Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Điện Biên

http://nongthonmoi.dienbien.gov.vn


Long đong quả dứa Mường Chà

Nhiều năm qua, cây dứa đã trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của người dân một số xã vùng cao huyện Mường Chà. Số hộ dân trồng dứa ngày càng nhiều, diện tích tăng nhanh, song số phận quả dứa Mường Chà vẫn rất long đong.
Xã viên Hợp tác xã Na Sang xuất bán dứa cho Công ty TNHH Xuất khẩu nông sản Tấn Phát.

Gỡ khó được đầu ra…

Hiện nay, toàn huyện Mường Chà có gần 300ha dứa, chủ yếu tập trung ở 3 xã: Mường Mươn, Na Sang và Sa Lông. Sau hơn 5 năm bén rễ ở Mường Chà, cây dứa hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, cho năng suất từ 18 - 20 tấn quả/ha; hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa nương, ngô. Do đó nhiều hộ dân đã lựa chọn cây dứa là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế ở vùng đất dốc.

Những năm đầu tiên, do sản lượng ít nên sản phẩm không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Vì thế người dân ồ ạt chuyển đổi cây trồng trên nương sang trồng dứa. Vài năm sau, thị trường trong tỉnh bão hòa, quả dứa bị “ế hàng” và thương lái ở Sơn La, Hòa Bình liên tục ép giá, giá dứa xuống thấp “chạm đáy”. Quen tay thì thạo việc, đến lúc này người trồng dứa cũng nhận thức được rằng không thể cứ chú trọng mở rộng diện tích mà còn phải tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm thì mới phát triển bền vững. Năm 2016, với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, các hợp tác xã sản xuất dứa thành lập, làm đầu mối để giải quyết vấn đề thị trường cho cây dứa Mường Chà. Hiện nay, huyện Mường Chà đã thành lập 2 hợp tác xã sản xuất dứa, gồm: Hợp tác xã Na Sang (xã Na Sang) và hợp tác xã Háng Lìa (xã Sa Lông).

Hợp tác xã Na Sang có 161ha dứa cho thu hoạch, trong đó có 36ha dứa đạt chuẩn VietGAP. Ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Hợp tác xã Na Sang cho biết: Trước đây, 100% sản lượng dứa Mường Chà tiêu thụ trong tỉnh và bán cho thương lái ở Sơn La và Hòa Bình nên thị trường không ổn định, tính cạnh tranh không cao, giá dứa rẻ. Do đó, 2 năm gần đây, Hợp tác xã đẩy mạnh tìm kiếm thị trường, tích cực tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại, hội chợ trong và ngoài tỉnh giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm những công ty xuất khẩu nông sản để phối hợp, ký kết hợp đồng vùng nguyên liệu nhằm ổn định đầu ra sản phẩm. Ðến đầu tháng 9/2019, đại diện Công ty TNHH Xuất khẩu nông sản Tấn Phát (trụ sở ở tỉnh Nam Ðịnh) đã lên đặt vấn đề với Hợp tác xã về việc khảo sát, lấy mẫu dứa về đánh giá chất lượng. Tháng 10/2019, Công ty TNHH Xuất khẩu nông sản Tấn Phát đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm dứa với Hợp tác xã Na Sang trong thời hạn 5 năm, sản lượng ký kết 1.000 tấn dứa/năm. Ðầu vụ thu hoạch năm 2020, Công ty thu mua dứa với giá 7.000 đồng/kg. Người dân trồng dứa ở Na Sang vui mừng vì dứa được mùa và được giá.

… lại va ngay thách thức

“Niềm vui ngắn chẳng tày gang”, sau 2 - 3 chuyến hàng xuất đi với giá cao thì Công ty TNHH Xuất khẩu nông sản Tấn Phát thông báo Công ty phải cắt giảm nhân công, tạm nghỉ một số dây chuyền sản xuất và tạm ngừng thu mua dứa vì thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các nương dứa đang vào độ thu hoạch không có người mua, người dân lại đứng trước nguy cơ một vụ dứa thất bại.

