Hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững
- Thứ năm - 04/06/2020 10:08
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Ðề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong giai đoạn 2015 - 2020. Ðể thực hiện hiệu quả Ðề án, ngành Nông nghiệp đã tiến hành nhiều cuộc khảo sát, nghiên cứu và tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, chính sách hỗ trợ. Ðến nay, Ðề án đã đạt được những kết quả khá rõ nét. Từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng và hướng dẫn triển khai thực hiện 2 dự án trồng lúa theo mô hình cánh đồng lớn theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm; thí điểm dồn điền đổi thửa tại xã Thanh Yên và Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) với tổng diện tích 61,85ha; xây dựng 102ha cây trồng nông nghiệp được chứng nhận chuẩn VietGAP và 20ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ; xây dựng thành công 19 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản an toàn. Các mô hình tổ chức sản xuất được chú trọng phát triển để ngày càng đáp ứng tốt hơn đối với yêu cầu tái cơ cấu. Ðến nay, toàn tỉnh đã có 137 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, tăng 44 HTX so với năm 2015; doanh thu bình quân đạt 900 triệu đồng/HTX/năm, lợi nhuận bình quân 224 triệu đồng/HTX/năm, thu nhập bình quân xã viên đạt 32 triệu đồng/người/năm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng, tham mưu UBND tỉnh ban hành danh mục sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh và các cơ chế, chính sách để hỗ trợ, phát triển sản xuất nông nghiệp và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Năm 2017, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2203/KH-UBND về triển khai thực hiện dự án cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2021, định hướng đến năm 2026. Theo kế hoạch, đối với đất trồng lúa tại huyện Ðiện Biên: Năm 2017 quy mô dự án 50ha với 300 hộ tham gia; năm 2018 có 70ha với 400 hộ; năm 2019 phát triển lên 100ha với 500 hộ và 150ha với 750 hộ năm 2020. Tuy nhiên, thực tế triển khai năm nào cũng vượt kế hoạch đề ra. Qua 4 năm triển khai, dự án cánh đồng lớn bước đầu cho hiệu quả tích cực về năng suất, chất lượng lúa gạo; xây dựng liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với người dân.
HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Yên là một trong những chủ đầu tư của dự án cánh đồng lớn từ năm 2017 đến nay. Năm 2017, liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao giữa nông dân và HTX được hình thành với 70ha. Qua 4 năm thực hiện liên kết, vùng nguyên liệu của HTX đã nâng lên hơn 150ha và dự kiến sẽ mở rộng hơn trong những năm tới.
Ông Nguyễn Ðình Tới, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Yên cho biết: Trên cơ sở quy trình sản xuất được HTX xây dựng trình duyệt trong dự án và hướng dẫn của các đơn vị chuyên môn, HTX tiến hành tổ chức, chỉ đạo nông dân trong dự án sản xuất tuân thủ quy trình thống nhất, đồng bộ về: Thời gian làm đất, gieo sạ, chăm sóc, bảo vệ thực vật, thu hoạch. Nội dung thực hiện được HTX và nông dân thể hiện rõ ràng trong hợp đồng liên kết trong đó quy định rõ quyền lợi và trách nhiệm của mỗi bên. Trong quá trình sản xuất, HTX chủ động nhập giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và một số vật tư nông nghiệp khác đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để cung ứng cho nông dân trong dự án. Ðồng thời cử cán bộ kỹ thuật HTX phối hợp cán bộ bảo vệ thực vật, khuyến nông huyện Ðiện Biên tổ chức tập huấn, kiểm tra, từ đó có khuyến cáo, định hướng cho người dân thực hiện chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hiệu quả cao nhất. HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm của người dân trong vùng dự án; xây dựng hệ thống kho bãi; đầu tư dây chuyền chế biến sản phẩm hiện đại và liên kết tiêu thụ gạo thành phẩm với hệ thống bán lẻ lớn ở các tỉnh miền xuôi. Ðến nay, khối lượng gạo tiêu thụ bình quân của HTX đạt 500 - 700 tấn/vụ.
Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là một trong những mục tiêu quan trọng trong Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh. Giai đoạn 2015 - 2019, toàn tỉnh đã thu hút được 21 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với tổng kinh phí 6.186 tỷ đồng. Cùng với các chính sách chung của Nhà nước, UBND tỉnh đã xây dựng, ban hành nhiều cơ chế ưu đãi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Ðiển hình là Quyết định số 42/QÐ-UBND, ngày 9/12/2019 ban hành định mức hỗ trợ từng loại dự án, hạng mục, công trình đối với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Quyết định 42). Trong đó quy định cụ thể định mức các nội dung hỗ trợ như: Hệ thống điện, đường giao thông, nhà xưởng, nhà kho chuyên dụng; nhà máy xay xát gạo; nhà máy cấp nước khu vực nông thôn; công trình thủy lợi tưới tiêu nông nghiệp; công trình thu gom rác thải sinh hoạt nông thôn; dự án nuôi trồng thủy sản với quy mô 5ha trở lên; công trình xây dựng hệ thống tưới tiêu tiết kiệm nước; dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng nhà xã hội cho người lao động. Hiện nay, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đang tiến hành rà soát và hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để được hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh.
Ông Từ Quang Hà, Giám đốc Công ty TNHH Ðầu tư xây dựng và Thương mại Quang Hà Ðiện Biên cho biết: Công ty đầu tư Dự án Trồng cây ăn quả công nghệ cao, kết hợp với trồng rừng sản xuất tại xã Búng Lao (huyện Mường Ảng); gồm hơn 217ha cây ăn quả công nghệ cao và 50ha rừng sản xuất; tổng vốn đầu tư 80 tỷ đồng. Trước đây, dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp song tỉnh ta chưa có hướng dẫn thực hiện cụ thể nên các doanh nghiệp rất khó tiếp cận chính sách. Tuy nhiên, sau khi Quyết định 42 ban hành, cơ bản các vướng mắc của doanh nghiệp về chế độ, chính sách đã có căn cứ pháp lý để giải quyết. Bên cạnh đó, tại các cuộc giao ban hàng tháng giữa UBND tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp, UBND tỉnh luôn lắng nghe và chỉ đạo các sở, ngành hướng dẫn, giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp. Hiện nay, Công ty đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ theo Quyết định 42.