Bất cập chính sách hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp
- Thứ năm - 01/04/2021 15:56
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vướng về cơ chế, chính sách
Nghị định 57/2018/NÐ-CP, ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và Quyết định 45/2018/QÐ-UBND, ngày 24/12/2018 của UBND tỉnh Ðiện Biên về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm - nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh là hai chính sách có ý nghĩa quan trọng trong việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Song nhìn chung, quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là việc tiếp cận nguồn vốn và quỹ đất. Hầu hết doanh nghiệp tìm hiểu đầu tư các dự án nông nghiệp có nhu cầu quỹ đất lớn, tuy nhiên việc tích tụ đất đai đang là vấn đề khó khăn đối với các địa phương. Bên cạnh đó, tổng mức đầu tư các dự án lớn trong khi nguồn vốn doanh nghiệp hạn hẹp nhưng việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng đang gặp nhiều vướng mắc.
UBND tỉnh đã cụ thể hóa Nghị định 57 của Chính phủ bằng Quyết định số 42/2019/QÐ-UBND ngày 9/12/2019 về Ban hành định mức hỗ trợ từng loại dự án, hạng mục, công trình đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Song đến nay, chưa có dự án nào được tiếp cận, thụ hưởng chính sách này. Theo nguyên tắc áp dụng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư của Nghị định 57 thì doanh nghiệp tự bỏ vốn, huy động vốn để thực hiện dự án đầu tư vào ngành, nghề ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn. Sau đó Nhà nước hỗ trợ sau đầu tư theo định mức hỗ trợ đối với từng loại hạng mục, công trình do UBND tỉnh ban hành. Trong khi đó doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu vừa và nhỏ nên nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Bên cạnh đó, theo quy định, hàng năm tỉnh dành tối thiểu 5% vốn chi ngân sách địa phương cho ngành Nông nghiệp để thực hiện, song việc cân đối, bố trí vốn rất khó khăn.
Ðể được hỗ trợ theo Quyết định số 45/2018 của UBND tỉnh, các hộ gia đình, cá nhân, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện như: Tham gia liên kết trong sản xuất; liên kết đảm bảo ổn định (đối với sản phẩm nông nghiệp có chu kỳ nuôi, trồng, khai thác trên 1 năm trở lên thì thời gian liên kết tối thiểu phải 5 năm trở lên; đối với sản phẩm nông nghiệp có chu kỳ nuôi, trồng, khai thác dưới 1 năm, thời gian liên kết tối thiểu 3 năm); phải có giấy chứng nhận hoặc cam kết đảm bảo các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật chất lượng sản phẩm...
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện Quyết định số 45/2018 của UBND tỉnh, giai đoạn 2019 - 2020, toàn tỉnh đã xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện 39 dự án liên kết mới sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều đơn vị có dự án liên kết đến nay chưa được hỗ trợ hoặc mới được hỗ trợ một phần. Ðiển hình, năm 2019 Hợp tác xã Quang Vinh thực hiện dự án liên kết trồng cây dược liệu hương nhu, sản xuất tinh dầu, phát triển kinh tế cho người dân trên địa bàn xã Na Son (huyện Ðiện Biên Ðông) nhưng đến nay chưa được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ phát triển nông - lâm nghiệp tỉnh. Ông Phùng Văn Phương, đại diện Hợp tác xã Quang Vinh cho biết: Thực hiện dự án theo quy định, hợp tác xã sẽ được hỗ trợ 225 triệu đồng tiền giống, phân bón, vôi bột, thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, đến nay hợp tác xã vẫn chưa được hỗ trợ.
Khắc phục hỗ trợ sai mục đích
Trái ngược với những doanh nghiệp chưa được hỗ trợ thì một số doanh nghiệp, hợp tác xã đã được hỗ trợ về đất đai, nguồn vốn nhưng lại sử dụng chưa đúng mục đích của chính sách, gây lãng phí nguồn lực đầu tư.
Ðơn cử, năm 2020, Hợp tác xã Hải Hà được UBND huyện Ðiện Biên hỗ trợ mua sắm máy móc phục vụ liên kết sản xuất và tiêu thụ cá rô phi đơn tính trong lồng bè tại hồ Hồng Khếnh (xã Thanh Hưng, huyện Ðiện Biên), với tổng kinh phí hỗ trợ là 448,2 triệu đồng. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế và hồ sơ thuyết minh dự án cho thấy, đây lại là dự án thực hiện theo hình thức hỗ trợ an sinh, chưa đúng theo bản chất của dự án liên kết theo chuỗi giá trị nhằm tăng hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững theo Quyết định 45 của UBND tỉnh; sản phẩm đầu vào (con giống) không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Cùng với đó, trong quá trình tham gia dự án liên kết, các hộ dân không được tập huấn, hướng dẫn, theo dõi, chỉ đạo, giám sát quy trình nuôi để đảm bảo sản phẩm an toàn chất lượng theo quy định. Ðồng thời, cam kết của chủ trì liên kết: “Giá thành thu mua đầu ra sản phẩm (phụ thuộc vào thị trường) và giảm 10% so với thị trường tại thời điểm thu hoạch” không thể hiện hiệu quả kinh tế cao hơn giá thị trường cho người dân.
Tương tự, dự án liên kết nuôi cá rô phi đơn tính tại hồ Hồng Sạt (huyện Ðiện Biên) do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ðiện Biên làm chủ đầu tư và Hợp tác xã thủy sản Hương Phú là chủ trì liên kết thực hiện năm 2020. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện dự án chưa đúng quy định, như: Quy trình nuôi chưa thống nhất, phổ biến cho các hộ dân, tính nhân rộng không cao vì chỉ thuê 1 người trông coi, bảo vệ, chăm sóc; bên cạnh đó giá thu mua trong hợp đồng liên kết, chủ trì dự án chỉ bằng giá thị trường hoặc thấp hơn từ 300 - 500 đồng/kg là chưa phù hợp với mục tiêu của dự án liên kết tiêu thụ sản phẩm (nâng cao giá trị gia tăng cho người dân).
Ngoài ra, thực hiện các chính sách hỗ trợ, nhiều chủ đầu tư chưa quan tâm đến tính bền vững của dự án liên kết theo chuỗi giá trị. Cụ thể là dự án đã được thực hiện năm trước nhưng năm tiếp theo lại không thực hiện tiếp chi hoặc có dự án chủ trì liên kết không thu mua sản phẩm cho người dân tham gia liên kết nhưng năm tiếp theo vẫn được phê duyệt triển khai thực hiện dự án mới; có dự án thực hiện chu kỳ sản xuất thứ 2 không đúng mục tiêu và quy định của chính sách...