Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Điện Biên

http://nongthonmoi.dienbien.gov.vn


Sinh kế đóng vai trò “then chốt” trong xây dựng nông thôn mới

Tạo sinh kế bền vững cho người dân là nội dung “then chốt” của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Bởi vì “có thực mới vực được đạo”, đời sống người dân có nâng cao, đảm bảo thì mới tạo nguồn lực để chung sức cùng Ðảng, Nhà nước xây dựng NTM. Tuy nhiên, để phát triển sinh kế mang lại hiệu quả bền vững là việc không dễ dàng.
Dự án liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn 22 ha tại xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên vừa được UBND tỉnh phê duyệt.

Xác định xây dựng NTM gắn với tạo sinh kế bền vững cho người dân, những năm qua huyện Ðiện Biên Ðông đã đẩy mạnh huy động các nguồn lực, xây dựng các mô hình sinh kế mới trong sản xuất; đồng thời tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập. Từ các nguồn vốn Trung ương và địa phương trong chương trình xây dựng NTM, hàng trăm mô hình sinh kế được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện, như: Mô hình hỗ trợ trồng rừng sản xuất cho gần 400 hộ dân; hỗ trợ trồng hơn 6.200 cây đào cho 53 hộ; hỗ trợ trồng cỏ phát triển chăn nuôi; mô hình cam Xã Ðoài; hỗ trợ mua trâu bò cái sinh sản, dê cái địa phương… Tuy nhiên, trong số đó có những mô hình sinh kế chưa phát huy hiệu quả hoặc không duy trì được dài lâu. Vì vậy chưa trở thành động lực thoát nghèo cho người dân, đồng thời gây lãng phí nguồn lực đầu tư.

Chương trình hỗ trợ bò sinh sản cho người dân trên địa bàn xã Xa Dung. Về ý nghĩa, mục đích chương trình rất tốt, được người dân hưởng ứng, tuy nhiên về cách thức hỗ trợ lại chưa đáp ứng được nhu cầu. Chương trình hỗ trợ theo kiểu nhóm hộ xoay vòng, nhiều hộ chung nhau một con bò sinh sản, mỗi hộ nuôi một năm lấy con giống. Như vậy, đối với hộ được giao chăm sóc đầu tiên thì sớm có cơ hội phát triển kinh tế, còn đến hộ cuối cùng thì phải mất vài năm mới đến lượt.

Mặc dù triển khai nhiều mô hình sinh kế từ nhiều chương trình khác nhau, nhưng do các mô hình không bền vững nên hiệu quả hạn chế, chưa đóng góp nhiều vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện. Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Ðiện Biên Ðông còn 50,58%; thu nhập bình quân của hộ nghèo mới đạt 9,3 triệu đồng/người/năm. Ông Bùi Xuân Thức, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Kết quả rà soát, thống kê, dịp tết Nguyên đán Canh Tý 2020 huyện Ðiện Biên Ðông có 1.938 hộ với 9.774 nhân khẩu thiếu đói, tăng hơn 950 hộ so năm 2019. Ðặc biệt, những năm trước chỉ có một số xã phải cứu đói thì năm nay cả 14/14 xã, thị trấn đều có hộ dân thiếu đói dịp tết. Vừa qua huyện Ðiện Biên Ðông đã tiếp nhận và phân bổ gần 272 tấn gạo cứu đói trong thời gian giáp hạt cho trên 3.600 hộ với hơn 17.000 nhân khẩu thuộc 14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Không chỉ trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông, nhiều mô hình sinh kế tại các địa phương khác trong tỉnh cũng trong tình trạng tương tự. Ðiển hình là mô hình sinh kế hỗ trợ giống ngan Pháp cho người dân xã Quài Cang (huyện Tuần Giáo) thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Năm 2016, người dân bản Cán, xã Quài Cang được hỗ trợ mỗi hộ 30 con ngan Pháp giống 1 tuần tuổi và thức ăn. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, thời điểm nhận được hỗ trợ đúng vào mùa mưa, vì vậy chăm sóc rất khó, mặc dù đã được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn. Hơn nữa, đây lại là giống ngan Pháp nên cách, công chăm sóc đòi hỏi cao hơn; trong khi tập quán chăn nuôi của người dân vùng cao là nuôi thả rông thì giống ngan này càng không phù hợp. Vì vậy, tỷ lệ ngan sống rất thấp; thậm chí sau mùa mưa thì gần như số ngan Pháp hỗ trợ cho người dân đã không còn. Ðến nay, mô hình đã “biến hình” và không những không tạo được sinh kế cho người dân mà còn gây lãng phí nguồn lực đầu tư.

Bên cạnh các mô hình sinh kế chưa phát huy hiệu quả thì vẫn còn một bộ phận người dân có tâm lý, tư tưởng trông chờ, dựa dẫm, ỷ lại vào Nhà nước, không muốn thoát nghèo. Vì vậy, trong quá trình hỗ trợ, tạo sinh kế, cần có sự cam kết của người dân khi thực hiện các mô hình. Nếu không có sự nỗ lực vươn lên của người nghèo thì các chính sách, chương trình vẫn mãi không hiệu quả. Bởi những chính sách hỗ trợ mới là điều kiện “cần”, “đủ” để giảm nghèo bền vững chính là sự nỗ lực của bản thân mỗi người nghèo.

Giai đoạn 2010 - 2019, kết quả huy động nguồn vốn xây dựng NTM toàn tỉnh hơn 15.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với tỉnh miền núi có xuất phát điểm thấp như Ðiện Biên thì nguồn lực chừng ấy là chưa đủ. Có thể thấy việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở nhiều địa bàn khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh, nhất là những xã biên giới, vùng sâu, vùng xa rất khó khăn. Khảo sát tại nhiều địa phương, khi được hỏi về Chương trình, chúng tôi đều nhận được câu cửa miệng của hầu hết lãnh đạo chính quyền cơ sở là “khó lắm”. Trong đó, cái khó nhất là vấn đề sinh kế của người dân. Khi cái ăn, cái mặc còn khó khăn thì bà con lấy đâu ra để đóng góp xây dựng NTM. Vì vậy, cần xác định xây dựng NTM phải đi lên từ hộ gia đình, cho chính các gia đình. Việc tạo sinh kế cho người dân không chỉ là mục tiêu, mà còn là động lực thúc đẩy phong trào xây dựng NTM ở các địa phương. Bên cạnh đó, nên xem xét việc xây dựng mô hình điểm bản. Theo đó, mỗi xã sẽ chọn một bản để tập trung hỗ trợ sinh kế, xây dựng thành “điểm sáng” trong xây dựng NTM và phát triển kinh tế - xã hội, từ đó sẽ tạo tiền đề và động lực nhân rộng, lan tỏa sang những bản làng khác.

Nguồn tin: Quốc Huy

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây