tỉnh đầu tiên của cả nước đã thành lập được Hiệp hội OCOP với 93 hội viên tham gia. Tuy nhiên, nhìn chung kết quả xây dựng NTM còn khoảng cách chênh lệch khá lớn, có xu hướng nới rộng khoảng cách so với các vùng, miền của cả nước. Toàn khu vực vẫn còn khoảng 828 xã đạt dưới 10 tiêu chí (chiếm 61,3% của cả nước). Việc huy động nguồn lực đầu tư tại các tỉnh rất hạn chế do xuất phát điểm thấp, lợi thế ngành nông nghiệp chưa được phát huy, khai thác đúng mức. Thực tế, các địa phương mới quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá vùng miền núi phía Bắc là vùng khó khăn, nhưng những kết quả đạt được rất đáng hoan nghênh. Kết quả này sẽ tạo sự lan tỏa ra nhiều khu vực khác, đặc biệt các thôn, bản vùng sâu, vùng xa.
Phó Thủ tướng khẳng định sự đúng đắn của nội dung trong Nghị quyết 26 về tam nông là: “Tam nông là chiến lược, xây dựng NTM là căn bản, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là then chốt, người nông dân là chủ thể”. Từ đó khẳng định những thành quả vượt bậc trong hơn 9 năm xây dựng NTM vùng miền núi phía Bắc. Tuy nhiên Phó Thủ tướng cũng lưu ý thành quả của vùng vẫn còn thấp so với toàn quốc.
Nói về việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng đây là chương trình có sự phát triển hết sức ngoạn mục. Chỉ sau hơn 1 năm từ khi triển khai, toàn vùng đã xây dựng được 577 sản phẩm, trong đó nhiều sản phẩm nổi tiếng, có chất lượng cao, giá thành hợp lý, được thị trường đón nhận nhiệt tình. “OCOP chính là một trong những động lực mang lại sức sống mới cho chương trình xây dựng NTM”.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, từ thực tiễn 10 năm, cần đánh giá lại các cơ chế, chính sách, tồn tại bất cập để tìm cách tháo gỡ vướng. Việc xây dựng NTM là quá trình lâu dài, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc, do đó phải thực chất, lấy việc nâng cao đời sống của người dân làm mục tiêu. Người dân phải là chủ thể của việc xây dựng NTM. Phó Thủ tướng cho rằng kết quả xây dựng NTM chính là thước đo chính xác để đo sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương đối với đời sống nhân dân; do đó ngày càng phải chú trọng hơn để kiện toàn lại bộ máy xây dựng NTM các cấp để hoàn thiện, hiệu quả hơn, phấn đấu thực hiện ngày càng tốt hơn các tiêu chí xây dựng NTM, vì mục tiêu nâng cao đời sống cư dân nông thôn./.
Tin, ảnh: Nguyễn Huy