Ông Lê Thanh Tâm cho biết: Thời điểm giá dứa 7.000 - 8.000 đồng/kg là đầu vụ, dứa chưa chín đều nên sản lượng ít (chiếm khoảng 15 - 20% tổng sản lượng). Từ ngày 1/4, thực hiện chỉ đạo giãn cách xã hội của Thủ tướng Chính phủ, Công ty bao tiêu sản phẩm tạm dừng nhập dứa, phương tiện vận chuyển liên tỉnh cũng ngừng hoạt động nên việc tiêu thụ dứa bị ảnh hưởng rất lớn. Nhân cơ hội này, thương lái ở Sơn La, Hòa Bình liên tục ép giá, từ 8.000 đồng/kg xuống còn 5.000 đồng rồi 3.000 đồng/kg. Ðến chiều ngày 9/4, giá dứa giảm “kịch sàn” xuống 1.000 đồng/kg. Hợp tác xã có 40 hộ trồng dứa bị thiệt hại, với diện tích khoảng 20ha. Vừa rồi dứa chín đồng loạt trên nương nhưng “bán giá rẻ như cho” nên một số hộ đã mặc cho dứa chín thối trên nương.

Gia đình ông Lý A Chu, bản Na Sang (xã Na Sang) trồng 3,5ha dứa, là một trong những hộ bị thiệt hại nặng nề nhất do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ông Chu cho biết: “Ðầu tháng 4 đến nay, gia đình tôi có khoảng 2ha dứa cho thu hoạch rộ. Tôi chỉ bán được 2 - 3 tấn khi giá dứa ở mức 5.000 đồng/kg. Ðến khi giá dứa xuống 1.000 đồng/kg tôi không bán nữa, để dứa chín và thối trên nương. Diện tích dứa còn lại cũng chuẩn bị cho thu hoạch nếu không giải quyết được đầu ra thì xác định vụ dứa năm nay trắng tay. Những năm trước, với diện tích 3,5ha, gia đình tôi có lợi nhuận khoảng 60 - 70 triệu đồng”.

Tương tự, gia đình ông Lý A Hành, bản Na Sang trồng 6ha dứa cũng có 1ha dứa chín rộ phải bỏ trên nương vì giá quá thấp. Ông Hành cho biết: “Mỗi vụ dứa, chưa tính công lao động, gia đình tôi phải đầu tư khoảng 45 triệu đồng tiền phân bón. Ðầu tháng 4 giá dứa giảm còn 1.000 đồng/kg không đủ trả công thuê người thu hoạch nên tôi đành cắn răng bỏ mặc”.

Nỗ lực “giải cứu” dứa

Trước nguy cơ vụ dứa thất bại, Hợp tác xã Na Sang đã liên tục liên lạc với Công ty TNHH Xuất khẩu nông sản Tấn Phát để tìm cách “giải cứu” dứa giúp người dân. Sau nhiều nỗ lực từ 2 phía, từ ngày 12/4, Công ty đã bố trí được phương tiện vận tải lên thu mua dứa của người dân.

Ông Lê Thanh Tâm cho biết: Thật may mắn khi trong điều kiện khó khăn, Công ty Tấn Phát vẫn cố gắng thu mua dứa, mặc dù giá thu mua hiện nay chỉ 3.000 đồng/kg  như thế là người trồng dứa đã không bị lỗ rồi! Chiều ngày 12/4, hàng trăm tấn dứa được người dân tập trung về Hợp tác xã Na Sang đợi cân và bốc xếp lên xe chở về nhà máy chế biến ở Nam Ðịnh. Niềm vui đã trở lại đối với người dân trồng dứa xã Na Sang. Có mặt tại điểm thu mua dứa, ông Lý A Chu cho biết: Công ty yêu cầu không chặt dứa quá chín nhưng vẫn tạo điều kiện mua giúp gia đình tôi 3 tấn quả đã chín quá quy định để giảm bớt thiệt hại. Từ ngày mai, tôi sẽ thu hoạch số dứa ở 1,5ha còn lại cho Công ty. Với giá 3.000 đồng/kg thì cũng đủ bù chi phí, vụ này coi như “lấy công làm lãi”!

Nguồn tin: Tin, ảnh: Phạm Trung:

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây